ClockChủ Nhật, 03/05/2020 06:13

Mở rộng không gian, xây dựng đô thị Huế

TTH - Thực hiện Nghị quyết 54- NQ/TW của Bộ Chính trị, một trong những mục tiêu trước mắt và hàng đầu của Thừa Thiên Huế là hoàn thành mở rộng thành phố Huế theo quy hoạch trước năm 2022.

Gỡ hai nút thắt cho đô thị di sản HuếPhải hình dung được đô thị tương lai để nghiên cứu các cơ chế đặc thùNâng cao chất lượng đô thị, chất lượng cuộc sống của người dân

Đô thị Huế sẽ mở rộng theo hướng đông - tây và bắc - nam, với trục cảnh quan chính là sông Hương

Mở rộng không gian 

Hình thành và phát triển sớm, song Huế hiện là một trong những thành phố có diện tích nhỏ nhất Việt Nam. Theo quy chuẩn mà Quốc hội ban hành, thành phố thuộc tỉnh phải có dân số tối thiểu 150.000 người và diện tích tự nhiên từ 150km2 trở lên. Huế hiện là đô thị loại 1 thuộc tỉnh, dân số hơn 350.000 người nhưng diện tích chỉ hơn 70km2.

Sau ngày này giải phóng, Huế nhiều lần tìm cách mở rộng; song thiếu một quy hoạch tổng thể thống nhất. Thế nên, đã xảy ra trường hợp như một số địa phương thuộc Hương Thủy, Hương Trà hay Phú Vang vừa mới “lên phố” đã phải trở lại huyện.

Đề án “Xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 và điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã xây dựng xong và đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện. Phạm vi mở rộng đô thị Huế gồm TP. Huế hiện hữu (70,67km²) và một phần của các TX. Hương Thủy, Hương Trà, huyện Phú Vang, với diện tích khoảng 348,54km², rộng gấp 5 lần hiện nay.

Đô thị di sản, sinh thái

Tại Hội thảo “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Việc đưa cả tỉnh Thừa Thiên Huế thành đô thị trực thuộc Trung ương sẽ rất khó khả thi, 10 năm rồi vẫn chưa đạt được. Nếu xây dựng Huế trở thành đô thị di sản trực thuộc Trung ương thì phù hợp và khả thi hơn, dù hiện vẫn chưa có bộ tiêu chí cho loại hình đô thị này. Thừa Thiên Huế xác định sẽ xây dựng và phát triển TP. Huế trở thành đô thị di sản - thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”.

Đô thị Huế sẽ mở rộng theo hướng đông - tây và bắc - nam, với trục cảnh quan chính là sông Hương.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, khi mở rộng TP. Huế như đề án quy hoạch, sẽ hoàn thiện trục không gian sông Hương kết nối từ núi đến biển. Trên trục sông Hương, các tiểu đô thị hai bên bờ sông sẽ được phát triển, vùng đô thị di sản sẽ được giảm áp lực. Mô hình cụm đô thị hình thành với trung tâm là TP. Huế và bốn đô thị phụ trợ, đó là Hương Thủy, Tứ Hạ, Thuận An và Bình Điền. Hướng phát triển này kéo biển Thuận An và sân bay Phú Bài gần nhau hơn qua hệ thống giao thông vành đai.

Hướng mở rộng đông - tây và bắc - nam là phù hợp, nhưng nên ưu tiên mở rộng theo trục đông - tây trước, để hoàn thiện không gian đô thị di sản Huế thành một bức tranh từ núi đến biển theo trục cảnh quan sông Hương. Việc mở rộng theo trục này sẽ tránh sự xáo trộn, mất cân bằng giữa đất phát triển đô thị và đất nông nghiệp. Theo đề án, các đô thị trong cụm đô thị được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai, bố trí dải cây xanh giữa các đô thị để hạn chế phát triển lan tỏa của các đô thị và phòng tránh lũ lụt; tạo lập cụm đô thị di sản - văn hóa - cảnh quan thân thiện với môi trường. Đô thị cổ với khu di sản thế giới - Kinh thành Huế - ở bờ bắc sông Hương, đô thị cũ ở bờ nam sông Hương sẽ được bảo tồn; trong khi đó, các vùng đã đô thị hóa quanh Huế sẽ được chính thức trở thành đô thị.

