ClockThứ Bảy, 07/07/2018 09:19

Chuyện ở quê

TTH - Cô em trước đây thực tập ở cơ quan, từng rất gắn bó trong những ngày rong ruổi đường xa tác nghiệp, đi lấy chồng. Đám cưới sẽ diễn ra lúc 10 giờ sáng ở miền quê cách Huế tầm 160 cây số. Đúng dịp cuối tuần nên tôi cùng một cô bạn đồng nghiệp nữa “khăn gói” bắt xe khách lặn lội đến dự đám cưới, chúc mừng em trở thành cô dâu. Em chỉ dẫn chúng tôi dặn nhà xe cho xuống ở một ngã ba gắn liền với địa danh quen thuộc với các tài xế đường dài Bắc- Nam, rồi sẽ có người đến đón.

Mẹ & ngoạiQuê nhà

Xuất phát từ Huế lúc 5 rưỡi sáng, 8 giờ nhà xe “đổ” chúng tôi xuống ngã ba đó. Chúng tôi tranh thủ tạt vào quán bánh mỳ ven đường, gọi 2 ổ mỳ trứng và 1 trái dừa tươi, vừa giải quyết cơn đói, vừa “mua” chỗ ngồi tránh cái nắng nóng càng lúc càng oi bức. Nhận điện thoại người nhà em báo tầm mươi phút nữa sẽ có mặt, cũng là lúc ăn xong bữa sáng, chúng tôi trả tiền sẵn (một khoản khá “chát” đối với 2 ổ mỳ trứng và 1 trái dừa), để khi xe đến có thể đi ngay.

Thế nhưng trong lúc chúng tôi vẫn ngồi đợi, chủ quán rút phựt phích cắm chiếc quạt máy ra khỏi ổ điện. Trước ngơ ngác tột độ của khách, chị chủ “trả lời” bằng vẻ mặt lạnh tanh, kiểu như “ăn, uống xong, trả tiền rồi thì mời ra khỏi quán”. Chúng tôi ngao ngán… nhìn nhau. Tức giận, tôi bảo với đồng nghiệp: “Người gì đâu mà hành xử thật khó ưa. Thực sự tui chẳng muốn quay lại vùng đất này thêm một lần nào nữa”.

Khi đi từ Huế, ngại cảnh chen chúc trên xe khách nên chúng tôi mang theo đồ, định bụng đến nhà cô dâu rồi mới thay trang phục. Không ngờ lúc đó đã gần đến “giờ G” ai nấy đều đang xoay như chong chóng, khách khứa nhà trai nhà gái đông đúc “nhộn nhạo”. Chúng tôi tần ngần trước ngõ, chưa biết phải làm thế nào thì một chị hàng xóm cạnh nhà cô dâu chạy ra. Thấy chiếc ba lô sau lưng, còn chúng tôi vẫn trong trang phục đi đường, chị hỏi thăm: “Hai em từ xa tới dự đám cưới phải không. Hai em cần vệ sinh, thay đồ thì vào nhà chị, chứ giờ ni “bên nớ”đang rối lắm”. Chị nhiệt tình chỉ dẫn từng phòng, bật sẵn chiếc quạt treo trên tường phòng khách rồi nở nụ cười mộc mạc, bảo chúng tôi chuẩn bị mọi thứ xong cứ ở nhà chị cho mát, đến giờ thì ra hôn trường được bố trí trên chiếc sân rộng của xóm, chứ ra sớm ngồi chờ nóng lắm.

Lần này, chúng tôi cảm kích đến bối rối trước lòng tốt, lòng hiếu khách của người phụ nữ ấy. Nụ cười mộc mạc của chị, lời nói, tấm lòng, sự giúp đỡ chân tình của chị đối với những người chưa từng quen biết, như cơn gió mát lành, xua tan định kiến (khi gặp chủ hàng mỳ) trong đầu tôi. Không những vậy, trong lòng tôi dâng lên niềm thiện cảm với vùng quê này. Và nếu có dịp tôi rất muốn quay trở lại.

Tự dặn lòng, lần sau đừng vì một người chưa tốt hoặc một hành vi chưa đẹp, đừng vì sự tức giận nhất thời mà quy chụp hồ đồ… Bởi trong cuộc sống, dù ở đâu cũng có rất nhiều người tốt. Và những điều tốt đẹp bao giờ cũng có sức lan tỏa khiến cuộc sống đáng yêu hơn.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Liều thuốc bổ” của mạ

Dù một năm về quê rất nhiều lần, nhưng mỗi lần gói ghém đồ đạc để về nhà mẹ con tôi đều bồi hồi, nôn nao khó tả. Chẳng cần gọi như “hò đò” vào mỗi buổi sáng, mới hơn 5 giờ sáng, tôi đang cựa mình để xem giờ thì lanh lảnh bên tai giọng con trai tỉnh rót, chẳng có chút gì ngái ngủ của một đứa trẻ 5 tuổi khi thức dậy sớm. Mấy giờ rồi mẹ, sáng chưa, để con dậy đi về ngoại… Những câu hỏi cứ dồn dập, cùng với hành động bật dậy dứt khoát, đi thẳng vào nhà vệ sinh để đánh răng, rửa mặt của cu cậu càng khiến niềm vui, sự háo hức khi chuẩn bị về quê của tôi được nhân lên.

“Liều thuốc bổ” của mạ
Đất cằn tỏa tinh hương

Được ví là nơi "khô cằn sỏi đá", người dân vùng gò đồi Phong Sơn - Phong Xuân - Phong Mỹ ở phía tây huyện Phong Điền từng bán tín bán nghi khi một doanh nhân đem hàng chục tỷ đồng về quê xây nhà máy sản xuất tinh dầu dược liệu. Và giờ họ đã tin, đã vui khi đón làn "gió đồng ngát hương" của mùi dược liệu.

Đất cằn tỏa tinh hương

TIN MỚI

Return to top