Thế giới

Cần 75 tỷ USD để chuẩn bị ứng phó với các đại dịch trong tương lai

ClockThứ Bảy, 10/07/2021 15:49
TTH.VN - Trong cuộc họp với các Bộ trưởng Tài chính của Nhóm G20 ngày 9/7 tại Venice (Italy), một nhóm các chuyên gia nói rằng, các đại dịch trong tương lai sẽ xảy ra thường xuyên hơn và nguy hiểm hơn, và thế giới không thể chờ đợi COVID-19 kết thúc trước khi thực hiện các cuộc đầu tư và cải cách khẩn cấp trên quy mô toàn cầu.

Tuyên bố Rome: Cùng cam kết, cùng hành động trong khủng hoảng y tếG20: Bằng mọi cách ngăn chặn đại dịch, giải cứu việc làm và thu nhậpNhững kỳ vọng vào hành động của G20 trước cú sốc kinh tế toàn cầu do COVID-19

Hội nghị G20 năm nay do Italy chủ trì. Ảnh: CGTN

Theo các chuyên gia này, các chính phủ cần ít nhất 75 tỷ USD trong 5 năm tới để chuẩn bị cho các đại dịch có thể xảy ra. Con số này cao hơn những gì cộng đồng quốc tế sẵn sàng chi, nhưng “không đáng kể” so với những tổn thất khi một đại dịch lớn khác bùng phát trong tương lai.

Ban hội thẩm của G20 gồm 23 thành viên, trong đó có Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers, người đồng chủ trì cùng với Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala và cựu Bộ trưởng Tài chính Singapore, Tharman Shanmugaratnam. Ban hội thẩm cho rằng một đại dịch mới sẽ khiến các chính phủ thiệt hại gấp 700 lần những gì được đề xuất trong các khoản đầu tư quốc tế bổ sung hàng năm.

Từ đó, ban hội thẩm khuyến nghị thành lập Quỹ Các mối đe dọa Sức khỏe Toàn cầu hàng năm trị giá 10 tỷ USD, cộng với 5 tỷ USD khác mỗi năm để hỗ trợ các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Phát triển Quốc tế của Ngân hàng Thế giới. Cựu Bộ trưởng Summers khẳng định rằng việc chi hàng chục tỷ USD trong 5 năm tới có thể giúp tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ USD trong tương lai.

Ban hội thẩm của G20 cũng kêu gọi thành lập một hội đồng toàn cầu để cung cấp thêm nguồn lực, tăng cường khả năng giám sát và điều phối.

Phát biểu tại cuộc họp hôm qua, ông Summers cho rằng “thế giới đang phải trả giá cao hơn gấp nhiều lần và phải gánh chịu thêm nhiều chi phí về nhân lực và kinh tế hơn trong đại dịch COVID-19 do có quá ít đầu tư vào việc chuẩn bị cho đại dịch… Chúng ta phải làm tốt hơn trong tương lai để chuẩn bị cho các mối đe dọa đại dịch đang nổi lên và giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra. An ninh quốc gia và an ninh toàn cầu trong tương lai đang bị đe dọa".

Ban hội thẩm cũng kêu gọi tất cả các quốc gia ưu tiên và duy trì các khoản đầu tư trong nước để chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch. Ngoài ra, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ cần đầu tư thêm khoảng 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào chi tiêu công cho y tế trong vòng 5 năm tới.

Để lấp đầy những “lỗ hổng lớn” trong việc chuẩn bị ứng phó với đại dịch, ban hội thẩm đã xác định 4 lĩnh vực chính để hành động, bao gồm: giám sát các bệnh truyền nhiễm, tăng khả năng phục hồi của các hệ thống y tế quốc gia, cung cấp và phân phối vaccine và các loại thuốc khác, và tăng cường quản trị toàn cầu.

Theo bà Okonjo-Iweala, các Bộ trưởng Tài chính G20 đều có đánh giá tích cực về báo cáo, đồng thời tin tưởng các khuyến nghị sẽ được thực hiện. 

Hội nghị G20 năm nay do Italy chủ trì, sẽ xem xét chi tiết các báo cáo của ban hội thẩm và các khuyến nghị trước thềm cuộc họp chung giữa các Bộ trưởng Y tế và Tài chính vào tháng 10 tới.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Straitstimes)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuẩn bị cho một khởi động mới

Từ ngày 1/1/2025, huyện Phong Điền trở thành thị xã khi Nghị quyết (NQ) số 1314 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023 -2025 có hiệu lực. Trước vận hội mới, Phong Điền đã chuẩn bị tâm thế để tăng tốc phát triển bền vững.

Chuẩn bị cho một khởi động mới
Chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới

Trong 2 ngày 19-20/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến về công tác chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non (GDMN), tham vấn quy trình thí điểm, các biểu mẫu báo cáo kết quả thí điểm chương trình GDMN. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới
Return to top