Năm 2005 (Ất Dậu), phòng tranh con giáp tại Gallery Sông Như (nhà riêng của họa sĩ Đặng Mậu Tựu ở 14 kiệt 7 Nguyễn Công Trứ, quận Thuận Hóa, TP. Huế) lần đầu tiên ra mắt công chúng với chủ đề “Con cà con kê”. Trùng hợp là, con gà cũng là con giáp được họa sĩ Đặng Mậu Tựu yêu thích nhất sau mấy mươi năm vẽ tranh con giáp. Ông cho rằng, loài gia cầm gần gũi với con người này có dáng vẻ đẹp, lại dễ tạo hình. Hơn nữa, đặc tính con gà cũng khiến ông yêu thích. Mỗi sáng, nó đánh thức mọi người dậy như một người lao động cần mẫn mà không đòi hỏi con người phải báo đáp, chăm sóc.
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu chia sẻ: “Trong 12 con giáp, gà là con vật thân thuộc, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người Việt nên nó ảnh hưởng đến đời sống tâm linh và văn hóa nghệ thuật. Gà là loài vật hiền lành, dễ thương. Hình ảnh con gà biểu tượng cho sự cần cù, siêng năng, chở che ấm áp và cũng là một trong số những biểu tượng đem lại nhiều điều may mắn, tốt lành”.
Trong tranh của Đặng Mậu Tựu, con gà được ông thể hiện sinh động qua dáng vẻ oai vệ, uy nghi, màu sắc sặc sỡ, mang đến cho người xem cảm nhận tươi tắn, ấm áp và tràn đầy hy vọng. Hình tượng con vật đáng yêu này còn biểu tượng cho sự đầm ấm, sum vầy, hạnh phúc qua hình ảnh gà mẹ xòe cánh ấp ủ đàn con, hình ảnh đàn gà trống – mái – gà con tượng trưng cho gia đình đầm ấm. Đó còn là tình yêu đôi lứa sâu sắc với cặp gà tình nhân tồn tại vững bền cùng trời đất.
Trong tác phẩm “Gà đậu nóc dinh”, họa sĩ thể hiện con gà trống đậu trên nóc nhà toát lên phong thái uy dũng, đĩnh đạc trong bộ lông sặc sỡ nhiều màu, khiến người xem liên tưởng đến 5 đức tính mà một đấng quân tử cần phải có: Văn - Võ - Dũng - Nhân - Tín. “Sống trong trời đất” của Đặng Mậu Tựu lại đề cập đến quy luật của vũ trụ. Hình ảnh 12 chú gà con là 12 tháng quay quanh mặt trăng, mặt trời; đôi gà trống - mái ở thế song lập tượng trưng cho âm - dương trong sự vận chuyển của ngũ hành, tạo nên sự sống.
|
|
Hơn 30 năm qua, mỗi khi Tết đến xuân về, họa sĩ Đặng Mậu Tựu lại dành thời gian vẽ tranh con giáp. Với ông, đây là thú chơi tao nhã, vừa gửi gắm ước muốn về một năm mới bình an, sung túc, đầm ấm, no đủ, vừa là món quà tinh thần gửi đến công chúng trước thềm năm mới. Năm nay, để nghênh đón tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, họa sĩ Đặng Mậu Tựu hào hứng bắt tay vẽ tranh con giáp từ tháng 11 Âm lịch. Hơn 20 bức tranh thể hiện con rắn với nhiều dáng vẻ khác nhau được ông lấy cảm hứng từ tính cách, những sự tích dân gian về con vật này.
