ClockThứ Sáu, 05/08/2022 14:42

Giải phóng nguồn lực tài nguyên cho phát triển, bảo vệ môi trường sống an toàn cho nhân dân

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát hoàn thiện hệ thống các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các hiệp định, thỏa thuận quốc tế liên quan về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo đồng bộ, minh bạch phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông, giải phóng tối đa các nguồn lực tài nguyên cho phát triển và bảo vệ môi trường sống an toàn cho nhân dân.

Giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tửBộ TN-MT đề nghị các địa phương chấn chỉnh đấu giá các khu đất “vàng”Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ rà soát, đề xuất gỡ vướng mắc các dự án chậm tiến độ

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Sáng 5/8, Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (5/8/2002 - 5/8/2022) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Thư và lẵng hoa chúc mừng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã dự Lễ.

Trong thư chúc mừng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chúc mừng, biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, những thành tích đóng góp to lớn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong 20 năm qua.

Tổng Bí thư mong ngành Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả, kinh nghiệm đã tích lũy được, chủ động hơn nữa trong dự báo, tham mưu, triển khai các giải pháp để ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu, môi trường, thiên tai, dịch bệnh; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, lĩnh vực đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Bộ cần nắm bắt kịp thời các xu thế của thời đại, tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phấn đấu vươn lên, đóng góp thực chất và hiệu quả hơn nữa cho các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tham gia các sáng kiến toàn cầu, góp phần giải quyết các thách thức về môi trường và khí hậu.

Diễn văn kỷ niệm do Bộ trưởng Trần Hồng Hà trình bày cho biết, trong suốt chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong dòng chảy đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, thể hiện qua những dấu mốc lớn.

Ghi nhận những nỗ lực, đóng góp đối với sự phát triển đất nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, từng lĩnh vực, nhiều cán bộ đã vinh dự, tự hào được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh....

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, tài nguyên môi trường là yếu tố không thể thiếu đối với sự sinh tồn và phát triển của con người cũng như sự phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng là lĩnh vực quản lý rất quan trọng, rộng lớn.

Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta quan tâm. Nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tài nguyên, môi trường đã được ban hành với những đổi mới về nội dung và tổ chức thực hiện. Ngày 05/8/2002 là dấu mốc quan trọng với việc Quốc hội khóa XI thông qua Nghị quyết số 02/2002/QH11 về việc thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trên nền tảng được tạo dựng từ các vực lĩnh vực có bề dày truyền thống, 20 năm qua, ngành Tài nguyên và Môi trường đã vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng trưởng thành, phát triển, chủ động nắm bắt thuận lợi và thời cơ, bám sát thực tiễn phát triển của đất nước cũng như xu hướng quốc tế; qua đó củng cố vững chắc nền tảng, khẳng định vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của ngành đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo Thủ tướng, hệ thống chính sách, pháp luật, quy hoạch, chiến lược được cơ bản hoàn thiện đồng bộ trên tất cả 09 lĩnh vực, với tư duy chuyển từ thắt chặt quản lý sang kiến tạo môi trường thuận lợi, dẫn dắt và thúc đẩy phát triển, tạo dư địa, động lực mới để giải phóng các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Công tác điều tra cơ bản tài nguyên được tăng cường, góp phần nắm chắc số lượng, chất lượng, tiềm năng, nguồn lực tài nguyên để quản lý, bảo vệ, khai thác hiệu quả và hạch toán trong nền kinh tế. Các nguồn tài nguyên được quản lý, sử dụng hiệu quả, đa mục đích, đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước. Trong đó, tài nguyên đất được chuyển dịch phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển hạ tầng đồng bộ, nâng cao hiệu quả sử dụng, tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách (giai đoạn 2016 - 2021 đóng góp hơn 1,05 triệu tỷ đồng); trong 20 năm đưa vào sử dụng hơn 6,74 triệu ha đất cho các mục tiêu dân sinh kinh tế.

