ClockChủ Nhật, 13/03/2022 08:10

Tăng kim ngạch xuất khẩu gỗ rừng trồng

TTH - Tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2021 của tỉnh khoảng 80 triệu USD được đánh giá tương đối khả quan trong bối cảnh dịch COVID-19. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tăng chậm so với sản xuất lâm nghiệp liên tục tăng trưởng, nhất là khâu trồng rừng nguyên liệu.

Trồng rừng bền vữngGiá trị cho rừng gỗ lớnĐối trọng cần để giữ rừngLộc Bổn phát triển 560 ha rừng trồng gỗ lớn

 Khai thác rừng gỗ lớn ở Bến Ván (Phú Lộc)

Sản phẩm dăm gỗ chiếm 98%

Năm 2021 và đầu năm nay, diện tích rừng tiếp tục được giám sát khá chặt chẽ, số vụ phá rừng và diện tích bị phá giảm hơn so với năm trước. Có khoảng hơn 5.500ha rừng được trồng mới, trong đó phải kể đến gần 1,47 triệu cây xanh cảnh quan, môi trường, đạt 98,1% so với kế hoạch đề ra. Hoạt động quản lý, bảo vệ rừng có những chuyển biến tích cực, ổn định độ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 57%.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có có gần 11 ngàn ha rừng trồng gỗ lớn, được cấp chứng chỉ rừng FSC và đã thành lập 25 hợp tác xã lâm nghiệp bền vững (HTXLNBV) để làm khâu trung gian, kết nối, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rừng trồng cho nông dân, đặc biệt là rừng gỗ lớn, có chứng chỉ FSC.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn phân tích, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 14 cơ sở, nhà máy chế biến lâm sản, hằng năm sử dụng trên 1 triệu tấn nguyên liệu gỗ. Sản phẩm và bán thành phẩm được sản xuất là dăm gỗ bình quân khoảng 1 triệu tấn, ván bóc trên 5.000m3, gỗ thanh 6.000m3, đồ gỗ 500 sản phẩm, ván dăm 7.000m3.

Ươm giống cây lâm nghiệp chất lượng tại Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong

Số liệu trên cho thấy, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng hằng năm trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu nguyên liệu gỗ cho các nhà máy chế biến. Sản phẩm chế biến chủ yếu là dăm gỗ chiếm 98% trên tổng sản lượng sản phẩm gỗ qua sơ chế và chế biến. Sản lượng dăm gỗ chiếm tỷ trọng cao cũng là một trong những nguyên nhân hạn chế kết quả thực hiện kế hoạch trồng rừng gỗ lớn của tỉnh. Khai thác rừng trồng 4 năm tuổi tuy giải quyết thu nhập trước mắt, nhưng làm giảm tới 2/3 giá trị thu nhập của người trồng rừng so với trồng rừng gỗ lớn 7-8 năm tuổi.

Kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ chiếm khoảng 50% (trong khi tỷ lệ dăm trên tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản hằng năm của cả nước dao động khoảng 12%). Thực trạng trên đòi hỏi phải có giải pháp đầu tư và thu hút đầu tư cho chế biến sâu, tăng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm hoàn chỉnh, sản phẩm công nghệ cao; giảm mạnh tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu thô, sản phẩm sơ chế (dăm). Đây cũng chính là điểm mấu chốt để đẩy mạnh triển khai chuỗi liên kết, thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp khu vực hộ gia đình, cá nhân và hợp tác xã lâm nghiệp bền vững phát triển. 

Tiếp tục liên kết chuỗi giá trị

Chủ tịch Hội Chủ rừng Phát triển bền vững tỉnh (FOSDA), ông Võ Văn Dự thông tin, trước yêu cầu thúc đẩy phát triển lâm nghiệp bền vững, thông qua FOSDA, Chi Hội Chủ rừng phát triển bền vững tại cơ sở, các HTX đang liên kết với Công ty CP chế biến lâm sản Minh An và Hòa Nga thông qua hợp đồng hằng năm để cung cấp nguyên liệu gỗ. Hợp đồng liên kết này ràng buộc sản phẩm gỗ tròn được cung ứng phải là gỗ được thu hoạch trên diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững tiêu chuẩn FSC, theo quy cách là gỗ giao tại nhà máy có đường kích tối thiểu từ 13cm trở lên.

