ClockThứ Hai, 28/08/2023 07:47

Hành trình hiện thực hóa giấc mơ - Kỳ 1: Khẳng định vị thế từ di sản Huế

TTH - Những thành quả sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và gần 3 năm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận trong các buổi làm việc mới đây với Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đối chiếu với các chỉ tiêu nhiệm kỳ, có 5/15 chỉ tiêu đạt và vượt, 6/15 chỉ tiêu khả năng đạt so với kế hoạch đề ra. Dẫu trước mắt còn lắm thách thức, nhưng giấc mơ sắp được hiện thực hóa, vị thế của Huế dần được khẳng định, mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gần hơn bao giờ hết.

Trao tặng cổ vật cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình HuếKỷ niệm 100 năm Musée Khải Định-Bảo tàng Cổ vật Cung đình HuếHàng ngàn người dự lễ hội điện Huệ Nam tháng 7 âm lịch

Khu tái định cư Hương Sơ với hạ tầng khang trang đang đảm bảo đời sống cho người dân di dời từ Thượng thành 

Nhiều người bảo, dấu ấn di sản tạo nên sự khác biệt cho vùng đất Cố đô, nhưng cũng gây nên trở lực trong sự phát triển. Nhận định đó có dù đúng hay sai thì di sản vẫn mãi là niềm tự hào của người Huế, và lịch sử đã minh chứng, với di sản, vùng đất Cố đô từng có vị thế ngang hàng với hai đầu đất nước.

Khó vạn lần dân thuận cũng xong

Hình ảnh những cư dân đầu tiên từng “sống bám, sống mòn” trên di tích di dân ra khỏi Kinh thành Huế ngày nào vẫn còn in sâu trong tâm trí nhiều người. Có những cụ già đã gắn bó hơn nửa thế kỷ trên mảnh đất di sản ấy, khi họ đi mang lắm hoài niệm, nhưng tất cả đã đồng lòng để trả lại lịch sử vẹn nguyên.

Sự đồng thuận của người dân và cả hệ thống chính trị đã tạo nên bước ngoặt lớn cho cuộc di dân lịch sử, tưởng chừng chỉ có trong giấc mơ.

Hơn 3 năm sau từ ngày di dời từ di tích Thượng thành, Eo Bầu, thuộc Kinh thành Huế, sâu trong đôi mắt người dân tái định cư đang ánh lên niềm vui khôn tả.

Nói là khu tái định cư, song nhiều người bảo đây là khu dân cư mới. Bởi hạ tầng đồng bộ, trường học khang trang cùng nhiều dịch vụ thiết yếu khác giúp người dân thỏa ước mong. Điều quan trọng là nhiều người dân trước đây sống trong không gian chật hẹp vài chục mét vuông giờ ổn định và rất hạnh phúc.

Ông Nguyễn Quyền dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà hai tầng khang trang, tường nhẵn mịn, màu mỡ gà, nền gạch hoa sáng bóng, tọa lạc ngay mặt tiền con đường rộng hơn 7m.

Tiếp chuyện chúng tôi, ông bảo: “Gia đình tôi có cuộc sống thoải mái sau khi tái định cư ở vùng đất Hương Sơ này. Nhận được lô đất 80m2 ở khu vực này, gia đình gom góp tiền xây căn nhà 2 tầng và mua sắm các trang thiết bị. Đây thực sự là nơi ở trong mơ của người dân Thượng thành chúng tôi", ông Quyền phấn khởi.

Những bộc bạch của ông Quyền chứng tỏ rằng, cuộc di dân lịch sử trên đã thành công với phương châm lấy dân làm gốc, hợp lòng dân.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, cho biết, cuộc di dân đã đem lại cuộc sống ổn định lâu dài, an cư lạc nghiệp cho người dân. Đồng thời, trả lại cảnh quan cho di tích để trùng tu, cải tạo, phát huy giá trị di sản. Các hộ dân được di dời từng có hàng chục năm sinh sống tại khu vực 1, di tích kinh thành Huế với bao khốn khó nay đã hạnh phúc. Đến nay, gần 2.000 hộ dân tái định cư đã có cuộc sống ổn định tại nơi ở mới. Dự án này vẫn đang tiếp tục với giai đoạn 2.

