ClockChủ Nhật, 26/06/2022 07:45

Tìm ký ức xưa qua ảnh

TTH - Đây những biệt thự xưa cũ, kia góc nhịp sống đời thường… cứ thế được lồng trong một khung kính sang trọng để khi người nhìn vào như thấy “thời gian sao mà xuẩn ngốc”, chỉ còn lại trong những tấm hình đen trắng xưa cũ.

Hoài niệm cùng cà phê vintageCà phê, giới trẻ & quá khứ

Những ký ức xưa được một chủ quán cất công tìm lại, in ra và treo lên các mảng tường trong không gian một quán cà phê

Khi mà những không gian cà phê, nhà hàng đang cố theo đuổi trang trí với phong cách hiện đại thì vẫn còn một số ít không gian tương tự tìm cho mình phong cách hồi cố, tìm về những hoài niệm, tưởng chừng như không hề mất đi trước những thay đổi, biến thiên của thời gian. Cái tìm về ấy không chỉ như là thú chơi, niềm yêu thích của gia chủ mà nó còn đưa đường dẫn lối khách lạc vào thế giới tưởng chừng chưa bao giờ mất đi.

Một quán cà phê nằm trên trục đường chính Đinh Tiên Hoàng bên trong Kinh thành Huế nhìn từ bên ngoài vào với sự hối hả, ồn ào của nhịp sống hiện đại. Tưởng rằng bên trong không gian ấy, mọi thứ cũng như quy luật của bên ngoài, nhưng không - có điều gì đó khiến khách ngẩn ngơ, như lạc lối về một nơi chốn xưa cũ: không ồn ào, không xô bồ, chỉ có sự tĩnh lặng, có hồn xưa và những bất động nhất thời. Tất cả đã hiện ẩn nơi những bức ảnh được gia chủ treo một cách trang trọng, ít nhiều đã nói lên sự đối lập mà không phải ai cũng tinh tế nhận ra.

Dù là mảng tường của hiện đại, nhưng trên đó có in màu thời gian của ảnh, của những trắng – đen và của những khung cảnh, công trình kiến trúc xưa cũ. Đâu đó mái nhà giáo đường với tháp chuông chót vót thuở mới lập, những biệt thự mang dáng dấp kiến trúc Đông Dương một thời đã không còn nữa, những khung cảnh phố phường chỉ có dòng người đi bộ, những chiếc đò nhỏ nép mình dưới “chiếc lược ngà” Trường Tiền trong những sớm mai, cảnh đường phố chỉ có hàng dài người đi bộ và xe đạp… Chỉ chừng ấy thôi nhưng đưa người xem đi trên chuyến tàu “hồi hương” trở về lại nơi chính mình đang sống dù đang ở ngay đó, cách đó không bao xa.

Những biệt thự cổ, con đường xưa, giáo đường... đưa người xem hiện tại đắm chìm với hoài niệm xưa cũ

Không riêng gì quán cà phê ấy, một vài quán cà phê, nhà hàng khác cũng chọn cho mình những tấm hình tương tự như thế để bài trí, dẫn lối khách đi về một quá khứ nào đó dù biết khó có thể tìm lại ở đời thực. Và dẫu biết rằng, những bức ảnh dù còn tên tác giả hay không vẫn chất chứa nỗi niềm trong từng góc máy dường như muốn cầm chân tất cả ai đứng trước khung hình đó.

Với thế hệ cao niên, từng chứng kiến cảnh thực, từng đi vào đời sống thực ấy thì giờ đây, đó như là một trang sử có lưu lại dấu ấn của chính mình. Còn với người trẻ, họ không thôi đặt câu hỏi tò mò, rồi so sánh sự khác biệt, trầm trồ như đã tìm thấy được điều gì đó trong bức ảnh xưa mà họ vô tình lướt qua.

“Có những dãy phố giờ đã không còn. Có những khoảng trống ruộng đồng giờ đã là khu phố trung tâm nhộn nhịp. Có những chiếc xe đạp xưa cổ giờ cũng đã lùi vào dĩ vãng… Tất cả như kéo mình về lại với một không gian xưa, một Huế xưa tuyệt đẹp. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, có lẽ người chụp cũng không ngờ một ngày những bức ảnh ấy lại tồn tại cho đến hôm nay, để người xem ở thì hiện tại vừa có chút gì tiếc nuối, có chút gì tò mò”, Hồng Vân, một bạn trẻ yêu thích hình ảnh xưa cũ chia sẻ. Vân nói, đứng trước những bức hình đó cô thấy thời gian như đứng lại. Cô cũng dành chút thời gian trong những ngày rảnh rỗi để tìm đến những nơi chốn có trong ảnh để tìm hiểu, khám phá lại không gian đó.

Nguyễn Khắc Trung, 35 tuổi, chàng trai ví mình chưa đủ già, nhưng cũng không còn đủ trẻ, chủ một chuỗi các quán cà phê có rất nhiều hình ảnh về Huế xưa cũ. Với Trung, không chỉ là hoài niệm mà nó là những gì mà bản thân đã chứng kiến và nhận thức được sự thay đổi qua bao biến thiên của thời gian, lịch sử. “Những bức ảnh đó mình từng thấy. Những con đường, ngôi nhà ấy có nơi mình từng đi qua và có nhiều kỉ niệm”, Trung nói và ấp ủ sau này khi mở không gian quán cà phê sẽ tìm những bức ảnh xưa cũ ấy để treo lên như một cách ghi nhớ về tuổi thơ. Có bức có tác giả, nhưng cũng có những bức ảnh vô danh, dù người chủ quán cất công đi tìm vẫn không đủ sức tìm ra ai là người chụp.

Ấp ủ ấy giờ đã thành hiện thực. Và không chỉ cho riêng Trung mà cho nhiều vị khách có chung niềm đam mê, sự hoài niệm. Trung kể, có nhiều vị khách, trong đó có khách sau bao nhiêu năm bôn ba, khi trở về Huế tìm đến không gian cà phê của Trung đã bất ngờ. Họ thấy trong những khung hình ấy hình ảnh thân quen như chưa bao giờ bị mất đi. “Có người xúc động vì thấy trong những bức hình xưa cũ ấy có con đường quen thuộc, có ngôi nhà của mình ở trên con đường đó. Nhưng tiếc là nay không thuộc về họ”, anh Trung kể.

Cứ thế, những xưa cũ tưởng chừng như chìm theo thời gian, nhưng không, vẫn còn những khung ảnh đâu đó được người xưa chụp lại để người nay nâng niu. Những thơ mộng cũ ấy, tưởng khó tìm nhưng đâu đó vẫn chưa mất, chưa phai…

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kinh đô văn hóa sáng tạo

Sau lần đầu tiên vào năm 2012, Huế lại đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025. Nếu chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia cách nay 13 năm là “Huế - Kinh đô cổ - Trải nghiệm mới” thì lần này, như một sự kế thừa, chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia 2025 được xác định là “Huế - Kinh đô văn hóa sáng tạo”. Huế tự hào có 8 di sản văn hóa thế giới, trong đó 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác. Giá trị di sản là cốt lõi tạo nên thế mạnh du lịch Cố đô.

Kinh đô văn hóa sáng tạo
Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn

Đôi vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Ta Dưr Tư và Areel Đời, sinh sống tại huyện A Lưới đã dành cả cuộc đời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số. Với hơn 40 năm miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy, họ trở thành những ngọn lửa dẫn đường và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.

Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

TIN MỚI

Return to top