ClockChủ Nhật, 22/10/2017 06:26

Làng quê trầm tích

TTH - Nguyễn Tri Phương tên là Nguyễn Văn Chương, sinh ngày 21 tháng 7 năm Canh Thân (1800). Tên Nguyễn Tri Phương là do vua Tự Đức đặt cho ông năm 1850.

Đoàn nhà văn Huế trước mộ cụ Nguyễn Lộ Trạch

1- Thu 2017, nhà thơ Mai Văn Hoan, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế "nổi hứng" tổ chức đi thực tế ở Phong Chương, Điền Môn (Phong Điền). Tôi cứ nghĩ về làng quê cát, ngoài lúa khoai gà vịt thì có gì để tham quan? Nhưng rồi tôi đã nhầm. Đoàn 6 nhà văn, gồm Mai Văn Hoan, Võ Quê, Nguyễn Quang Hà, Phạm Phú Phong, Vĩnh Nguyên và tôi đã có một ngày hành hương đầy bất ngờ và xúc động. Thì ra, làng quê mình nơi nào cũng trầm tích văn hóa, trầm tích lịch sử đáng kinh ngạc!

Phong Chương là xã bãi ngang nghèo, cách biển 6 cây số. Anh Lê Viết Phước, Chủ tịch UBND xã 35 tuổi cho biết, xã anh hộ nghèo cao nhất huyện Phong Điền nhưng đường sá phong quang lắm, đường ngang, đường dọc đều bê tông hóa, ô tô đi lại, tránh nhau dễ dàng. Trung tâm xã cứ như một thị tứ. Có đủ các quán bán tạp hóa, cà phê… Chủ tịch Lê Viết Phước cho người dẫn đoàn chúng tôi đi thăm di tích lịch sử nổi tiếng, đã được xếp hạng quốc gia của xã. Đó là đền thờ và mộ của cha, em và con đại danh thần Nguyễn Tri Phương.

Lâu nay tôi biết về danh tướng này là Tổng đốc Hà Nội, người chỉ huy đánh Pháp giữ thành Hà Nội. Nhưng tôi không ngờ ông sinh ra trong một gia đình làm ruộng và nghề mộc ở Phong Chương này và đền thờ, lăng mộ của ông ở đây. Chỉ chừng ấy thôi, Phong Chương đã trở thành địa chỉ đỏ ngàn đời của những người con đất Việt. Một vùng quê thuần nông nghèo mà gần 200 năm trước đã có một gia đình vĩ đại, đã sinh ra những người con vĩ đại. Nguyễn Duy (1809 - 1861), danh tướng triều Nguyễn hy sinh trong trận đại đồn Chí Hòa Gia Định là em trai Nguyễn Tri Phương. Con trai ông, Nguyễn Lâm hy sinh cùng cha trong cuộc chiến giữ thành Hà Nội. Đó là sự hy hữu và nét vàng son của lịch sử Phong Chương. Đền thờ “Tam công trung hiếu tiết nghĩa Nguyễn Tri Phương- Nguyễn Duy- Nguyễn Lâm” rất rộng rãi, được xây dựng ngay trong làng quê, bên đồng lúa. Trong đền thờ có tượng bán thân Nguyễn Tri Phương, nhang khói nghi ngút. Ngoài đền thờ có tượng đài “Tam công lẫm liệt” cao vút, như bút khắc tạc lịch sử lên trời xanh.