Cần một lộ trình

Theo Chủ tịch UBND TP. Huế Hoàng Hải Minh, mục tiêu của thành phố trong giai đọan trước mắt là giữ ổn định phát triển kinh tế, tiếp tục tạo đột phá trong du lịch, dịch vụ, thương mại. Đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ với một số công trình hiện đại, thân thiện với môi trường, đáp ứng các tiêu chí về đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Cùng với đó là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và đảm bảo an sinh xã hội; xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động phòng chống ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường công tác bảo vệ môi trường. 

Đề án “Xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 và điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” phân theo 2 giai đoạn, vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt (mở rộng TP. Huế) và lâu dài (đưa toàn tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương).

Giai đoạn 1 (2020 - 2025) sẽ xây dựng, phát triển không gian đô thị Huế hướng biển, theo trục cảnh quan hai bờ sông Hương. Phạm vi nghiên cứu bao gồm khu vực TP. Huế hiện hữu; TX. Hương Thủy (các xã Thủy Vân, Thủy Bằng); TX. Hương Trà (các phường, xã Hương Hồ, Hương An, Hương Thọ, Hương Vinh, Hải Dương, Hương Phong) và huyện Phú Vang (các xã, thị trấn Thuận An, Phú Thượng, Phú Mậu, Phú Dương, Phú Thanh), với quy mô khoảng 267 km2.

Giai đoạn 2 (2025 - 2030) sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển không gian đô thị Huế theo định hướng của đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế và quy hoạch chung TP. Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với vùng lõi đô thị có quy mô khoảng 348 km2, bao gồm TP. Huế mở rộng có quy mô 267km2 và các TX. Hương Thủy, Hương Trà. Trong đó, đô thị vùng lõi, bao gồm TP. Huế mở rộng; tăng cường phát triển các chức năng vốn có của trung tâm dịch vụ, du lịch, y tế, giáo dục, hành chính, văn hóa - lễ hội... của đô thị hiện tại; đồng thời, phát huy các chức năng dịch vụ công cộng, kinh tế tri thức. Hương Thủy và Hương Trà là 2 đô thị phụ trợ cho đô thị vùng lõi.

Thời gian qua, Thừa Thiên Huế tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng về phía nam thành phố. Tỉnh lập khu đô thị mới An Vân Dương hơn 1.700ha thuộc xã Phú Thượng (Phú Vang), xã Thủy Vân, phường Thủy Dương (TX. Hương Thủy) và phường An Đông (Huế). Nhiều tuyến đường lớn được xây dựng đầu tư, như Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Trung tâm Hành chính công tỉnh cũng đang được xây dựng tại khu đô thị này. Đó được xem là bước đi khởi đầu cho việc hình thành một thành phố Huế mở rộng và phát triển.

Bài: THANH HƯƠNG - Ảnh: HOÀNG HẢI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Khẩn trương xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thực chất, hiệu quả, tạo động lực phát triển mới

Sáng 4/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức.

Khẩn trương xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thực chất, hiệu quả, tạo động lực phát triển mới
Xây dựng thương hiệu cho Thực phẩm Ogranic Vinh Xuân

“Cay, ngon, sạch” - sản phẩm nước ớt và tương ớt của Thực phẩm Ogranic Vinh Xuân do anh Tô Đông Thoạn, ở Vinh Xuân, Phú Vang sản xuất đã và đang được thị trường đón nhận. Hiện, chủ cơ sở sản xuất đang tập trung nguồn lực để xây dựng thương hiệu riêng khi Thực phẩm Ogranic Vinh Xuân vừa được chứng nhận là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023”.

Xây dựng thương hiệu cho Thực phẩm Ogranic Vinh Xuân

TIN MỚI

Return to top