ClockThứ Sáu, 24/05/2024 06:13

Chế biến thủy sản truyền thống gặp khó

TTH - Trong khi nguồn lợi hải sản gần bờ, vùng lộng đang hồi sinh thì nghề chế biến mắm, nước mắm tại một số địa phương ven biển đang có nguy cơ mai một khiến việc tiêu thụ hải sản tại chỗ gặp nhiều khó khăn.

Thả hơn 260.000 con tôm, cua giống tại các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phòng, chống trộm cắp thủy sản trên đầm pháBảo tồn thảm thực vật thủy sinh tại phá Tam Giang - Cầu Hai

 Một cơ sở chế biến nước mắm truyền thống

Bà Trần Thị Bồng ở xã Phong Hải (Phong Điền) một thời nổi tiếng làm mắm cá, mắm ruốc để cung cấp nhu cầu tiêu thụ tại địa phương và nhiều vùng lân cận. Nguồn hải sản của ngư dân tại địa phương như nục, cơm, duội... được bà Bồng thu mua ủ làm mắm, chế biến nước mắm. Có thời điểm hải sản tại địa phương không đủ để chế biến, bà Bồng phải mua từ nhiều nơi khác về làm mắm thính, nước mắm để cung ứng nhu cầu thị trường.

Có những thời điểm nguồn tôm, cá tại địa phương bị thiếu là do số lượng cơ sở, hộ tham gia thu mua, chế biến hải sản rất nhiều. Mắm thính, nước mắm của người dân Phong Hải vốn thơm ngon nên tiêu thụ mạnh. Chính quyền địa phương từng đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu làng nghề truyền thống chế biến mắm Phong Hải. Mắm địa phương này một thời không chỉ tiêu thụ tại địa phương, các vùng lân cận mà còn bán tại TP. Hồ Chí Minh và xuất đi một số nước như Mỹ, Canada, Úc.

Vài năm trở lại đây, nguồn hải sản tại chỗ ở Phong Hải và một số địa phương ven biển Ngũ Điền không ổn định, thường thiếu hụt nguồn cung phục vụ chế biến nên nhiều hộ, cơ sở bỏ nghề, hoặc hạn chế sản lượng chế biến mắm, nước mắm. Thời gian gần đây, trong khi nguồn lợi hải sản gần bờ bắt đầu hồi sinh, dồi dào như nục, cơm, duội, trích... thì nhiều hộ chế biến mắm lại bỏ nghề khiến việc tiêu thụ sản phẩm của ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Ông Võ Bắc ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải tâm sự, giá cả, tình hình tiêu thụ hải sản gần bờ giờ đây bấp bênh lắm. Vào đầu mùa hè đến nay, nhiều chuyến biển liên tục trúng đậm cá nục, trích, ruốc (khuyết)... nhưng chủ yếu bán lẻ, thậm chí ngư dân bán đổ, bán tháo với giá rất thấp. Điều này cũng dễ hiểu khi tại địa phương không còn chủ cơ sở chế biến mắm, nước mắm nào thu mua hải sản số lượng lớn. Nhiều hộ chế biến, kinh doanh nước mắm nhỏ lẻ cũng hạn chế sản lượng rất nhiều.

Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Nguyễn Trọng Tưởng thông tin, nguồn hải sản gần bờ của ngư dân địa phương nói riêng và Ngũ Điền nói chung lâu nay chủ yếu phục vụ chế biến quy mô nhỏ. Do nguồn lợi hải sản gần bờ thời gian qua khá bấp bênh, có thời điểm sản lượng không đáp ứng nhu cầu chế biến nên nhiều hộ bỏ nghề biển, các hộ chế biến mắm, nước mắm cũng bỏ nghề, hoặc giảm quy mô sản lượng.

Có thể khẳng định, nghề truyền thống chế biến mắm ở Phong Hải và một số địa phương ở Ngũ Điền không thất truyền nhưng đang gặp nhiều khó khăn. Theo ông Tưởng, chính quyền địa phương đang tuyên truyền, vận động người dân cố gắng bám nghề, duy trì nghề chế biến mắm truyền thống từ bao đời của người dân để tạo thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời, đang tìm các giải pháp hỗ trợ, đầu tư cho người dân duy trì, mở rộng quy mô sản xuất, chế biến và thương hiệu mắm Phong Hải. Nếu nguồn cung hải sản tại chỗ thiếu, không ổn định thì các chủ cơ sở, hộ chế biến có thể liên hệ mua tại các xã ven biển như Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải...

Ông Nguyễn Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản tỉnh thông tin, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 7.929ha (nuôi nước lợ gần 6.000ha, nuôi nước ngọt gần 2.000ha) với tổng sản lượng khoảng 20 ngàn tấn. Khai thác thủy, hải sản có sản lượng khoảng gần 42 ngàn tấn. Nguồn tiêu thụ sản phẩm chủ yếu nội tỉnh và một số tỉnh lân cận, sản lượng xuất khẩu chiếm tỷ trọng nhỏ, chủ yếu tiêu dùng hàng tươi sống và chế biến thủy sản quy mô nhỏ.

Đối với ngành nghề chế biến quy mô nhỏ và vừa do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý cần nguồn nguyên liệu thủy, hải sản khoảng 2.500 tấn/năm. Số lượng thủy, hải sản phục vụ chế biến này tập trung các nhóm ngành hàng tôm chua, ruốc, nước mắm... và một số ít thủy sản khô.

Ông Nguyễn Xuân Trường đánh giá, lĩnh vực chế biến thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu quy mô vừa và nhỏ tập trung tại các địa phương ven biển. Hoạt động chế biến xuất khẩu nói chung trên địa bàn tỉnh hiện nay so quy mô chung của cả nước vẫn còn khiêm tốn. Tình hình xuất khẩu đối với các doanh nghiệp giảm mạnh vì đơn hàng giảm và nguồn nguyên liệu khan hiếm, giá cao khiến các doanh nghiệp đang duy trì ở trạng thái chững lại.

Không chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu mà cả chủ cơ sở, hộ cá nhân chế biến cũng cần được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi nhằm tái đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thêm nhiều thị trường nhập khẩu hàng hóa của địa phương. Và hơn ai hết, chính các địa phương, chủ cơ sở, hộ cá nhân tham gia chế biến mắm, nước mắm và sản phẩm hải sản phơi sấy khô cần có biện pháp tổ chức sản xuất, tiêu thụ một cách hợp lý và bền vững.

Bài, ảnh: Hoàng Thế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chăm lo, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Đã từng đi qua chiến tranh, thấy được giá trị của sự độc lập, tự do, Hội Cựu chiến binh (CCB) trong toàn tỉnh luôn xác định, để khơi dậy truyền thống yêu nước, yêu quê hương cho thế hệ trẻ phải chính bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Chăm lo, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn

Đôi vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Ta Dưr Tư và Areel Đời, sinh sống tại huyện A Lưới đã dành cả cuộc đời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số. Với hơn 40 năm miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy, họ trở thành những ngọn lửa dẫn đường và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.

Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

TIN MỚI

Return to top