Thế giới

ASEAN dẫn đầu thế giới trong ngăn chặn đại dịch COVID-19

ClockThứ Ba, 23/06/2020 17:28
TTH - Trong bối cảnh các công dân và chuyên gia y tế công cộng trên toàn cầu ngày càng lo ngại về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 đang gia tăng nhanh chóng, các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhất là nhóm các quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan (CLMVT), được xếp hạng trong số những quốc gia tốt nhất trên thế giới trong việc kiểm soát sự lây lan của virus.

ASEAN, Hàn Quốc thảo luận hợp tác đối phó đại dịchASEAN: Sử dụng trang web visitseasia.travel làm nền tảng cập nhật du lịch và COVID-19ASEAN: GDP trung bình có thể trở lại mức 8% vào năm 2021

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN về ứng phó với đại dịch COVID-19. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Cho đến nay, các quốc gia đã đạt được kết quả khả quan nhất trong chỉ số đánh giá tỷ lệ số ca tử vong trên 1 triệu dân. Theo số liệu tính đến ngày 15/6, Lào, Việt Nam và Campuchia lần lượt xếp thứ 3, thứ 4 và thứ 5 trên toàn thế giới, trong khi Myanmar và Thái Lan lần lượt xếp thứ 34 và 54.

Trong số 3.509 trường hợp tử vong được ghi nhận trên khắp Cộng đồng ASEAN tính đến ngày 15/6, chỉ 64 trường hợp, tương đương 1,82% được báo cáo trong nhóm CLMVT, với 3 trong số 5 quốc gia không ghi nhận trường hợp tử vong nào. Đối với tổng số ca nhiễm, 5 quốc gia CLMVT chỉ chiếm 3,26% trên tổng số 119.045 trường hợp được ghi nhận trên toàn ASEAN.

Thành công của các quốc gia CLMVT đã nhận được sự chú ý, những nỗ lực của Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đều được đại diện của các phái đoàn và tổ chức quốc tế ca ngợi trong tuần qua.

Đáng chú ý, Thái Lan được xếp hạng thứ 2 trong bảng xếp hạng các quốc gia có chỉ số phục hồi từ COVID-19 cao nhất trên toàn cầu. Trong khi đó, Malaysia xếp thứ 10, Việt Nam đứng vị trí thứ 14, Myanmar xếp thứ 28, Lào và Campuchia lần lượt đứng vị trí 31 và 38.

Nhận định về sự thành công và thất bại của các quốc gia trong nỗ lực chống lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2, Giáo sư Richard H. Ebright tại Đại học Rutgers (Mỹ) cho biết: “Yếu tố liên quan duy nhất đến sự thành công hay thất bại là liệu các Chính phủ có hành động kiên quyết, kịp thời hay không. Ở các quốc gia nơi những biện pháp kiểm soát đi lại được triển khai kịp thời và nhanh chóng mở rộng để bao phủ các khu vực nhiễm bệnh mới xuất hiện, việc kiểm soát đi lại cực kỳ hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch bệnh bùng phát”.

Ông Richard H. Ebright nhấn mạnh: "Phản ứng nhanh và mạnh của Chính phủ mang đến sự thành công, trong khi phản ứng chậm và yếu của Chính phủ tương đương với sự thất bại”.

Trong khi các nhà lãnh đạo Chính phủ của các quốc gia CLMVT đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc nới lỏng các hạn chế đi lại quốc tế, hầu hết đều duy trì biên giới nghiêm ngặt, trong khi tiếp tục đưa công dân từ khắp nơi trên thế giới về nước. Một số quốc gia đã áp dụng các quy trình nhập cảnh được thiết kế nhằm đảm bảo chỉ những người thực sự cần mới nhập cảnh.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ AEC News Today)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN nỗ lực thúc đẩy thương mại nội khối thông qua tăng cường kết nối giao thông

Theo một bài phân tích trên trang CNA, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại trong khu vực thông qua việc xây dựng mạng lưới giao thông và hậu cần tốt hơn. Điều này cũng sẽ cho phép các quốc gia thành viên tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro địa chính trị và kinh tế đang ngày càng gia tăng.

ASEAN nỗ lực thúc đẩy thương mại nội khối thông qua tăng cường kết nối giao thông
Return to top