ClockChủ Nhật, 13/12/2020 12:55

Phục hồi rừng tự nhiên trên cát sẽ tăng tính đa dạng sinh học

TTH - Phục hồi, tái tạo rừng cây bản địa ở vùng cát ven biển, nội đồng tại 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế là dự án đang được chính quyền, cộng đồng địa phương quan tâm và coi trọng, nhất là trong bối cảnh đa thiên tai. Để hiểu rõ mục tiêu, hiệu ứng của dự án, Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với TS. Hồ Đắc Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường - Đại học Huế (IREN), người khởi xướng và chủ trì dự án.

“Xanh hóa” vùng cátTiếp tục mở rộng, triển khai trồng rừng trên cátLàm giàu trên miền cát trắng

TS. Hồ Đắc Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường- Đại học Huế (IREN)

Ông có thể thông tin cụ thể về dự án phục hồi rừng rú cát ven biển mà IREN đang triển khai?

Tên gọi đầy đủ của dự án là “Thích ứng dựa vào hệ sinh thái ở vùng duyên hải Bắc Trung bộ-Việt Nam: Phục hồi và đồng quản lý cồn cát và rừng ngập mặn bị suy thoái” (gọi tắt dự án CFR).

Dự án này được Quỹ Sáng kiến Khí hậu toàn cầu (IKI)-CHLB Đức tài trợ và do IREN chủ trì phối hợp với cộng đồng địa phương cùng nhau trồng 450ha cây bản địa và 50ha cây ngập mặn tại vùng cát ven biển, nội đồng của 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Riêng Thừa Thiên Huế trồng khoảng 250ha cây bản địa tại 2 xã Điền Hương và Phong Chương (Phong Điền) và đang được đề xuất tiếp tục triển khai ở 2 xã Phong Bình, Phong Hiền (Phong Điền); 50ha rừng ngập mặn tại thị trấn Thuận An (Phú Vang) và Hải Dương (TX. Hương Trà). Đây là dự án thử nghiệm trên loài cây bản địa chưa từng được làm từ trước đến nay.

Đó phải chăng là thách thức của dự án?

Tín hiệu đáng mừng khi Luật Lâm nghiệp mới đưa cây rú cát vào thống kê diện tích che phủ rừng. CFR được nhìn nhận là một dự án phục hồi rừng chính thống. Khi đưa nhóm cây bản địa vào trồng là nhóm cây mới, trên vùng đất cực kỳ mới đối với ngành lâm nghiệp, với những đặc điểm: đất khô hạn, ráo nước nhanh, vùng trũng thấp dễ bị ngập, nhiễm mặn, nên dự án đã đối mặt với không ít thách thức. May mắn là ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nỗ lực của các thành viên dự án, nhờ sự đồng thuận cao của cộng đồng, chính quyền địa phương, năm 2019, đã có 320ha cây bản địa trên cát được trồng và đến nay diện tích  này tiếp tục tăng lên hơn 400ha.

Tham vọng của IREN không chỉ dừng ở 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế mà tiếp tục mở rộng trồng phục hồi trên dải cát ven biển, nội đồng các tỉnh Nam Trung bộ.

Ông có nhắc đến vai trò của người dân và chính quyền địa phương, vậy thái độ và ứng xử của họ thế nào khi tiếp cận dự án?

Liên tiếp các đợt lụt bão hoành hành gần đây càng khiến người dân nhìn nhận được tầm quan trọng của cây rừng. Người dân đã nhiệt tình cùng IREN tham gia trồng cây và đề xuất thêm những vị trí trồng mới dọc vùng cát ven biển, nơi đã bị các trận bão lũ xâm thực, cuốn trôi, hư hại nhiều công trình, nhà dân...

Khi xây dựng, dự án đặt ra mục tiêu lôi kéo, tác động được từ 500-2.000 người dân địa phương tham gia. Nhưng trên thực tế, hiện con số này đã vượt quá 2.000 người. Bằng cách tiếp cận riêng, dự án đã tập trung vào 3 đối tượng chính để “lôi kéo” tham gia: hội cựu chiến binh, hội nông dân và hội phụ nữ. Đây là 3 hội mà dự án tiếp cận được thường xuyên và với số lượng rộng khắp tại bất cứ các điểm trồng rừng.

Một tác động nữa vào xã hội của dự án là đã lan tỏa không chỉ ở các xã thuộc dự án mà có một số xã ngoài dự án cũng rất quan tâm và đề xuất hỗ trợ cây giống để trồng, nhất là những cây có giá trị kinh tế và giá trị lịch sử cao.

Sự lan tỏa và đồng thuận cao trong cộng đồng có phải là một khởi đầu thành công của dự án, theo ông?

Nếu nói đó là thành công thì vẫn còn sớm và mang tính võ đoán. Song, dự án thực sự đã tác động và có sự chuyển giao giữa các thế hệ. Có nghĩa người tham gia không chỉ là nông dân, cựu chiến binh, phụ huynh mà còn tác động đến thế hệ học sinh, con cháu của họ.

Thành quả nữa của dự án là tạo ra được tính thích ứng của người dân khi muốn trồng và có nhu cầu trồng nhiều cây hơn. Khi dự án đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương, ngược lại dự án cũng được người dân đồng tình ủng hộ cao.

Ngoài lan tỏa ra cộng đồng, dự án CFR còn được một số tổ chức, dự án lớn “để ý” và đề xuất hỗ trợ, chuyển giao về kỹ thuật, nguồn giống để tái phục hồi rừng ven biển ở phạm vi rộng hơn, ra nhiều tỉnh thành khác trong khu vực, góp phần nâng cao tính phòng hộ ven biển cho các địa phương đang chịu tác động.