Với hình tượng con rắn mềm dẻo, uyển chuyển, họa sĩ Đặng Mậu Tựu thể hiện những câu chuyện từ cổ chí kim, như sự tích Adam và Eva sinh ra loài người; luật nhân quả qua hình ảnh ngâm rượu rắn; tính cách của con giáp qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông; tượng trưng cho ngũ hành… Xem tranh rắn của Đặng Mậu Tựu, người xem dễ dàng nhận ra bóng dáng người phụ nữ trong mỗi tác phẩm, có khi mang khuôn mặt và những đường nét trên cơ thể. Đó dường như là khởi nguồn cho cảm hứng của ông về con vật có vẻ đáng sợ ở ngoài đời và “khó trị” trong hội họa.
|
|
Hằng năm, cứ đến ngày tiễn ông Táo 23 tháng Chạp, những người yêu nghệ thuật Cố đô lại đến phòng tranh con giáp tại Gallery Sông Như để thưởng thức những nét vẽ tài hoa, ngộ nghĩnh về tranh con giáp. Mỗi năm một cái tên dí dỏm, họa sĩ Đặng Mậu Tựu đặt tên cho phòng tranh bằng cách chơi chữ ý vị về con vật gắn liền với vấn đề thời sự. Con gà thì “Con cà con kê”, “Năm Đinh Dậu đậu nóc dinh”; con heo là “Con hèo, con hẻo, con heo”; con chuột thì “Thử tý chuột”; con trâu “Con tru ra ràng”, con chó là “Cây còn con cầy”; con rắn thì “Sông như rắn”, “Rắn lục lộ, chộ mà đi”…
Chuyện họa sĩ Đặng Mậu Tựu đặt tên phòng tranh con giáp cũng có nhiều điều thú vị, độc đáo. Với tính cách vui vẻ, hóm hỉnh, ông linh hoạt trong cách chơi chữ, thể hiện tính dân gian của con vật và mang hàm ý sâu sắc. Năm 2008 Mậu Tý là năm tỉnh Thừa Thiên Huế đưa máy tính vào trường học, năm ấy, ông đặt phòng tranh là “Thử tý chuột”. Ngoài cách chơi chữ để chỉ năm con chuột còn hàm ý là năm học sinh bắt đầu làm quen với chuột máy tính. Năm nay, ông đặt tên phòng tranh là “Rắn lục lộ, chộ mà đi” như một cách nhắc khéo mọi người vấn đề thời sự hiện nay với những quy định mới khi tham gia giao thông.
|
|
Theo họa sĩ Đặng Mậu Tựu, vẽ tranh con giáp không khó, cốt yếu người vẽ tìm ý tưởng để thể hiện hình ảnh con giáp vừa đẹp về hình thức vừa thể hiện đặc tính con vật. Qua đó, chuyển tải những thông điệp, mong ước để người xem có thể tìm thấy sự đồng cảm, những ý tưởng mới, thú vị về con giáp. Để tìm cảm hứng vẽ tranh con giáp, họa sĩ Đặng Mậu Tựu thường tìm hiểu đặc tính con vật, ý nghĩa của mỗi con giáp trong đời sống văn hóa dân gian, qua các điển tích và điển cố. Ông cũng thể hiện tính triết lý Á Đông, những hàm ý về đời sống nhân sinh trong tác phẩm.
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu thường nhân cách hóa con vật. Khi vẽ, ông không nghĩ nó là con vật mà là nhân vật trong tác phẩm, lồng ghép trong hình ảnh, tình cảm của con người qua câu chuyện về gia đình và tình yêu. Ông vẽ rắn nhưng không còn là rắn, vẽ rồng mà không còn là rồng. Trong tranh, con vật trở nên có tính người, hiện diện trong cuộc đời và làm chủ thời gian 365 ngày. “Tôi nghĩ và cảm xúc về con vật như thế nào thì vẽ thế ấy. Quan trọng là phải tìm được cái tứ từ tính cách của con vật, gửi gắm những thông điệp, suy nghĩ trong tính cách ấy. Khi thể hiện con vật, tranh của tôi bao giờ cũng có tính nữ trong đó, điều này khiến tác phẩm trở nên ngộ nghĩnh, dí dỏm”, họa sĩ nói.