Công tác bảo tồn, trùng tu di sản luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm 

Diện mạo mới của di sản thế giới

Bây giờ, Huế đã được biết đến là một thành phố di sản của thế giới, thành phố festival của Việt Nam. Suốt hàng thế kỷ, Huế lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới, cùng với gần 1.000 di tích lịch sử đặc thù của cả nước.

Chưa bàn đến cuộc di dân lịch sử, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa khẳng định, Huế là trung tâm văn hóa của Việt Nam. Sự chuyển động của thời cuộc khiến Huế không phát huy thế mạnh khi có cả kho tàng tài nguyên về văn hóa lẫn di sản. Huế đang mang trong mình những giá trị bị khuất lấp. Vấn đề đặt ra phải nhìn nhận lại giá trị và tài nguyên văn hóa của Huế, để viên ngọc sáng bị che lấp bởi lớp bụi hờ hững, lớp bụi thời gian được lộ rõ.

Từ đại dự án di dời người dân ra khởi khu vực I Kinh thành Huế, “viên ngọc” đã được gột sạch bụi bẩn, đang dần lộ rõ những giá trị đích thực. Câu chuyện "phát lộ" 2 cổng thành trên khu vực hệ thống Kinh thành Huế sau khi di dời người dân nơi khu vực Thượng thành là minh chứng điển hình.

Theo tài liệu từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đây là cửa bên phải và cửa bên trái của Đông thành Thủy Quan. Nằm trong hệ thống Kinh thành, đây là nơi đóng quân của lính bảo vệ Đông thành Thủy Quan. Trong tài liệu “Kinh thành Huế: Địa danh” của Cardière đã đánh dấu rõ trên bản đồ vị trí 121 và  “Đại Nam nhất thống chí” cũng đã ghi rõ ở đây có xưởng Đại bác và có vệ binh 20 người để canh giữ Đông thành Thủy Quan.

Diện mạo di tích Thượng thành Huế tại khu vực đã di dời mang một màu sắc mới, sau khi được đầu tư hàng chục tỷ đồng để phát quang cây dại, hoàn trả mặt bằng, triệt giải xác nhà hoang và thu dọn rác thải từng lưu cữu trong một thời gian dài.

Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin, sau khi tiếp nhận khu vực Thượng thành, đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương và người dân khu vực Thành nội Huế cùng chung tay bảo vệ di sản, giữ gìn tính nguyên trạng của di tích, chống tái lấn chiếm và bảo đảm vệ sinh môi trường. Điển hình như việc đầu tư nối thông các tuyến đường dạo trên Thượng thành để tăng tính trải nghiệm, khám phá mới lạ cho du khách, người dân...

“Người ta đến với Huế, đi trên Thượng Thành không chỉ ngắm, tìm hiểu kiến trúc bề thế, uy nghi của Kinh thành xưa, mà còn nhìn thấy một Huế mới lạ, song song với bảo tồn và phát triển theo cách riêng biệt, không thể nhầm lẫn. Sự vĩ đại của Kinh thành Huế chắc hẳn sẽ không thua kém Tử Cấm Thành - Cố Cung nguy nga và huyền bí ở Trung Quốc”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nói.

"Di sản nghìn năm nhưng thành phố trẻ”

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy hồi tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ, ngành đặc biệt ấn tượng với hệ thống di sản đồ sộ.

"Thừa Thiên Huế nói chung và Cố đô Huế nói riêng là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có vị trí đặc biệt, rất đặc sắc về con người và truyền thống văn hóa, lịch sử. Chúng ta tự hào về Huế và phải biến niềm tự hào này thành nguồn lực, kế thừa và phát huy thành quả, di sản mà cha ông để lại. Thừa Thiên Huế là địa điểm du lịch hấp dẫn với nền văn hóa vô cùng đặc sắc, là sự hòa quyện của văn hóa đô thị với văn hóa làng, chùa; văn hóa cung đình (bác học) với văn hóa dân gian", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Sự góp ý của các chuyên gia văn hóa cho tỉnh ở nhiều hội thảo đã cho thấy, nền tảng di sản Huế đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hành trình đi lên… Trung ương. GS.TS. Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, từ những nền tảng, giá trị của Huế cần xây dựng và thực hiện những cơ chế đặc thù cho các hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị di sản. Nghiên cứu xây dựng và thực hiện chiến lược khai thác kinh tế di sản; khuyến khích việc thực hiện mô hình hợp tác công tư nhằm khai thác giá trị cho kho tàng di sản theo hướng phát triển bền vững, song cần phân biệt rạch ròi giữa khai thác di sản và quản lý Nhà nước về di sản.

