ClockChủ Nhật, 24/06/2018 07:45

Quê nhà

TTH - Ngày bé ấy, cây mù u là bến đợi. Những con thuyền sau một ngày oằn mình lại về, ngủ lại bên gốc mù u. Neo đậu như bao nhiêu đời người đã neo đậu.

- Tao vừa ra đến quê. Mày đâu rồi. Về đi!- Giọng con bạn thời “chăn trâu” qua điện thoại gấp gáp, thúc giục…

Quê hiện ra, sau hơn tiếng đồng hồ dong xe từ phố. Quen thuộc với con sông thong thả trôi. Có lẽ sông khởi nguồn từ những rặng núi thâm u ấy. Những rặng núi sừng sững xa lắc mà bằng mắt thường, chỉ có thể thấy những khối hình chóp hắt bóng, trùng trùng điệp điệp.

- Ôi, mày đây sao. Mới đó mà đã môi thâm, mắt trầm- Con bạn ôm chầm lấy, vòng tay xiết nghe đau. 

Hai đứa chân trần, chạy ra sông như thưở bé. Không còn cảm giác mát lạnh của đất mềm nguyên khai khi đường làng đã được thảm bê tông. Và đường cũng như bé lại. Có lẽ bởi vòm tre không còn rậm rạp như xưa. Hay đơn giản chỉ vì ta đã lớn, như lời một bài hát: Lối cũ ta về, đường như nhỏ lại...

Sông  vẫn thế, điềm tĩnh, hào phóng cho đi, mặc mùa hạ rực cháy trên những bãi cỏ không còn xanh bởi sự cuồng nhiệt quá mức của nắng và gió. Cây mù u vẫn thế, tán lá sum suê, như thể cây đã chắt cái xanh thẳm của sông, cái vời vợi của trời. 

Ngày bé ấy, cây mù u là bến đợi. Những con thuyền sau một ngày oằn mình lại về, ngủ lại bên gốc mù u. Neo đậu như bao nhiêu đời người đã neo đậu.

Năm 1976, khi từ miền Bắc về quê, việc đầu tiên ba làm là đan một chiếc ghe, bằng những tấm tre già chẻ mỏng. Việc đan ghe phải nhờ những lão nông kỳ cựu bởi ba xa nhà sớm, chưa kịp được ông nội truyền cho bí quyết đan ghe mà trai làng ai cũng biết. Chiếc ghe ấy đã chở những ngày nắng. Chở những ngày mưa. Chở những chuyến lúa chạy lũ nặng trĩu. Và cả những mơ mộng thơ bé ....

Bây giờ, bến mù u thật vắng, không phải vì mùa gặt đã đi qua mà bởi những đứa con của làng đang mãi đến những bến bờ khác.

Trong cái im ắng của hoàng hôn buông tím, hai đứa bạn cũ ngày xưa nằm xoài trên cỏ. Nghe những búi cỏ cháy nắng nhoi nhói sau lưng. Nghe tiếng vỗ của sông va vào bờ ì oạp. Nghe tiếng gió xào xạc trên tán mù u. Và đàn trâu no cỏ như những qủa sim chín thủng thẳng về chuồng. 

Bạn bảo, bao nhiêu năm rồi, mỗi khi hè đến lại khao khát về. Để được nằm dài bên sông. Để  hít thở đến đau lồng ngực làn gió hào phóng của quê nhà. Làn gió có mùi thơm cỏ cháy. Có hơi nước mát lành. Và cả sự nồng nàn của ký ức.

Cũng như bạn, ngày bé ấy, tôi đã nằm xoài trên cỏ, dõi về đường chân trời xa xăm với những ước mơ cổ tích. Để khi đi xa, những cô lọ lem tóc chớm bạc ấy lại muốn chạy ù về quê nhà. Để được là mình với những ký ức trẻ trâu gần gụi.

TIỂU MUỘI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xa quê nhớ món Huế

Chúng tôi - những người xa quê, luôn lặng lẽ mang theo hương vị Huế đã khắc sâu tận tâm khảm, để mỗi ngày lại nấu cho gia đình những bữa cơm thân thương, nóng hổi, đậm nồng vị ẩm thực Cố đô.

Xa quê nhớ món Huế
Hình bóng quê nhà

Năm 2005, nhà báo Dương Phước Thu tặng tôi cuốn sách “Qua sông nhìn lại bến bờ” vừa ra mắt. Đây là tập bút ký tư liệu - nghiên cứu lịch sử, khảo lược quá trình hình thành xứ Thuận Hóa, tỉnh Thừa Thiên đến thành phố Huế ngày nay. Lướt qua phần viết về quê mình, tôi gọi điện cho anh, phản ứng vì xưa đến giờ, làng tôi chỉ là một, không có thôn La Chử Thượng, thôn La Chử Trung, thôn La Chử Đông, thôn La Chử Nam, thực chất Thượng, Trung, Đông, Nam là các phường của làng. Vài ngày sau, anh nói tôi tới lấy “vật chứng” với lời phàn nàn: Tức quá, sách mới ra đã có 2 người phàn nàn rằng chưa chính xác! Tài liệu anh đưa là bản sao Quyết định của UBND tỉnh về việc phê chuẩn số thôn, khu vực của các xã, thị trấn thuộc huyện Hương Trà từ tháng 8/2000; căn cứ để anh đưa thông tin vào.

Hình bóng quê nhà
Đem theo quê nhà

Một gốc bầu đã cho trái. Một giàn bí đao vừa ra hoa. Những cành cà chua trĩu quả. Đó là những hình ảnh trên facebook của bạn, với dòng tút mộc mạc “Đem theo quê nhà đến đây”.

Đem theo quê nhà
Vị cá biển quê

Bạn tôi quê ở xã biển Phú Diên (Phú Vang) kể rằng, người dân quê bạn truyền khẩu nhau về Tứ quý ngư của biển là: chim, thu, nhụ, đé vốn là 4 loại cá cực ngon, trữ lượng nhiều, giá trị kinh tế cao của vùng biển Thừa Thiên Huế.

Vị cá biển quê

TIN MỚI

Return to top