Tiềm năng lợi thế về biển được phát huy, các địa phương có biển đã trở thành khu vực phát triển năng động, thu hút  nhiều nguồn lực đầu tư. An ninh tài nguyên nước được chú trọng. Chuyển đổi số được đẩy mạnh trên nền tảng tài nguyên số, dữ liệu về thông tin địa lý, dữ liệu đất đai, dữ liệu viễn thám... hướng tới phát triển kinh tế số.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, công tác bảo vệ môi trường đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội, chuyển từ tư duy bị động ứng phó, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, phục hồi môi trường, các hệ sinh thái. Công tác xử lý rác thải được triển khai hiệu quả với các dự án, mô hình công nghệ tái chế, tái sử dụng, biến rác thải thành tài nguyên.

Theo Thủ tướng, trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các đồng chí đã chủ động, đóng góp nhiều sáng kiến quy mô khu vực và toàn cầu liên quan đến giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng ngừa ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên…

Đặc biệt, việc tham gia thỏa thuận lịch sử Paris về biến đổi khí hậu và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP 26) mang lại lợi ích kép cho Việt Nam trong tiếp cận tri thức, công nghệ, tài chính để tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cũng như chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Các chỉ số về môi trường có sự chuyển biến, góp phần đưa chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2021 lên vị trí 51/165 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 37 bậc so với năm 2016.

Bên cạnh đó, chất lượng dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai ngày càng được nâng lên với đủ độ chi tiết, tiệm cận với trình độ của các nước phát triển; đặc biệt là đã dự báo sát, kịp thời các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó có các cơn bão lớn, góp phần chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Phân tích những thời cơ, thuận lợi mới cùng những thách thức đặt ra với ngành Tài nguyên Môi trường, Thủ tướng chỉ rõ, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: “Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai” và xác định mục tiêu: “Đến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Thủ tướng yêu cầu ngành Tài nguyên và Môi trường tập trung triển khai hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành tăng cường đoàn kết, phối hợp chặt chẽ; chấp hành và thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trách nhiệm, chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn cao, có bản lĩnh và tầm nhìn dài hạn. Đẩy mạnh phân cấp gắn với đảm bảo các điều kiện nguồn lực thực hiện và tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, rõ người, rõ việc, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả, đề cao vai trò người đứng đầu; thúc đẩy bộ máy hành chính vận hành tiến về phía trước với phương châm sáng tạo, hành động, hiệu quả phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp.

Bộ rà soát hoàn thiện hệ thống các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các Hiệp định, thỏa thuận quốc tế có liên quan về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo đồng bộ, minh bạch phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông, giải phóng tối đa các nguồn lực tài nguyên cho phát triển và bảo vệ môi trường sống an toàn cho Nhân dân.

Trong đó, trọng tâm là sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế trong quản lý sử dụng đất đai, giải phóng, phát huy nguồn lực quan trọng này cho phát triển đất nước.

Bộ cần tập trung hoàn thành việc lập, phê duyệt các quy hoạch, chiến lược đảm bảo khả thi, định hình không gian phát triển của đất nước với tầm nhìn dài hạn để phân bổ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển nhanh và bền vững. Đưa các yêu cầu về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu thành một nội dung, nhiệm vụ trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng tài nguyên số trên nền tảng dữ liệu lớn. Chậm nhất trong năm 2025 phải hoàn thành đưa vào vận hành hệ thống thông tin cơ sơ sở dữ liệu về đất đai quốc gia tập trung, thống nhất, đa mục tiêu, tích hợp, liên thông. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khắc phục các tồn tại, hạn chế nhất là trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản. Có giải pháp ứng phó hiệu quả với nguy cơ suy giảm, suy thoái nguồn nước, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Nghiên cứu cơ chế chia sẻ và giải quyết tranh chấp, xung đột trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước xuyên biên giới, nhất là sông Mê Công và sông Hồng.

Ngành Tài nguyên và Môi trường cần khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng biển và ven biển, thiết lập hệ thống quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ theo chuẩn mực quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản có nền kinh tế biển xanh, bảo đảm các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển, cải thiện chất lượng môi trường biển, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.

