Thế giới

Biến đổi khí hậu buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa

ClockThứ Sáu, 05/01/2024 11:43
TTH.VN - Khi số lượng các thảm họa khí hậu gia tăng, ngày càng có nhiều người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa, đặc biệt là ở khu vực châu Á.

2023 là năm nóng kỷ lục trong lịch sửAIIB: Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ được quyết định ở châu Á

 Khu vực Jaffarabad ở Pakistan đối mặt với cảnh ngập lụt sau mưa lớn. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo Trung tâm Giám sát Di dời Nội bộ (IDMC), con số kỷ lục 32,6 triệu người phải di dời trong nước có liên quan đến các thảm họa hồi năm 2022, cao hơn 41% so với mức trung bình hàng năm trong thập kỷ qua. Đáng chú ý, con số này lớn hơn nhiều so với 28,3 triệu người phải di dời do xung đột và bạo lực được ghi nhận trong cùng năm.

Trong đó, 4 trong số 5 quốc gia có số lượng người mới phải di dời trong nước cao nhất do thiên tai vào năm 2022 đều ở khu vực châu Á. IDMC cho biết thêm, Pakistan ghi nhận số lượng cao nhất với 8,2 triệu người, tiếp theo là Philippines (5,5 triệu người) và Trung Quốc (3,6 triệu người).

Tình hình được dự báo sẽ trở nên tồi tệ hơn. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay, biến đổi khí hậu có thể buộc 216 triệu người trên khắp 6 khu vực phải di dời trong nước vào năm 2050.

Trong khu vực, Nam Á có thể là nơi có nhiều người phải di dời do biến đổi khí hậu nhất, do mật độ dân số và tính dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu, ông Vinod Thomas, nghiên cứu viên cấp cao đến từ Viện ISEAS-Yusof Ishak lưu ý. Đặc biệt, Bangladesh, Pakistan và Afghanistan có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), 10 - 18% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nam Á phải đối mặt với rủi ro do các thảm họa khí hậu, khoảng gấp 3 lần rủi ro mà Bắc Mỹ phải đối mặt, và gấp 10 lần so với châu Âu.

Ông Vinod Thomas lưu ý, sự di dời trong nước do biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế đối với nước sở tại. Theo IDMC, trong các vụ cháy rừng Mùa hè đen ở Australia trong giai đoạn 2019 - 2020, thiệt hại về sản xuất kinh tế của một người mất một ngày làm việc là khoảng 510 USD. Có 65.000 người mới phải di dời vì các vụ cháy rừng.

IDMC cho thấy, chỉ việc đáp ứng nhu cầu nhà ở cho những người không thể trở về nhà trong một năm cũng ước tính chi phí từ 44 - 52 triệu USD.

Tuy việc di dời trong nước do biến đổi khí hậu phổ biến hơn nhiều so với việc di dời xuyên biên giới, nhưng mọi người có thể dần bắt đầu di dời xuyên biên giới khi tác động của biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn, bà Tamara Wood, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Luật Tị nạn Quốc tế Kaldor nói thêm.

Ông Vinod Thomas cho rằng, các quốc gia cần tập trung vào 3 bước để đối phó với tình trạng di dời do biến đổi khí hậu, đó là hoạt động cứu trợ và phục hồi, thích ứng với biến đổi khí hậu, và giảm thiểu bằng cách khử carbon các nền kinh tế.

LÊ THẢO (Lược dịch từ CNBC)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025

Các nhà khoa học từ Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus của EU (C3S) ngày 9/12 cho biết nhiệt độ “cao bất thường” dự kiến ​​sẽ kéo dài sang ít nhất vài tháng đầu năm 2025, sau khi năm 2024 được báo cáo là năm ấm nhất thế giới kể từ khi có số liệu thống kê.

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025
Di dời lồng cá trên sông Bồ

121 lồng cá trắm cỏ của 38 hộ dân thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú (Quảng Điền) đang nuôi trên sông Bồ buộc phải di dời đến nơi khác và giảm lồng nuôi để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt. Đây là quyết định của UBND huyện Quảng Điền cũng như theo phân tích của các sở, ngành liên quan, nhằm bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng phụ cận.

Di dời lồng cá trên sông Bồ
Return to top