ClockThứ Ba, 01/02/2022 14:00

Mất ngủ vì gừng

TTH - Bên ấm trà nóng phảng phất mùi thơm nồng của lát mứt gừng xứ Huế, PGS. TS. Trương Thị Bích Phượng (Khoa Sinh học, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế) bắt đầu câu chuyện về củ gừng Huế mà chị và nhóm nghiên cứu đề tài đã dày công nghiên cứu suốt 3 năm qua…

Sản xuất gừng Huế chất lượng caoGừng trồng bao bội thu mùa Tết

Cây giống gừng Huế phát triển xanh tốt

Không thể để mất giống gừng Huế

PGS. Phượng kể: “Ý tưởng nghiên cứu về củ gừng Huế bắt nguồn từ câu chuyện của thành viên trong nhóm về món gừng Gari, món dưa muối của Nhật Bản làm từ gừng tươi rất được ưa chuộng dù mức giá khá đắt đỏ (210.000 đồng/kg), sử dụng làm món ăn kèm trong các món sushi và sashimi. Thừa Thiên Huế vốn rất nổi tiếng với củ gừng tươi và đặc sản mứt gừng Huế nhưng diện tích các vùng trồng gừng lại giảm dần qua các năm. Câu hỏi làm thế nào để bảo tồn được nguồn gen quý này và phát triển gừng mang thương hiệu Huế một cách bền vững đã trở thành động lực cho nhóm nghiên cứu của chúng tôi”.

Tuy gừng Huế có mùi thơm và vị cay nồng đặc biệt, nhưng do củ gừng Huế vốn nhỏ, năng suất không cao, khó có thể cạnh tranh về giá cả với giống gừng trâu củ to, trông lại đẹp nhập về nên dần bị thu hẹp diện tích trồng. Thay vào đó, người dân một số vùng bắt đầu trồng các giống gừng nhập khẩu củ to, cho năng suất cao hơn. Các mặt hàng thành phẩm được bày bán ở các chợ và siêu thị chủ yếu làm từ các loại gừng này. Hai năm nay, ảnh hưởng của dịch COVID-19, gừng không nhập về được, gừng Huế chất lượng cao nên được người dùng mua nhiều để sử dụng cho phòng bệnh, giá gừng vì thế mà tăng lên 50.000 - 70.000 đồng/kg. Dù vậy, người dân lại không có củ giống để trồng và phải đầu tư mua giống giá cao hơn.

“Việc nhận biết “giống” gừng lâu năm ở Huế để gieo trồng hay sản xuất chủ yếu dựa trên những đặc điểm hình thái như kích thước của thân củ, hương thơm, vị cay, thành phần của tinh dầu. Tuy nhiên, các đặc trưng hình thái này không ổn định, phụ thuộc vào điều kiện môi trường nên có thể làm cho việc phân loại trở nên không chính xác. Điều này khiến cho việc nhận diện “giống” gừng nguyên bản của Thừa Thiên Huế bằng các đặc trưng hình thái ngày càng trở nên mơ hồ, dẫn đến nguy cơ mất “giống gừng Huế” đặc trưng vốn từ lâu đã được trồng ở Thừa Thiên Huế”, PGS. Phượng trăn trở. Đây là lý do chị cùng nhóm nghiên cứu quyết định thực hiện đề tài “Nhận diện gừng Huế và giải pháp phát triển ở Thừa Thiên Huế”.

Mất ăn, mất ngủ

Tháng 8/2018, nhóm nghiên cứu triển khai thu mẫu và liên hệ với cụ Lê Chương, lão nông có mấy chục năm kinh nghiệm về trồng gừng ở Tuần để trồng thử nghiệm. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu sinh học phân tử tại phòng thí nghiệm, nghiên cứu giải pháp kỹ thuật trồng gừng và chế biến gừng lên men ở liên tiếp hai vụ: 2019-2020 và 2020-2021.

 PGS. Phượng (áo vàng) và cộng sự thăm vườn gừng

Khó có thể kể hết những khó khăn PGS. Phượng cùng các cộng sự của mình đã trải qua trong suốt 3 năm dài nghiên cứu để bảo tồn và giữ lại giống gừng Huế đặc trưng. Khó khăn lớn nhất phải kể đến là thời tiết không thuận lợi. Dù vụ gừng 2018-2019 và 2019-2020 gặp hạn kéo dài, ảnh hưởng lớn đến thời gian xuống giống và khả năng nảy mầm của củ giống gừng, nhưng qua nghiên cứu, nhóm đã thành công trong xác định giải pháp kỹ thuật phù hợp, từ đó xây dựng quy trình trồng gừng cho năng suất cao, giảm tỷ lệ sâu bệnh hại ở vùng đất Thủy Biều và Hương Thọ. Nhóm cũng đã xây dựng được mô hình trồng gừng có xử lý chế phẩm cho tỷ lệ nảy mầm và cho năng suất cao, củ gừng kích thước lớn, đẹp, hiệu quả kinh tế tăng hơn 24%.