Nguyễn Tri Phương tên là Nguyễn Văn Chương, sinh ngày 21 tháng 7 năm Canh Thân (1800). Tên Nguyễn Tri Phương là do vua Tự Đức đặt cho ông năm 1850. Cuộc đời Nguyễn Tri Phương bạn đọc có thể tìm các bộ sử hoặc tìm kiếm qua Google. Tóm tắt chiến tích đời ông là vị tướng Tổng chỉ huy quân đội triều Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873). Tôi cứ tưởng mình là người đọc nhiều, nhưng té ra vẫn chưa thông sử. Tôi không biết Phò mã Nguyễn Lâm là con trai thứ hai của đại thần Nguyễn Tri Phương. Sử chép: "Nguyễn Lâm khiêm nhường, học giỏi như cha. Năm 1864, ông được vua Tự Đức gả em gái là Đồng Xuân công chúa và phong làm Phò mã Đô úy. Nguyễn Lâm liền cùng cha chỉ huy giữ cửa Đông Nam thành Hà Nội. Ông bị trúng đạn và tử thương tại trận ngày 20/11/1873, lúc 29 tuổi". Được tin Nguyễn Lâm tử trận, vua Tự Đức ban dụ rằng :"… Nguyễn Lâm không có trách nhiệm gì đến việc giữ thành, mà biết hiếu nghĩa như thế, ơn nước, tiếng nhà hai đằng không hổ thẹn; so với bọn con em tầm thường của bọn quý phái khác, cùng những kẻ lúc bấy giờ bỏ quan, tìm nơi tiện lợi cho mình há chẳng càng nên khen thưởng ư?...”.

Mộ danh thần Nguyễn Tri Phương và phò mã Nguyễn Lâm nằm ở một đồi đất giữa cánh đồng Phong Chương, cây cối rợp mát, gió lộng. Đường đến mộ ô tô đi được. Chụp ảnh bên mộ danh thần, tôi như cậu học trò xúc động trước chứng tích lịch sử hào hùng của làng quê Phong Chương.

2- Rời Phong Chương, chúng tôi về xã Điền Môn gần đó để chiêm ngưỡng "dung nhan" làng vàng Kế Môn. Một làng thuần nông với rất nhiều rú cát. Ở đây đường sá, nhà cửa đẹp hơn phố thị. Cậu lái xe tên Thân, lái xe của chủ tiệm vàng Duy Mong ở Huế chở chúng tôi kể, Kế Môn là quê hương của hàng ngàn người nghề vàng giàu có trong nước và khắp thế giới. Kế Môn có mấy cái nhất: Thư viện làng đầu tiên lớn nhất của Thừa Thiên Huế, với 4.000 đầu sách. Kế Môn có Trung tâm Thương mại Kế Môn, tức là cái chợ làng to nhất tỉnh với diện tích 2.000m2. Đình làng Kế Môn to nhất tỉnh. Kế Môn có tới 50 biệt thự nhiều tỷ đồng thường ngày đóng cửa. Đó là biệt thự của những người Kế Môn nghề vàng giàu có ở khắp trong, ngoài nước xây để khi về làng thì có chỗ ở. Tất cả đều từ nghề kim hoàn mà nên.

Chuyện kể, có một người tên là Cao Đình Độ, nghề kim hoàn giỏi ở Thanh Hóa đi thuyền vào Kinh Đô Huế, theo lời kêu gọi của vua Quang Trung, để làm nghề kim hoàn cho Hoàng Cung. Khi thuyền vào sông Ô Lâu, qua làng Kế Môn thì bị lật. Được dân làng Kế Môn cứu, ông Độ ở lại truyền nghề chế tác vàng cho dân làng. Từ đó làng Kế Môn trở thành làng của những thợ vàng giỏi. Nhưng họ không thể hành nghề ở làng được vì không có khách, phải đi khắp nơi thế giới. Theo dân làng kể, hiện Huế là nơi có dân làm vàng Kế Môn đông nhất, sau đó đến Đà Nẵng, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, TP. Hồ Chí Minh…, còn trên thế giới, dân Kế Môn ở Mỹ nhiều nhất, từ Oakland (California) đến Portland (Origon), Houston (Texas)..., chỗ nào có cộng đồng người Việt là ở đó có tiệm vàng của người Kế Môn. Riêng tiểu bang Texas có đến 40 tiệm vàng của dân Kế Môn. Kế Môn là làng quê có người ly hương làm ăn sớm nhất ở Việt Nam (200 năm trước). Nhưng họ ra đi để quay về. Họ xây sẵn mộ và khi chết thì trở về chôn ở làng. Đó là điều hiếm thấy ở các làng quê khác.