Ngay sau khi Nghị quyết 38/2021/QH15 được ban hành, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình 12-CTr/TU, ngày 13/5/2022 về thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15 của Quốc hội và chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện. Trên cơ sở Nghị định 84/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế, tỉnh đã thành lập Hội đồng quản lý Quỹ, bộ máy hoạt động Quỹ và điều lệ hoạt động Quỹ.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, sau gần 2 năm triển khai thực hiện, đến nay Quỹ bảo tồn di sản Huế đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp và đã tiếp nhận hơn 7,5 tỷ đồng. Hiện đã sử dụng quỹ này trùng tu công trình lăng mộ bà Từ Dũ.

Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa khẳng định vị thế của Huế dựa trên nền tảng di sản. Gợi mở vấn đề tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Quốc Hội cho rằng, Huế cần nuôi dưỡng khát vọng phát triển; xây dựng một điểm đến an toàn, thân thiện, "xứ sở của hạnh phúc và tràn đầy năng lượng" vào năm 2050 theo hướng "di sản thì nghìn năm nhưng thành phố thì trẻ (thành phố trực thuộc Trung ương)".

(Còn nữa)

Kỳ 2: Sự chuyển mình của “thành phố trẻ”

Bài, ảnh: LÊ THỌ
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Động lực mới cho di sản Huế

Thành phố Huế - Đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, đang từng bước biến những giá trị văn hóa lịch sử thành động lực kinh tế, tạo nên một mô hình phát triển bền vững, vừa bảo tồn vừa phát huy các giá trị di sản.

Động lực mới cho di sản Huế
Nâng tầm vị thế cho nền kinh tế

2024 là năm đánh dấu nhiều sự kiện trọng đại ở vùng đất Cố đô. Ngoài sự kiện mang tính lịch sử trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Huế còn là điểm dừng chân của các nhà đầu tư lớn với những siêu dự án được động thổ và hoàn thành, góp phần nâng tầm vị thế của thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của cả nước.

Nâng tầm vị thế cho nền kinh tế
Học sinh Việt Nam khẳng định tài năng, sự sáng tạo trên đấu trường quốc tế

Năm 2024, với nỗ lực không ngừng của các thầy giáo, cô giáo cùng các em học sinh, các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự các kỳ Olympic quốc tế, khu vực và thi Khoa học kỹ thuật quốc tế đã đạt được những thành tích xuất sắc, mang vinh quang về cho đất nước, được bạn bè quốc tế ghi nhận và được toàn xã hội đánh giá cao. Thành tích xuất sắc năm 2024 là minh chứng cho sự tiến bộ vượt bậc trong giáo dục mũi nhọn nói riêng và giáo dục phổ thông nói chung.

Học sinh Việt Nam khẳng định tài năng, sự sáng tạo trên đấu trường quốc tế
Mở rộng hợp tác quốc tế để nâng cao vai trò, vị thế

Với vai trò 2 quận trung tâm của TP. Huế trực thuộc Trung ương, năm 2025, lĩnh vực hợp tác quốc tế (HTQT) sẽ tiếp tục được mở rộng thông qua việc xây dựng chiến lược về kênh thông tin đối ngoại nhằm quảng bá hình ảnh của TP. Huế, đồng thời nâng cao hiệu quả ứng dụng các kênh truyền thông, mạng xã hội trong triển khai công tác thông tin đối ngoại trên địa bàn.

Mở rộng hợp tác quốc tế để nâng cao vai trò, vị thế

TIN MỚI

Return to top