Còn những “cái được” nào khác mà người dân có thể nhìn thấy từ dự án?

Người dân ở vùng cát đã hiểu được rằng, nếu không trồng cây sẽ bị thiếu nước và tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất của họ. Đối với người dân ở vùng đầm phá cũng đã thấy rõ nếu trồng thêm cây sẽ tạo ra môi trường cho sinh vật thủy sinh có khả năng tạo thành ổ đẻ, tăng số lượng.

Qua quan sát, kinh nghiệm, sát những bờ mép nước, chỗ nào có cây ngập mặn thì ở đó tép, tôm, cá, ốc, trìa, cua... sinh sôi nhiều hơn. Tại những điểm này khó xảy ra hiện tượng săn bắt kích điện, rà trộm cá vì bị vướng rễ cây và cây. Người dân nhận thấy chắc chắn nếu trồng cây họ sẽ có lợi, bảo vệ được thành quả sản xuất và chống được những hành động đánh bắt mang tính hủy diệt, mất đa dạng sinh học.

Rất khó để có được nguồn cây giống bản địa trên cát. Vậy làm cách nào để dự án chủ động được nguồn giống để trồng phục hồi, thưa ông?

Nhắc đến cây giống cũng là một trong những “tuyệt chiêu” của IREN. Hệ thống các vườn ươm mà IREN xây dựng tương tự mô hình “con bạch tuộc” và được thiết lập tại nhiều địa phương.

Thông thường, sau khi được phê duyệt các thủ tục, dự án mới bắt tay vào xây dựng hệ thống cây con. Nhưng do đặc điểm của cây con bản địa cần từ 18-24 tháng mới đủ mạnh để đưa ra trồng tự nhiên, nên khi nộp đề cương dự án và nhận thấy có khả năng được thực thi, IREN đã tiến hành ngay việc tìm cây mẹ, hoàn tất thủ tục pháp lý về cây mẹ gieo giống, thu hái hạt giống, nghiên cứu hạt giống, xây dựng hệ thống kỹ thuật hạt giống rồi gieo ươm.

Sau một năm rưỡi triển khai, dự án đã sản xuất được 580.000 cây con của hơn 20 loài cây bản địa. Trong năm nay, dự án gieo cấy thêm khoảng 240.000 cây con bản địa. Số cây này được dùng để trồng dặm và trồng lại những khu vực vừa qua bị ảnh hưởng do bão, cát lấp và chuyển giao cho các dự án lớn khác đang triển khai ở các tỉnh để tái phục hồi rừng ven biển.

Và môi trường tự nhiên sẽ tốt hơn khi hàng trăm ha cây bản địa, cây ngập mặn thành rừng?

Người dân đã thấy được nếu trồng và hình thành rừng bản địa trên cát sẽ giúp giảm thiểu các tai ương, giữ được nguồn nước và khi phục hồi được rừng rú cát sẽ tăng tính đa dạng sinh học. Tất nhiên, việc trồng rừng trên cát rất khó, nên người dân phải kiên nhẫn, chấp nhận trồng đi, trồng lại mới có khả năng thành công.

Thực tế, sự thay đổi này đã đến khi lượng chim di cư và chim địa phương xuất hiện nhiều hơn trước. Về mặt khoa học, đây là tín hiệu vùng cát bắt đầu phục hồi môi trường sinh thái. Về tâm linh, người dân bắt đầu thấy yên tâm hơn, vì “chim đậu” ắt “đất lành”.

Hiện nay, mọi hướng phát triển của nông nghiệp tập trung vào hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ và đang cần hệ sinh thái bổ trợ bên ngoài, thu hút các nguồn dịch bệnh, sâu bệnh mà cụ thể ở đây là hệ sinh thái rừng rú cát, hệ chim...

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

HOÀI THƯƠNG (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á - Thái Bình Dương:
Các khoản vay dự kiến phục hồi vào năm 2025 sau 3 năm giảm

Khối lượng cho vay của khu vực châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản đang chuẩn bị cho sự phục hồi vào năm 2025, nhờ hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) và môi trường lãi suất thuận lợi, sau khi giảm trong 3 năm liên tiếp.

Các khoản vay dự kiến phục hồi vào năm 2025 sau 3 năm giảm
Công bố hoàn thành Dự án Bảo tồn, tu bổ di tích Hải Vân Quan

Ngày 21/12, tại di tích Hải Vân Quan, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng tổ chức lễ Công bố hoàn thành dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích Quốc gia Hải Vân Quan.

Công bố hoàn thành Dự án Bảo tồn, tu bổ di tích Hải Vân Quan
Phục hồi đường bờ biển, bảo vệ khu dân cư

Các dự án (DA) đê ngầm giảm sóng và kè chống sạt lở trong bờ đang từng bước giúp phục hồi đường bờ biển và hình thành bãi biển ổn định, nhằm bảo vệ an toàn cho người dân tại các khu dân cư tập trung và phát triển du lịch địa phương.

Phục hồi đường bờ biển, bảo vệ khu dân cư
IMF: Các nền kinh tế châu Á “đủ sức chống chịu với biến động”

Các nhà kinh tế từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, các nền kinh tế châu Á đủ sức chống chịu với biến động và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vượt qua các thách thức một cách bình tĩnh, trong bối cảnh khu vực này đang phải đối mặt với nhiều rủi ro nội bộ khác nhau bên cạnh việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ quay trở lại Nhà Trắng.

IMF Các nền kinh tế châu Á “đủ sức chống chịu với biến động”

TIN MỚI

Return to top