|
|
Bằng phong cách tả thực, trừu tượng kết hợp với những nét cách điệu, biến hóa sinh động, ngoài cái đẹp của thị giác, hình tượng con giáp hiện lên trong tranh họa sĩ Đặng Mậu Tựu bằng dáng vẻ mạnh mẽ, sinh động, thể hiện ước vọng về một năm mới may mắn, sung túc. Con vật đi từ truyền thống, dân gian đến hiện đại; con vật với dáng vẻ suy tư, lãng mạn, gần gũi; con vật cũng đi du xuân, nhận lì xì…
Với chủ đề quen thuộc “Sống cùng trời đất” khi vẽ về con giáp, hình tượng linh vật năm nào cũng được ông thể hiện để tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, hài hòa âm dương hay sự mạnh mẽ, cương trực. Không chỉ tạo hiệu ứng về màu sắc tươi sáng, rực rỡ, ông còn truyền cho người xem cảm xúc về một năm mới tràn đầy yêu thương khi thể hiện hình ảnh sum họp đầm ấm của con giáp, gửi đến người xem thông điệp sâu sắc về ý nghĩa của sự gắn kết yêu thương gia đình, sum vầy trong ngày Tết.
Ngoài gửi gắm những ước mong về hạnh phúc, họa sĩ Đặng Mậu Tựu còn đưa vào tranh những vấn đề nóng bỏng của xã hội. Vào năm con mèo, trong bức tranh “Chưa thể rảnh rang”, ông đề cập đến cuộc chiến chống tham nhũng một cách hài hước qua hình ảnh con mèo cầm ống nhòm, kính chiếu yêu và gươm, phía sau là lò đốt. Bằng những sáng tạo độc đáo, mới lạ, các tác phẩm của ông luôn đem lại nụ cười hóm hỉnh và ấn tượng bất ngờ cho người xem.
Sau mấy mươi năm vẽ tranh con giáp, hình tượng con giáp trong tranh Đặng Mậu Tựu không năm nào giống năm nào dù vòng quay con giáp cứ thế lặp lại. Ông nói: “Dù vòng quay lặp lại nhưng tôi không bao giờ chán. Với tôi, con rắn năm nay khác với con rắn 12 năm trước. Bởi, khi còn trẻ, tôi vẽ bằng nét vẽ tươi mới, yêu đời của chàng thanh niên. Đến tuổi trung niên là sự chín chắn và khi về già là sự chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời”.
|
|
Ý tưởng tổ chức phòng tranh mùa xuân với chủ đề theo từng con giáp, mỗi năm một linh vật đại diện đã được họa sĩ Đặng Mậu Tựu đưa ra hơn 25 năm qua. Lúc đó, ông là thành viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Huế, trực tiếp tổ chức các hoạt động cho hội viên. Gần Tết, ông kêu gọi các họa sĩ cùng tham gia vẽ về con giáp của năm mới, làm điểm nhấn mừng xuân. Họa sĩ Đặng Mậu Tựu nhớ lại: “Tôi vẽ tranh con giáp từ khi học Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế. Sau ngày đất nước giải phóng, mỗi năm Tết đến, tôi đều vẽ tranh cho trẻ con tại Nhà Thiếu nhi Huế. Sau khi chuyển công tác sang Phòng Văn hóa Huế, tôi kêu gọi anh em nghệ sĩ vẽ tranh Tết và trưng bày ở số 4 Hoàng Hoa Thám. Năm 2000, phòng tranh con giáp lần đầu tiên được tổ chức tại 26 Lê Lợi”.