Thủ tướng đề nghị triển khai đưa Luật Bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống. Xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, thực hiện di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ ô nhiễm ra khỏi đô thị, khu dân cư; cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông... Phát triển các ngành công nghiệp môi trường, tái chế, tái sử dụng tuần hoàn biến rác thải thành tài nguyên. Cải tạo, phục hồi chất lượng các nguồn nước sông, hồ đã bị ô nhiễm, suy thoái; cải thiện chất lượng không khí trong các đô thị, khu dân cư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên cờ truyền thống của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Ngành tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để hiện đại hóa hệ thống mạng lưới khí tượng thủy văn. Ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong dự báo, cảnh báo thiên tai, thời tiết và giám sát biến đổi khí hậu. Thể chế hóa, lồng ghép yêu cầu giảm phát thải vào các quy hoạch, chiến lược, chuyển dịch mô hình phát triển nhằm đạt mục tiêu phát thải bằng “0” vào năm 2050. Đầu tư nguồn lực ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu bằng các giải pháp công trình và phi công trình; chuẩn bị nội lực để từng bước chủ động thực hiện những cam kết với quốc tế cũng như các hành động cấp bách “không hối tiếc” trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta.

Bộ cần đẩy mạnh hợp tác, hội nhập, phân tích dự báo, phân tích các xu thế, dòng chảy của thời đại để tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách nhằm đi trước đón đầu, bắt kịp xu hướng phát triển chung của thế giới, nắm bắt và tận dụng các thời cơ, thúc đẩy chuyển dịch mô hình phát triển, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó ngành Tài nguyên và Môi trường có sứ mệnh hết sức quan trọng.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng: Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao các phần thưởng cao quý cho các tập thể, cá nhân thuộc Bộ.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thương mại điện tử và những tác động tới môi trường

Thương mại điện tử toàn cầu đã tăng trưởng đều đặn trong thập kỷ qua. Việc số hóa cuộc sống hiện đại cùng sự ra đời của các công nghệ mới đã hoàn toàn thay đổi hành vi mua sắm của người dân. Trong thập kỷ qua - đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch COVID-19, số lượng người mua hàng trực tuyến đã tăng với tốc độ chưa từng có, biến thương mại điện tử thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD.

Thương mại điện tử và những tác động tới môi trường
Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thân thiện

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua các hoạt động đồng hành hỗ trợ nhà đầu tư đã và đang tạo được hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động xúc tiến đầu tư cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thân thiện
Mưa rét kéo dài làm cá nuôi lồng bị chết

Thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh ngày 20/12, do thời tiết mưa lạnh, diễn biến phức tạp, vừa qua, vùng nuôi cá lồng trên đầm phá tại thôn Thai Dương Hạ Nam, xã Hải Dương (TP. Huế) có 22 lồng cá bị chết với số lượng hơn 14 ngàn con cá ong căn, hồng, mú, nâu, dìa, vẫu, hanh…

Mưa rét kéo dài làm cá nuôi lồng bị chết
Giữ gìn môi trường sạch đẹp

Huế đã có thương hiệu thành phố xanh, môi trường sống sạch, đẹp là điều không chỉ người dân sở tại mà du khách, những người xa quê trở về đã nhận định, thán phục. Kết quả đó, ngoài thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả "Ngày Chủ nhật xanh", còn đến từ ý thức giữ gìn thành phố xanh, sạch, đẹp của người dân.

Giữ gìn môi trường sạch đẹp
KỶ NIỆM 130 NĂM THÀNH LẬP BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG HUẾ:
Nhiều tập thể đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Lễ Kỷ niệm 130 năm thành lập Bệnh viện Trung ương Huế được tổ chức trang trọng ngày 12/12. Tham dự có các UVTW Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Thị Hồng Lan; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Trường Lưu; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cùng lãnh đạo các tỉnh thành, khách quốc tế…

Nhiều tập thể đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

TIN MỚI

Return to top