Thế giới

Anh đối mặt làn sóng dịch thứ ba với khả năng 40.000 người chết vì biến thể Delta

ClockThứ Ba, 15/06/2021 15:40
Giới chuyên gia cho rằng quyết định hoãn gỡ bỏ các biện pháp chống dịch thêm 4 tuần của Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng không thể ngăn được làn sóng lây nhiễm thứ ba vào mùa hè.

Các khu vực ăn uống khép kín để hạn chế dịch COVID-19 ở chợ Camden, thủ đô London, Anh ngày 14-6 - Ảnh: GETTY IMAGES

Báo Independent ngày 14-6 dẫn nghiên cứu do Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London (LSHTM) cảnh báo hơn 40.000 người có thể chết trong mùa hè này khi biến thể Delta (phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ) hoành hành khắp Anh.

Hơn 40.000 người "có thể" chết

Nghiên cứu, do LSHTM trình lên Nhóm tư vấn khoa học về các trường hợp khẩn cấp (SAGE) của Anh, cho biết một làn sóng những ca bệnh, nhập viện và tử vong trong mùa hè này "có thể xảy ra" dù các biện pháp phòng dịch có được dỡ bỏ hay không, vì bản chất độc lực cao của biến thể Delta.

Dù vậy, nghiên cứu cho biết số ca tử vong ở làn sóng thứ ba có thể giảm từ 700 xuống 500 ca một ngày nhờ quyết định hoãn kế hoạch của ông Johnson.

Theo nghiên cứu, việc hoãn dỡ bỏ các biện pháp hạn chế của Chính phủ Anh chỉ làm giảm số người chết trong kịch bản tồi tệ nhất của nghiên cứu xuống còn 43.500 người. Nếu Anh theo kế hoạch cũ và dỡ bỏ hầu hết các hạn chế vào ngày 21-6 thì con số này sẽ là 49.700 người.

Cùng ngày, Thủ tướng Johnson tuyên bố nước này chính thức hoãn dỡ bỏ các biện pháp chống dịch tới ngày 19-7 do sự hoành hành của biến thể Delta, hiện chiếm hơn 90% ca bệnh mới ở Anh.

Ông Johnson cảnh báo hàng ngàn người có thể chết nếu ông không làm gì vì sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.

"Tôi nghĩ chờ thêm một thời gian nữa là hợp lý. Tôi tự tin là chúng ta sẽ không cần nhiều hơn 4 tuần nữa", Thủ tướng Anh khẳng định.

Anh hy vọng việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng trong 4 tuần tới có thể giúp nước này đạt mục tiêu 2/3 dân số trưởng thành ở Anh được tiêm 2 liều trước ngày 19-7. Nhằm tạo điều kiện cho mục tiêu này, Chính phủ Anh cũng rút ngắn thời gian giữa hai liều tiêm từ 12 tuần xuống còn 8 tuần đối với những người trên 40 tuổi.

Làn sóng lây nhiễm ở người trẻ chưa tiêm chủng

Trong khi đó, theo báo Guardian ngày 13-6, các bộ trưởng Anh đã trích dẫn mô hình thống kê cho thấy ngay cả khi triển khai tiêm chủng nhanh chóng, Anh vẫn sẽ đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba, chủ yếu là những người trẻ chưa tiêm vắc xin.

Trong những tuần gần đây, Anh đã chứng kiến sự gia tăng các ca bệnh do biến thể Delta gây ra. Giới chức y tế tin là biến thể này có khả năng lây nhiễm cao hơn 60% so với biến thể Alpha (phát hiện lần đầu ở Anh).

Hiện nay, Anh ghi nhận trung bình khoảng 8.000 ca mới theo ngày, mức cao nhất kể từ tháng 2. Thủ tướng Johnson cho biết số ca bệnh mới tăng 64% mỗi tuần và số người cần chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện cũng đang tăng lên.

Tuy nhiên khác với tháng 3-2020, số ca nhập viện hiện nay ở Anh chủ yếu là những người trẻ, phần lớn chưa tiêm vắc xin, cần thời gian điều trị ít hơn và ít có nguy cơ tử vong hơn.

"Bằng cách thận trọng từ giờ, chúng ta có cơ hội cứu sống hàng ngàn người trong 4 tuần tới nhờ tiêm chủng thêm cho hàng triệu người", ông Johnson nói tiếp.

Số người chết vì đại dịch ở Anh hiện đã gần 128.000 người, đứng thứ 7 trên thế giới.

Theo Hãng tin Reuters, Chính phủ Anh đưa ra quyết định trên dựa trên mô hình tính toán khoa học, cho thấy nếu Anh mở cửa như dự tính thì số ca nhập viện có thể bằng với hồi tháng 3-2020 và Bộ Y tế Anh lo sợ hệ thống y tế nước này sẽ quá tải.

"Thời gian hoãn 4 tuần này sẽ giúp giảm mức đỉnh dịch - bất kể là bao nhiêu - từ 30-50%" - ông Patrick Vallance, trưởng cố vấn khoa học của Chính phủ Anh, cho biết.

Biến thể Delta lan ra 74 nước

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 15-6 cho biết biến thể Delta đã lan ra 74 quốc gia trên thế giới, tăng thêm 12 nước so với tuần trước. Biến thể Delta vẫn đang tiếp tục lây lan nhanh chóng trong bối cảnh lo ngại nó sẽ trở thành biến thể thống trị trên toàn thế giới.

Theo báo Guardian, biến thể Delta đã được phát hiện tại Mỹ, Anh, Trung Quốc, châu Phi, bán đảo Scandinavia và khu vực Thái Bình Dương.

Theo Tuoitre

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025

Hãng tin CNA dẫn nhận định của các chuyên gia chia sẻ, khi COVID-19 xuất hiện đột ngột, lây lan nhanh và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên khắp thể giới, kể từ đó, có thể nói rằng mọi người dân đều lo lắng về sự xuất hiện của một căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng nào đó sẽ xảy ra tiếp theo, có thể là virus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng.

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025
Ấn Độ, Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình ở khu vực biên giới

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 5/12, nhằm ngăn ngừa nguy cơ tái diễn đối đầu quân sự dọc Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC), Ấn Độ và Trung Quốc đã tiến hành đối thoại ngoại giao, trong đó nhìn lại những bài học kinh nghiệm từ cuộc đối đầu tại khu vực Đông Ladakh (mà Trung Quốc gọi là Aksai Chin).

Ấn Độ, Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình ở khu vực biên giới
Return to top