Từ nhiệt tình của họa sĩ Đặng Mậu Tựu, phong trào vẽ tranh con giáp lan tỏa trong giới mỹ thuật Huế, thu hút sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, kể cả họa sĩ trẻ, họa sĩ nhí. Khi số tác giả tham gia triển lãm trong dịp Tết khá nhiều nhưng phòng tranh mùa xuân và con giáp của Hội Mỹ thuật không đủ để treo tranh, Gallery Sông Như trở thành địa chỉ trưng bày tranh con giáp của những người yêu thích từ năm 2005. Và, ngày 23 tháng Chạp hằng năm trở thành dịp hội ngộ tổng kết năm cũ, đón năm mới của nghệ sĩ.
“Năm con gì thì vẽ con đó, với tôi, vẽ tranh con giáp trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp xuân về, không vẽ sẽ thấy thiếu. Đến giờ, tôi cũng không thể nhớ mình đã vẽ bao nhiêu bức tranh về con giáp. Năm nào tôi cũng vẽ hơn chục bức tranh con giáp từ sớm. Nếu có nhiều họa sĩ tham gia, tôi cất bớt tranh của mình, dành chỗ để treo tranh của mọi người. Nếu ít người tham gia thì vẫn có phòng tranh con giáp giới thiệu đến công chúng”, họa sĩ Đặng Mậu Tựu tâm sự.
Từ năm 2005 đến nay, năm nào Gallery Sông Như cũng tổ chức triển lãm tranh con giáp đều đặn, chưa bao giờ gián đoạn. Đó là cách họa sĩ Đặng Mậu Tựu gửi niềm vui, lời chúc đến mọi người trong dịp năm mới. Còn nhớ, cách đây 12 năm, đúng vào năm Quý Tỵ, không có họa sĩ nào tham gia vẽ rắn, bởi tạo hình của nó khó để có tranh đẹp. Một mình họa sĩ Đặng Mậu Tựu vẫn tìm thấy cái hay về loài rắn để trình làng chùm tranh rắn đa sắc màu từ tích vụ án Lệ Chi Viên trong lịch sử, nỗi buồn Adam khi trở lại Eden đến hình ảnh con rắn tu để được hóa thân thành người hay chuyện cười dân gian “Con rắn vuông”... Không chỉ dám “đương đầu vượt khó” vẽ tranh rắn, ông còn tạo nên những bức tranh độc đáo dưới mắt nhìn hội họa của riêng ông.
|
|
Họa sĩ bộc bạch: “Với tôi, vẽ tranh con giáp là một thú chơi thú vị khi Tết đến xuân về, cũng như những người khác thích chơi mai, đào. Nghề của tôi là vẽ và tranh con giáp cũng là cách tôi tư duy, thể hiện ý tưởng, mong ước về năm mới. Chưa đến Tết, nhiều người đã hỏi tôi năm nay có làm phòng tranh không? Sự mong chờ của mọi người cũng là điều khiến tôi thấy vui. Tôi tâm niệm, sẽ luôn duy trì phòng tranh con giáp khi còn khỏe. Khi nào không làm được nữa thì thế hệ sau sẽ tiếp nối”.
Dù chỉ là thú chơi nhưng tranh con giáp cũng tạo nên dấu ấn riêng của họa sĩ. Và, khi nhắc tới tranh con giáp ở Huế là nhắc đến họa sĩ Đặng Mậu Tựu. Mỗi năm, ông cùng nhiều họa sĩ khác, mỗi người một phong cách, cách nghĩ, cách cảm về hình tượng linh vật, mang đến cho người xem phòng tranh đa sắc màu, sống động và không kém phần ngộ nghĩnh. Sức cuốn hút của mỗi bức tranh không chỉ bởi chân dung con giáp được mô tả sinh động với đủ tư thế, màu sắc, mà còn rất cá tính, gần gũi với đời sống và mang hơi thở của mùa xuân. Từ đó, người thưởng lãm có thể hiểu rõ hơn về hình tượng con giáp trong văn hóa của người Việt, tìm thấy nhiều chi tiết đắc ý để ngẫm nghĩ, ước mong một năm mới mưa thuận gió hòa, ấm no hạnh phúc, tài khí dồi dào như biểu trưng của linh vật.