Cái làng nông Kế Môn ấy còn nổi tiếng là quê hương của một trí thức uyên bác mà lạ lùng. Đó là nhà cách tân, nhà thơ Nguyễn Lộ Trạch (1853- 1895). Ông không đi thi để ra làm quan, nhưng là người đọc nhiều sách, biết nghề thuốc, có kiến thức sâu rộng, thường ngao du khắp các tỉnh, tìm người cùng chí hướng kết giao. Năm 20 tuổi, ông kết hôn với Trần Thị Nhàn, con gái Phụ chính triều Nguyễn Trần Tiễn Thành. Nhờ thế, ông đã đọc được nhiều sách tân thư, đọc được những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ và chịu ảnh hưởng những tư tưởng canh tân này. Ông  từng viết 2 cuốn “Thời vụ sách thượng”, “Thời vụ sách hạ” dâng lên vua bàn chuyện đánh Pháp, nhưng không được triều đình quan tâm. Trong các sách ấy, ông khuyên triều đình phải: Luyện binh thường xuyên và mua sắm vũ khí mới. Đưa con em tài giỏi ra nước ngoài học khoa học thực nghiệm và cơ khí phương Tây. Mở rộng ngoại giao với các nước châu Âu, nhất là nước Đức và nước Anh để kiềm chế Pháp.

Ông cũng có bài tên là "Thiên hạ đại thế luận" (Bàn về thế lớn trong thiên hạ) bàn về tình thế các nước Á Đông trước nguy cơ thôn tính của phương Tây. Sau khi phân giải, ông đã chỉ ra rằng: dã tâm xâm lược của thực dân Pháp đã có từ lâu, không vì chúng ta sợ sệt cầu hòa mà họ ngừng lại, cũng không vì chúng ta khiêu khích mà họ dấy binh nhiều hơn. Nay nhà vua và triều đình chỉ còn cách: Từ bỏ hẳn tệ quan liêu, tham nhũng, thói chuộng hư danh... Cần nắm lấy, kịp thời sửa sang chính trị, giáo dục để không khỏi phụ lòng mong mỏi của nhân dân”.

Nguyễn Lộ Trạch còn để lại nhiều bài thơ chữ Hán rất hay. Xin trích một khổ thơ trong bài II, bài thơ "Nỗi lòng mùa thu" (gồm 8 bài): Ghìm cương núi Ngự bóng chiều tà/ Nhớ lại năm nào độ tuổi hoa/ Tai họa đắm chìm hình đất nước/ Mảng bè trôi nổi cảnh sơn hà. Tác phẩm ông, cả chính luận và thơ rất nhiều, nhưng đều đã thất lạc, chỉ còn lại tập "Kỳ Am Nguyễn Lộ Trạch di văn" (Những bài văn còn lại của Kỳ Am Nguyễn Lộ Trạch) do người đời sau góp nhặt. Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam viết :"Nguyễn Lộ Trạch tuy không xuất thân bằng con đường khoa cử, nhưng ông có một sức học uyên thâm với tinh thần thực dụng, và một tầm nhìn sâu sắc nên được giới sĩ phu yêu nước đương thời kính phục. Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp... rất hâm mộ con người và thơ văn ông. Chính Huỳnh Thúc Kháng đã gọi ông là một "văn hào" của nền văn hoá Việt Nam”.

Mộ nhà canh tân Nguyễn Lộ Trạch nằm ở rú cát Kế Môn rất đơn sơ mà trang nghiêm, ấm áp, có nhiều văn nhân thi sĩ, trí thức đến viếng. Nhà nước đã công nhận là di tích quốc gia theo quyết định số 52/2001/QÐBVHTT ngày 28 tháng 12 năm 2001.

Mới đi qua hai xã vùng bãi ngang Phong Điền, đoàn nhà văn chúng tôi đã nhận được những trầm tích lịch sử, văn hóa khảm vào trí nhớ. Đất Phong Điền đến làng quê nào cũng có những di tích lịch sử như thế. Về xã Phong Bình có danh nhân Trần Văn Kỷ là nhà tham mưu đắc lực của triều Tây Sơn - Quang Trung Nguyễn Huệ và là quê nhà thơ “Mùa xuân nho nhỏ” Thanh Hải. Qua Phong Hòa có mộ của họa sĩ vẽ sơn dầu đầu tiên, nhà giáo lớn Lê Văn Miến, có làng cổ Phước Tích 500 năm lịch sử...

