Thế giới

Ngân hàng Thế giới: Các nền kinh tế đang phát triển sẽ đối mặt nhiều thách thức trong tương lai

ClockThứ Bảy, 18/01/2025 06:36
TTH - Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank), các nền kinh tế đang phát triển - chiếm 60% tăng trưởng toàn cầu - được dự đoán sẽ có triển vọng tăng trưởng dài hạn yếu nhất kể từ năm 2000. Ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu ổn định trong 2 năm tới, các nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ tiến triển chậm hơn trong việc bắt kịp mức thu nhập của các nền kinh tế tiên tiến.

25 năm tới sẽ mang tính quyết định với 26 quốc gia nghèo nhất thế giớiHơn 900 triệu USD tài trợ cho dự án xây dựng trung tâm dữ liệu tại MalaysiaTriển khai chương trình tài trợ thương mại mới cho các thị trường mới nổi

 Bất chấp nhiều trở ngại, các nền kinh tế đang phát triển vẫn có nhiều có hội để cải thiện triển vọng tăng trưởng. Ảnh minh họa: Pinterest

Nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2025 và 2026, cùng tốc độ như năm 2024, khi lạm phát và lãi suất giảm dần. Tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển cũng dự kiến sẽ giữ ổn định ở mức khoảng 4% trong 2 năm tới. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng yếu hơn so với trước đại dịch - và không đủ để thúc đẩy tiến trình cần thiết nhằm xóa đói giảm nghèo và đạt được các mục tiêu phát triển rộng hơn.

Đánh giá về hiệu suất của các nền kinh tế đang phát triển trong 25 năm đầu tiên của thế kỷ XXI, Ngân hàng Thế giới cho biết trong thập kỷ đầu tiên, các nền kinh tế đang phát triển đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1970. Tuy nhiên, tiến trình đã chậm lại sau Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Hội nhập kinh tế toàn cầu đã chững lại: tính theo tỷ lệ GDP, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào các nền kinh tế đang phát triển chỉ bằng khoảng 1/2 mức đầu những năm 2000. Đến năm 2024, các hạn chế thương mại toàn cầu mới đã cao gấp 5 lần mức trung bình của giai đoạn 2010-2019. Kết quả là, tăng trưởng kinh tế chung giảm - từ 5,9% trong những năm 2000 xuống 5,1% trong những năm 2010 và 3,5% trong những năm 2020. Kể từ năm 2014, ngoại trừ Trung Quốc và Ấn Độ, tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người ở các nền kinh tế đang phát triển thấp hơn nửa điểm phần trăm so với các nền kinh tế giàu có, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

Ông Indermit Gill - Phó chủ tịch cấp cao về Kinh tế phát triển của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết “25 năm tới sẽ là giai đoạn khó khăn hơn đối với các nền kinh tế đang phát triển so với 25 năm qua… Hầu hết các yếu tố từng hỗ trợ sự trỗi dậy của các nước này đã tan biến. Thay vào đó là những thách thức đáng lo ngại: gánh nặng nợ cao, tăng trưởng đầu tư và năng suất yếu, và chi phí của biến đổi khí hậu gia tăng”.

Tuy nhiên, bất chấp nhiều trở ngại, báo cáo của Ngân hàng Thế giới lập luận rằng các nền kinh tế đang phát triển vẫn có nhiều lựa chọn để cải thiện triển vọng tăng trưởng. Với các chính sách phù hợp, các nền kinh tế này thậm chí có thể biến một số thách thức thành cơ hội đáng kể. Giải quyết nhu cầu về cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện nguồn nhân lực có thể cải thiện triển vọng tăng trưởng, đồng thời giúp đạt được các mục tiêu về khí hậu và phát triển. Song song đó, tất cả các quốc gia nên cùng nhau hợp tác để tăng cường quản trị thương mại toàn cầu, với sự hỗ trợ của các thể chế đa phương.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ Business Times)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn để giải quyết nguy cơ cháy rừng gia tăng

Kể từ ngày 7/1, khi các vụ cháy rừng nghiêm trọng hoành hành khắp khu vực Los Angeles (Mỹ), hơn 100.000 người đã phải tuân theo lệnh sơ tán bắt buộc. Ước tính ban đầu cho thấy, tổn thất được hưởng bảo hiểm có thể lên tới 20 tỷ USD và tổng thiệt hại kinh tế có khả năng sẽ chạm mốc 57 tỷ USD.

Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn để giải quyết nguy cơ cháy rừng gia tăng
Return to top