ClockThứ Sáu, 29/06/2018 14:41

Mẹ & ngoại

TTH - Còn nhớ một lần mẹ kể chuyện cậu Út bị bà ngoại mắng “bất hiếu” vì gọi “mẹ” là “bà”. Mẹ về thăm quê. Con cháu tập trung về nhà cậu Út làm tiệc sum họp.

Tôi bắt đầu gọi mẹ mình là ngoại ngay ngày đầu tiên bé con chào đời. Lúc đầu thì còn cả ngoại lẫn mẹ nhưng sau thì chỉ còn là ngoại thôi. Đến khi sinh đứa thứ hai, ngay trong danh bạ, bốn cái tên thân thuộc “cha yêu”, “mẹ yêu”, “bố chồng”, “mẹ chồng”, tôi chuyển thành mệ ngoại, ông ngoại, mệ nội, ông nội hết. Và tất nhiên, khi các cuộc gọi được kết nối, tôi cũng cứ thế mà “ngoại à”, “nội à” này nọ. Chẳng ai có phản ứng gì, cho đến một ngày...

"Hội bạn 54" - những người bạn là đồng nghiệp, hàng xóm của cha mẹ tôi cùng sinh năm 1954, tụ họp dịp cuối tuần. Đang vui vẻ chuyện một bà chuẩn bị đi giữ cháu nội tận miền Nam giúp con dâu hết cữ đi làm, rồi đến chuyện ông kia mừng vì cô con gái kén chọn sắp lấy chồng, thì giọng cha tôi đều đều: “Tui rứa là mất hai đứa con gái luôn rồi đó. Ngoài vợ chồng thằng út, còn nữa toàn cháu ngoại hết”. Ông bạn ngồi bên an ủi: “Chỉ là khi vợ chồng thằng con trai chưa có con thôi ông ơi. Có rồi thì mình chỉ còn là ông nội, ông ngoại của chúng nó”… Con trai tôi đã 10 tuổi. Đây cũng là lần đầu tiên tôi nghe cha bày tỏ nỗi niềm này.

Còn nhớ một lần mẹ kể chuyện cậu Út bị bà ngoại mắng “bất hiếu” vì gọi “mẹ” là “bà”. Mẹ về thăm quê. Con cháu tập trung về nhà cậu Út làm tiệc sum họp. Trong lúc chuẩn bị thức ăn, cậu cứ quen miệng gọi vợ là “mẹ ơi”, “mẹ ơi” khi cần việc này khi nhờ việc nọ. Bà ngoại ngồi lặng thinh ngoài hiên và đến bữa thì nhất định không ngồi vào mâm. Dỗ dành mãi, bà mới lên tiếng mắng át cậu Út: Tau quá tức cái thằng bất hiếu, già mà không khôn. Ở đâu có cái kiểu mẹ đẻ hắn ra, ngồi lù lù trước mặt thì hắn gọi là “bà”. Còn vợ mình thì cứ hở tí là “mẹ ơi”, “mẹ ơi”… Hóa ra, đó là lần mẹ gần xa bóng gió mà chúng tôi quá vô tâm để có thể nhận ra.

Tôi dần điều chỉnh cách xưng hô với cha mẹ. Bắt đầu từ việc thay đổi tên trong danh bạ điện thoại và ý thức gọi mẹ nhiều hơn trong những câu chuyện thường ngày. Một lần, cậu con trai 5 tuổi ngồi ghép lego trong khi tôi và mẹ nói chuyện, bỗng dưng nó quay lại hỏi: “Mẹ ơi, mẹ cũng có mẹ nữa à?”. Tôi ngớ người, chưa kịp phản ứng thì mẹ tôi xởi lởi: “Mẹ là mệ ngoại đó chi nữa, thằng ni hỏi lạ chưa”. Nó vẫn tỉnh bơ: “Con tưởng mẹ chỉ có mệ ngoại như con thôi chớ”. Tôi nhìn nhanh qua cha mẹ “chữa thẹn”, thấy cả ông và bà đều mỉm miệng cười. Khoảnh khắc ấy, bỗng nhận ra rằng dù ở trong bất cứ mối quan hệ nào, tình yêu thương nếu chỉ để trong lòng thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Và đối với những người đã có tuổi trong gia đình, sự quan tâm, tình yêu thương không những cần được cất thành lời mà quan trọng nữa là phải được thể hiện đúng ngôn ngữ.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mắm cà của ngoại

Mỗi lần trở về quê, tôi lại được chào đón bằng hương vị mắm cà thân quen của ngoại. Cái mùi nồng nặc ấy, khi mới ngửi qua, có thể khiến người ta chùn bước. Nhưng một khi đã thử, sẽ không bao giờ quên được. Mắm cà của ngoại không chỉ là một món ăn đơn giản, mà là một phần ký ức, một phần của tình cảm gia đình, một phần hồn quê hương mà tôi luôn mang theo trong tim.

Mắm cà của ngoại
Nhớ gác bếp của ngoại

Mỗi khi mùa đông gõ cửa, trong tâm trí tôi lại hiện về những kỷ niệm gắn liền với căn gác bếp nhỏ bé của ngoại, nơi đã từng là trái tim của ngôi nhà, lưu giữ biết bao ký ức ngọt ngào và thân thương.

Nhớ gác bếp của ngoại
Kể chuyện di sản Huế bằng hội họa

Hơn 12 năm cầm cọ, Nguyễn Đình Việt (SN 1989, Hà Tĩnh) đã đại diện nhóm họa sĩ trẻ Việt Nam tham gia Triển lãm nhóm tại KTG Gallery Hamburg, Đức (năm 2015) và Triển lãm nhóm @Art NewGen tại TP. Songkhla, Thái Lan (năm 2021) để lại nhiều dấu ấn nghệ thuật trong lòng bạn bè quốc tế và các nhà sưu tập.

Kể chuyện di sản Huế bằng hội họa
Kể chuyện về dệt limar tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á

Tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á, Đại học Malaya ở Kuala Lumpur (Malaysia), triển lãm “Truyền thống dệt limar bị lãng quên” đang mang đến cho những người đam mê dệt may và du khách cơ hội để khám phá những câu chuyện lịch sử hình thành nên loại vải có tuổi đời hàng thế kỷ này.

Kể chuyện về dệt limar tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á

TIN MỚI

Return to top