Vâng, hãy đi về các làng quê để nhận được những trầm tích của quá khứ dân tộc làm vốn liếng cho mình…

Bài, ảnh: NGÔ MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làng quê bên dòng Ô Lâu

Thuận Hòa là một thôn nhỏ nằm bên dòng Ô Lâu thuộc phường Phong Hòa (TX. Phong Điền). Trước năm 1993, bà con ở đây sống lênh đênh trên sông nước. Từ năm 1993, người dân Thuận Hòa được huyện cấp đất làm nhà dọc theo bờ sông thì cuộc sống bắt đầu thay đổi.

Làng quê bên dòng Ô Lâu
“Nhìn vô trong Huế...”

Thuở ấu thơ, trẻ con làng tôi đứa mô cũng có một niềm ao ước đó là được đi Huế chơi ít nhất là một lần. Đình làng Đại Lộc quê tôi có một lùm mù u rậm rạp và là chốn để chúng tôi leo trèo và hát những câu nghêu ngao vào những buổi chiều hè: “Trèo lên cây mù u nhìn vô trong Huế...”. Rồi những đêm không trăng, trời đầy sao, lũ trẻ con làng chúng tôi nhìn về phía xa xôi, nơi có một quầng sáng phía chân trời và nói với nhau rằng, đó là Huế. Hồi đó, làng tôi có một chuyến đò đi Huế hàng ngày xuất phát ở bến đò Đồng Dạ, nơi con sông Ô Lâu bắt đầu chảy qua làng tôi. Nhưng phải có công chuyện chi quan trọng thì nông dân làng tôi mới đi Huế, còn trẻ con như chúng tôi thì rất khó để được đi.

“Nhìn vô trong Huế  ”
Lối về ngõ hạnh

Quê chồng tôi ở Phú Thượng (Phú Vang - nay thuộc TP. Huế), mỗi năm có vài lần kỵ, chạp. Mỗi lần ghé về, điều tôi thích nhất ngoài những căn bếp ngăn nắp có chiếc tủ gạc - măng - rê xưa cũ, ngoài những mẹt bầu, bí đao được cắt mỏng phơi khô tỏa mùi thơm giòn đặt trên mấy chạn củi của các thím, tôi còn vô cùng thích thú những con ngõ biếc xanh.

Lối về ngõ hạnh
Hình bóng quê nhà

Năm 2005, nhà báo Dương Phước Thu tặng tôi cuốn sách “Qua sông nhìn lại bến bờ” vừa ra mắt. Đây là tập bút ký tư liệu - nghiên cứu lịch sử, khảo lược quá trình hình thành xứ Thuận Hóa, tỉnh Thừa Thiên đến thành phố Huế ngày nay. Lướt qua phần viết về quê mình, tôi gọi điện cho anh, phản ứng vì xưa đến giờ, làng tôi chỉ là một, không có thôn La Chử Thượng, thôn La Chử Trung, thôn La Chử Đông, thôn La Chử Nam, thực chất Thượng, Trung, Đông, Nam là các phường của làng. Vài ngày sau, anh nói tôi tới lấy “vật chứng” với lời phàn nàn: Tức quá, sách mới ra đã có 2 người phàn nàn rằng chưa chính xác! Tài liệu anh đưa là bản sao Quyết định của UBND tỉnh về việc phê chuẩn số thôn, khu vực của các xã, thị trấn thuộc huyện Hương Trà từ tháng 8/2000; căn cứ để anh đưa thông tin vào.

Hình bóng quê nhà
Trầm tích gốm cổ sông Hương

Nhắc đến sông Hương – con sông thơ mộng được xếp vào hàng đẹp nhất Việt Nam chắc hẳn ai cũng biết vô vàn giai thoại tuyệt đẹp, nhưng ít ai biết rằng ẩn tàng dưới con sông ấy là hằng hà sa số hiện vật phản chiếu lịch sử của vùng đất. Và trong muôn vạn hiện vật ấy, đồ gốm vẫn chiếm chủ đạo do tính phổ quát, tính bền vững cùng thời gian.

Trầm tích gốm cổ sông Hương

TIN MỚI

Return to top