ClockThứ Hai, 20/11/2023 07:10

Thầy, cô một thuở

TTH - Những năm 1980, quý thầy, cô giáo về dạy ở trường làng tôi là những thầy, cô ở Huế và những thầy, cô ở Quảng Bình. Thầy, cô ở khu tập thể ngay trong khuôn viên trường. Đời sống của giáo viên hồi đó khó khăn thì ai cũng biết rồi. Cái thời tem phiếu, thầy, cô hàng tuần phải đạp xe xuống cửa hàng lương thực ở xã Điền Hải cách xã tôi 7km để mua gạo và thực phẩm. Bởi rứa mới có một câu chuyện mà bây chừ kể lại sẽ rất khó tin, nhưng lại là chuyện có thật. Đó là chuyện anh Đ., một học sinh đã phát biểu rằng: “Thầy, cô ăn uống cực quá nên bày ra chuyện cắm trại để học sinh nộp tiền vô có mấy bữa ăn sướng!”. Chuyện đến tai thầy Thương và sau đó nhà trường đã kêu anh Đ. lên nhắc nhở...
 

Đời sống khó khăn là vậy nhưng thầy, cô vẫn lên lớp, vẫn tạo niềm vui cho mình và cho học trò. Tôi nhớ văn phòng trường có một bàn domino và buổi sáng nào cũng có một ván domino giữa quý thầy. Rồi thầy Cao Xuân Diệu, hiệu phó, ôm đàn sáng tác bài hát “Điền Lộc trường em” mà thế hệ học sinh 6X, 7X trường tôi ai cũng thuộc: “Ôi Điền Lộc trường em yêu dấu/Bóng dương soi xanh mát dịu dàng/Ôi Điền Lộc trường em nhớ mãi/Bến Ô Lâu vẳng tiếng hò ơ...”

Sẽ rất nhiều học trò thời ấy nhớ cô Nga người Huế dạy sử. Trước hết cô Nga đẹp, vẻ đẹp của một phụ nữ khuê các. Giọng nói của cô lại rất Huế chuẩn mực và ngọt ngào. Năm chúng tôi lên lớp 6 cứ đến giờ sử cô Nga là chúng tôi im phăng phắc nghe giảng. Có mấy đứa đi học lười tắm, đất bám đầy cổ, cô nói phải về tắm cho sạch sẽ, lần sau cô còn thấy đất bám cổ là mời ra khỏi lớp nghe. Cô nói nhẹ rứa thôi nhưng đứa mô cũng phải nghe. Nhưng hình ảnh cô Nga đọng lại nhiều trong tâm trí chúng tôi là tà áo dài. Mỗi lần cô Nga mặc áo dài đi trên đường ai cũng ngắm nhìn trầm trồ...

Cô Nga thiệt đẹp trong tà áo dài trắng rất Huế thì cô Vầy, người Quảng Bình có mái tóc dài chấm đến gót chân. Phụ nữ làng tôi chẳng ai nuôi tóc dài như rứa cả nên khi cô Vầy về trường, lũ chúng tôi tròn xoe mắt khi thấy mái tóc đen dài óng ả của cô. Chúng tôi cãi nhau tóc cô ngang bắp chân hay chấm đến gót chân, bởi khi cô lên lớp cô đánh con rết lại vắt qua vai để tóc gọn hơn. Nhưng có lần cô xõa tóc thì đúng là tóc cô dài đến gót chân...

Những năm đầu hòa bình, xóm Kế của tôi có 4 thầy, cô giáo. Hồi đó giáo viên địa phương rất ít, cả xã, cả làng tôi chưa đến 10 giáo viên thì xóm tôi là xóm có đông thầy, cô giáo nhất xã. Cô Nhạ người Hà Tây theo chồng là sĩ quan quân đội vô Nam sau 1975, cô Vinh dâu xóm và vợ chồng thầy Thương cô Huệ. Thầy Thương là hàng xóm nhà tôi, cô Huệ người Hương Cần về trường làng tôi dạy từ cuối thập niên 70 và chọn nơi dạy làm quê hương...

