Thế giới
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt:

Người tiêu dùng châu Âu trở lại thói quen mua sắm những năm 1970

ClockThứ Ba, 25/10/2022 12:25
TTH.VN - Gần 3/4 người tiêu dùng tại khu vực châu Âu đang cắt giảm chi tiêu dành cho các mặt hàng thường nhật, bao gồm cả thực phẩm, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang gia tăng.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới: Nguy cơ suy thoái ở châu Âu đang gia tăngOECD: Khủng hoảng năng lượng, lạm phát có nguy cơ đẩy các nền kinh tế lớn vào suy thoáiEU dự kiến cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế

Người dân mua sắm nhu yếu phẩm trong một siêu thị tại thành phố Zaragoza, Tây Ban Nha. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cụ thể, Tạp chí Bloomberg vừa trích dẫn kết quả một cuộc khảo sát mới từ IRI, một công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường cho thấy, 71% người tiêu dùng trên 6 thị trường chính ở khu vực châu Âu đã thực hiện những thay đổi đáng kể về cách mua sắm, khi họ phải đối phó với tình trạng lạm phát đang được ghi nhận ở mức chưa từng có trong 4 thập kỷ.

Báo cáo của IRI cũng chỉ ra, 58% người tiêu dùng cho biết họ đã thực hiện việc cắt giảm đối với các nhu yếu phẩm; trong khi đó, 35% người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng những khoản tiết kiệm cá nhân và vay tiền để thanh toán các hóa đơn.

Trong một nhận định liên quan, ông Ananda Roy, Phó Chủ tịch cấp cao toàn cầu của IRI cho rằng: “Rõ ràng là mức độ sẵn sàng chi tiêu của người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng, và xu hướng chung có nguy cơ sẽ xấu đi, với khả năng giá tăng mạnh hơn nữa trong bối cảnh chi phí đầu vào cao, cũng như giá năng lượng biến động”.

Được biết, giá thực phẩm, nhiên liệu và năng lượng tăng vọt đang làm xói mòn ngân sách của các hộ gia đình trên khắp khu vực châu Âu, trong khi nguồn cung năng lượng bị đình trệ đang buộc các hộ gia đình và ngành công nghiệp phải chuẩn bị để đối phó với nguy cơ mất điện trong mùa đông năm nay. Ngoài ra, niềm tin của người tiêu dùng trên khắp châu lục này vẫn đang ở gần mức thấp kỷ lục. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều lo ngại cho rằng, khu vực đồng euro đang tiến tới một cuộc suy thoái.

Cũng theo ông Ananda Roy, sự mệt mỏi trước tình trạng lạm phát nghiêm trọng mà người tiêu dùng châu Âu phải đối mặt đang buộc họ thực hiện một loạt “hành vi đối phó” chưa từng thấy kể từ những năm 1970 và 1980. Điều này bao gồm việc bỏ bữa ăn, chuyển sang các chuỗi cửa hàng tạp hóa giảm giá, mua những mặt hàng nhãn hiệu riêng và cắt giảm sản phẩm, cũng như hàng hóa quá hạn sử dụng.

Đáng chú ý, những thay đổi này không chỉ xảy ra trong các cửa hàng tạp hóa hàng tuần; khi chỉ hơn 1/2 số người dân châu Âu được khảo sát trong nghiên cứu của IRI cho biết, họ có kế hoạch đặt thức ăn giao hàng tận nơi ít hơn, và 47% người dân cũng khẳng định sẽ ăn ở nhà hàng, quán bar hoặc quán cà phê ít hơn.

Trong bối cảnh lạm phát chưa có dấu hiệu sớm sụt giảm, các nhà bán lẻ và người tiêu dùng sẽ phải tiếp tục thích ứng. Qua đó, Phó Chủ tịch cấp cao toàn cầu của IRI lưu ý, người tiêu dùng rất có thể sẽ phải đứng trước một số quyết định khó khăn; trong khi các nhà bán lẻ, cũng như các thương hiệu sẽ cần làm tốt việc xem xét kỹ lưỡng và lâu dài về cách để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Lê Thảo (Lược dịch từ Bloomberg & The Edge Markets)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những xu hướng giải trí lan tỏa tại Đông Nam Á trong năm 2024

Theo danh sách các sản phẩm ăn khách của châu Á do Nikkei biên soạn, từ các buổi concert của ca sĩ nổi tiếng thế giới Taylor Swift diễn ra tại Singapore, đến sự lan tỏa của xu hướng “P-pop” từ Philippines và sự ra mắt của một bộ phim thu hút từ Thái Lan…, nhìn chung các hoạt động và xu hướng giải trí đã chiếm vị trí trung tâm tại Đông Nam Á năm 2024.

Những xu hướng giải trí lan tỏa tại Đông Nam Á trong năm 2024
Return to top