Đến vụ gừng năm 2020-2021, sau hơn một tháng trồng, Thừa Thiên Huế liên tiếp phải hứng chịu các trận bão lũ khiến nhiều diện tích gừng bị mất. Các vùng trồng gừng của người dân địa phương cũng gặp phải tình trạng tương tự. Nhóm nghiên cứu đứng trước nguy cơ không còn củ giống. “Nhìn công sức bỏ ra trôi theo nước lũ ở một số diện tích mà lo lắng và nóng ruột đến mất ăn, mất ngủ. Hôm nào, nước bắt đầu rút, mọi người lại lội đến ruộng để tìm giải pháp khắc phục, phải thu hoạch được gừng củ vì nếu không sẽ mất giống. Nhiều hộ hiện nay không còn giống để trồng”. PGS. Phượng nói

Khó khăn vẫn chưa dừng lại ở đó bởi sau khi nước rút, trên diện tích trồng gừng còn sót lại xuất hiện dịch bệnh. Bệnh lây lan nhanh, gây thối hỏng, chết cây hàng loạt. Tâm huyết mấy năm của cả nhóm nghiên cứu không thể đổ sông đổ bể nên mọi người cố gắng khắc phục khó khăn. “Nhờ đã chọn củ gừng giống chuẩn, có các bước xử lý củ giống bằng chế phẩm sinh học và các giải pháp kỹ thuật phù hợp nên đã hạn chế và khắc phục được bệnh hại. Chúng tôi vẫn thu hoạch được củ gừng trong vụ này để cung cấp nguyên liệu cho chế biến và làm giống ở vụ sau”, PGS. Phượng nhớ lại.

Quả ngọt

Cuối cùng, “quả ngọt” đã đến sau 3 năm dài ròng rã. Trên cơ sở điều tra tình hình sản xuất gừng ở hơn 300 hộ trồng gừng của Thừa Thiên Huế, nhóm nghiên cứu đã xây dựng bộ dữ liệu và xác định đúng giống gừng Huế nhờ sử dụng kỹ thuật phân tử (kết quả đã được đăng ký trên Ngân hàng gen (GenBank) gồm 41 trình tự đoạn DNA mã vạch của gừng). Nhóm nghiên cứu cũng đã áp dụng việc nhân giống cây bằng nuôi cấy mô để cung cấp cây giống cho sản xuất; xác định được các biện pháp kỹ thuật trồng gừng với mục đích tăng năng suất gừng và giảm tỷ lệ sâu bệnh gây hại. Từ kết quả nghiên cứu, quy trình trồng gừng cho vùng đất Thủy Biều và Hương Thọ đã được xây dựng, giúp cho việc phát triển giống gừng Huế thời gian tới sẽ trở nên thuận lợi, giải quyết các khó khăn hiện nay trong sản xuất gừng.

Sản phẩm gừng lên men lactic mang vị cay riêng của gừng Huế

Còn có một sản phẩm khác từ gừng Huế đó là, qua quá trình nghiên cứu chế biến tạo sản phẩm gừng lên men, PGS. Phượng và nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình lên men lactic cho chất lượng sản phẩm gừng tốt, mang vị cay riêng của gừng Huế. “Hiện tại, nhóm nghiên cứu vẫn đang tiếp tục mở ra hướng đi mới nhằm đánh giá khả năng làm giống của vi củ gừng (củ gừng thế hệ thứ nhất của cây gừng in vitro), tạo đầu ra cho người trồng nhờ vào việc đa dạng hóa sản phẩm chế biến và sẽ tiếp tục nghiên cứu xác định chỉ dẫn địa lý cho giống gừng Huế. Nhóm nghiên cứu mong gừng Huế sẽ được người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn nữa, không chỉ nhớ đến hương vị Huế trong miếng mứt gừng ngày tết mà thêm vào đó là sản phẩm gừng chua mang thương hiệu Huế”, PGS. Phượng nói.

Bài: Ngọc Hà

Ảnh: Nhân vật cung cấp

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Khẩn trương xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thực chất, hiệu quả, tạo động lực phát triển mới

Sáng 4/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức.

Khẩn trương xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thực chất, hiệu quả, tạo động lực phát triển mới
Xây dựng thương hiệu cho Thực phẩm Ogranic Vinh Xuân

“Cay, ngon, sạch” - sản phẩm nước ớt và tương ớt của Thực phẩm Ogranic Vinh Xuân do anh Tô Đông Thoạn, ở Vinh Xuân, Phú Vang sản xuất đã và đang được thị trường đón nhận. Hiện, chủ cơ sở sản xuất đang tập trung nguồn lực để xây dựng thương hiệu riêng khi Thực phẩm Ogranic Vinh Xuân vừa được chứng nhận là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023”.

Xây dựng thương hiệu cho Thực phẩm Ogranic Vinh Xuân

TIN MỚI

Return to top