Hồi đó giáo viên ai cũng nghèo, như vợ chồng thầy Thương cưới nhau về ở chung với nhà bác Chiu là anh ruột mấy năm sau mới có tiền để dựng một mái nhà tranh bên cạnh. Tính thầy Thương vui vẻ, xuề xòa, như với thầy chẳng có chi là quan trọng cả. Bởi rứa đến trường tôi xưng là thầy, nhưng về nhà thầy nói cứ xưng là chú theo vai là đàn em ba tôi cho nó tình cảm. Có những dịp cuối tuần, quý thầy ở khu tập thể của trường tụ tập ở nhà thầy Thương uống rượu đọc thơ và hát nhạc bolero. Là hàng xóm nên tôi được quyền tới coi những cuộc vui đó và nghe thầy Xuân đọc bài thơ “Vườn xưa” của Tế Hanh, thầy Danh hát “Hận Đồ Bàn”, thầy Thương hát “Hoa trinh nữ”... Vui nhất là có lần thầy lấy cuốc ra dọn mảnh vườn bên nhà dịp cuối năm, vừa làm việc thầy vừa nói: “Chú là chú ưng để vườn tự nhiên như ri cho hoa cỏ tự nhiên nở đón tết, nhưng ngại mấy bác cao tuổi trong xóm đi ngang qua phê bình giáo viên chi mà nhác, thôi thì dọn tạm tạm được...”

Cô Huệ thì khác hẳn chồng, ngoài thời gian đi dạy cô còn đan áo len để bán, gần tết cô còn ra chợ bào gừng để kiếm tiền. Cuộc sống có phần vất vả nhưng thầy cô luôn hạnh phúc. Có những lúc thầy cô cùng hát song ca một bài hát cũ hay những lúc thầy Thương hơi ngà ngà trêu chọc cô chỉ cười thật vui với chồng...

Thầy, cô là những người mê đọc sách và gần như cuốn mô thầy, cô đọc xong tôi cũng được đọc ké. Có lần cô đọc xong một cuốn truyện của một tác giả miền Nam trước năm 1975 và kêu tôi xuống nhà cho mượn. Là một cậu học sinh cấp 2 hồi đó tôi hỏi ngây ngô: “Sách ni cũng đọc được thưa cô!”, thầy Thương đứng cạnh nói: “Cầm sách lên nhà mà đọc đi cho biết, hay lắm đó em!”. Thiệt tình đó là một cuốn sách viết về nông thôn thật thanh bình, trìu mến...

Tôi không nhớ thầy, cô rời căn nhà cũ để xây căn nhà mới từ năm mô. Rồi thầy cô đều mất sớm! Có khi tôi về nhà nhìn qua bờ rào nơi căn nhà tranh cũ của thầy, cô bây chừ là một vườn rau và nhớ một khoảng trời êm đềm đã qua...

Phi Tân
ĐÁNH GIÁ
4.5
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (1)
VN
Van Vu Nguyen - 20/11/2023 19:00
Phi Tân thương nhớ kỷ niệm❤️❤️❤️

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thầy và trò cùng nỗ lực

Cùng vượt qua khó khăn để có những bước tiến trong nâng cao chất lượng dạy và học, cán bộ và giáo viên Trường THCS Vinh Thanh (huyện Phú Vang) còn giúp học trò biết chia sẻ yêu thương bằng những việc làm thiết thực, giàu ý nghĩa.

Thầy và trò cùng nỗ lực
Mùa màng một thuở

Mỗi lần nhớ về ruộng đồng quê cũ, là tôi lại nhớ về những giống lúa địa phương cổ truyền từng được thấy, được ăn khi còn nhỏ.

Mùa màng một thuở
Một thuở giếng khơi

Đắn đo, suy tính mãi, cha mẹ tôi quyết định dựng lại gian bếp và khu công trình phụ tắm giặt, vệ sinh.

Một thuở giếng khơi
“Rèn thầy trước, luyện trò sau”

Với phương châm “rèn thầy trước, luyện trò sau”, những năm qua, thầy và trò Trường THCS Trần Đăng Khoa (xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà) đã lồng ghép nội dung học tập và làm theo gương Bác vào các hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

“Rèn thầy trước, luyện trò sau”

TIN MỚI

Return to top