Về phía các công ty đảm bảo mua gỗ theo yêu cầu và quy cách trên cao hơn giá thị trường tại thời điểm là 15%, hỗ trợ toàn bộ chi phí đánh giá và cấp chứng chỉ rừng FSC. Đối với gỗ loại dưới quy cách còn được công ty hỗ trợ 150 ngàn đồng/tấn; hỗ trợ vốn vay trồng rừng cho hộ gia đình tham gia nhóm hộ chứng chỉ rừng đối với rừng trồng từ năm thứ 4 trở lên với mức 4 triệu đồng/ha/năm, lãi 0,5%/tháng (thấp hơn lãi vay thương mại khoảng 2%/năm).

Đến nay, lượng gỗ nguyên liệu theo yêu cầu và quy cách nêu trên ở các HTXLNBV mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu và công suất của các nhà máy trên địa bàn. Các Công ty Minh An và Hòa Nga là những công ty liên kết của Công ty Scansia Pacific tại địa phương trong chuỗi cung ứng gỗ FSC của Tập đoàn IKEA - là nơi chuyên sản xuất nội thất lắp ráp, thiết bị, phụ kiện nhà và cũng là tập đoàn bán lẻ đồ gỗ lớn nhất thế giới.

Các hỗ trợ về tài chính cho hộ trồng rừng đều do Công ty Scansia Pacific đảm bảo thông qua các Công ty Minh An, Hòa Nga và FOSDA. Hợp đồng liên kết này đang là chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và thương mại lâm sản thành công nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước, đang được ngành lâm nghiệp tiếp tục phát huy.

Trước yêu cầu phát triển, thúc đẩy giá trị kim ngạch xuất khẩu lâm nghiệp không có con đường nào khác ngoài việc nâng cao chất lượng rừng trồng bằng việc nhân rộng mô hình rừng gỗ lớn, có chứng chỉ FSC và đầu tư chế biến sâu. Hiện nay, tỉnh đang khuyến khích đầu tư máy móc, thiết bị phù hợp, nhà xưởng phục vụ chế biến bán thành phẩm như thanh gỗ xẻ, ván bóc và dăm gỗ từ cành ngọn, bìa bắp, tiến tới chế biến sản phẩm đồ mộc, viên gỗ nén từ phế phụ phẩm.

Ngành lâm nghiệp tiếp tục củng cố, định hình và phát triển mô hình liên kết hiện có giữa các HTXLNBV với Công ty Scansia Pacific thông qua các công ty vệ tinh Minh An và Hòa Nga trên địa bàn tỉnh. Ngoài các doanh nghiệp hiện có, cần chú trọng đầu tư cho chế biến sâu tại các HTXLNBV tại các huyện, thị xã để đảm bảo năng lực, quy mô và điều kiện hợp đồng liên kết trực tiếp với Công ty Scansia Pacific và các công ty có tiềm lực khác. Đồng thời có cơ chế, chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư chế biến sâu sản phẩm rừng trồng bằng máy móc, thiết bị và công nghệ tiên tiến, hiện đại trong các khu công nghiệp nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng từ nguyên liệu gỗ, tạo mối liên kết đa dạng, ổn định và bền vững.

Theo ông Võ Văn Dự, xúc tiến thương mại, tạo thị trường thương mại lâm sản ổn định, đa dạng và bền vững, trước hết cần đánh giá có căn cứ, cơ sở về sản lượng, chủng loại và chất lượng gỗ rừng trồng để có thông tin quảng bá rộng rãi trên thị trường nhằm thu hút nhà đầu tư tiếp cận nguồn nguyên liệu ngày càng tăng của tỉnh. Các cấp, ngành tổ chức, tạo điều kiện để các sản phẩm tham gia hội chợ trưng bày sản phẩm chế biến từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ trong, ngoài tỉnh, ngoài nước để quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường; tham quan, nghiên cứu các thị trường lâm sản phát triển trong và ngoài nước để học hỏi kinh nghiệm, đổi mới và phát triển ý tưởng về thị trường; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm lâm nghiệp khi có đủ điều kiện…

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các nền kinh tế đang phát triển: Xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD

Dữ liệu mới vừa được Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) công bố cho thấy, xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số toàn cầu năm 2023 đã đạt tổng cộng 4.500 tỷ USD, trong đó, các nền kinh tế đang phát triển đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 1.000 tỷ USD về xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số.

Các nền kinh tế đang phát triển Xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số lần đầu tiên vượt mốc 1 000 tỷ USD

TIN MỚI

Return to top