ClockThứ Tư, 02/03/2022 07:39

Không thể “trăm dâu đổ đầu tằm”

Cuối cùng thì sau một phiên họp trực tuyến vào cuối tuần qua, ngân hàng và các nhà mạng đã cùng nhau thống nhất sẽ thu phí trọn gói dịch vụ SMS banking. Thời gian thực hiện việc này được xác định cụ thể trước cuối tháng 4 tới, dù mức phí thu sẽ như thế nào cũng chưa có con số xác thực, ngoại trừ một giải pháp đến từ Viettel, với mức giá tính trọn gọn được đề nghị từ 10.000 đến 11.000 đồng/1 khách hàng/1 tháng sử dụng dịch vụ SMS của ngân hàng, đồng thời không giới hạn số lượng SMS trong tháng.

Một điều có thể chắc chắn là mức thu phí dịch vụ SMS banking sẽ không thể chạm lại ngưỡng của nó, bắt đầu từ tháng 1. Và đó là một mức phí cao gấp 3 lần so với SMS thông thường. Vietcombank chẳng hạn – đã làm nhiều khách hàng dội ngược – khi phí SMS được báo về trong tháng tăng gấp mấy lần do chính sách thay đổi. Theo đó, thay vì 11.000 đồng/tháng, phí SMS sẽ tăng dần theo số lượng tin nhắn trong tháng và tịnh tiến từ 27.500 đồng (cho từ 20 đến dưới 50 SMS); từ 55.000 đồng (cho từ 50 đến dưới 100 SMS) và cao nhất, sẽ là 77.000 đồng/tháng cho 100 SMS qua tài khoản trở lên. Tương tự, mức phí của BIDV cũng tăng dần từ 9.900 đồng (cho dưới 15 SMS), 33.000 đồng (từ 16 đến 50 SMS), 60.500 đồng (từ SMS thứ 51 đến 100) và 77.000 đồng (từ 100 SMS).

Mặc dù đã được thông báo trước thông qua tin nhắn (mà có thể nhiều người không để ý), nhưng việc tăng phí dịch vụ SMS banking đã làm cho đa phần khách hàng ở các ngân hàng phản ứng. Đã không ít người vẫn dùng dịch vụ SMS banking để tiện theo dõi biến động vì lý do công việc. Nhiều người vì thói quen, nhưng có một số lượng đông đảo khác đã chọn hủy dịch vụ nhận SMS banking, chuyển sang nhận tin nhắn qua App ngân hàng như một giải pháp thay thế…

Diễn biến từ phía khách hàng trong một thời gian ngắn đã buộc các ngân hàng và các nhà mạng phải ngồi lại với nhau. Xét trong cái nhìn tổng thể, việc tăng mức phí dịch vụ SMS banking cao gấp 2-3 lần dịch vụ SMS thông thường vừa qua như là một cách các nhà băng đối phó với nhà mạng. Có ngân hàng đã phải chi hàng trăm tỷ đồng trong năm 2021 ở dịch vụ thông báo biến động số dư cho khách hàng. Phải đầu tư trang thiết bị và công nghệ, đầu tư nguồn lực lớn để tăng tốc độ, tăng tính bảo mật là phản hồi từ phía các nhà mạng. Nhưng cho dù có vòng vo như thế nào đi chăng nữa, điểm mấu chốt ở đây là cuối cùng được dồn về phía khách hàng theo kiểu “trăm dâu đổ đầu tằm”. Và đó là điều rất khó chấp nhận.

Chúng tôi nói điều này là vì, việc thống nhất sẽ thu phí trọn gói dịch vụ SMS banking thông qua ngân hàng và các nhà mạng không phải là không sắp xếp được. Có thể bên cạnh sự đối phó, đây cũng là cách tạo áp lực thông qua khách hàng từ phía các ngân hàng để giảm chi. Nhưng nhẽ ra, những điều này cần được hai nhà này soát xét, đàm phán, trao đổi cụ thể để đi đến giải pháp chung. Dẫu sao thì khách hàng mới là đối tác lớn nhất ở cả hai phía.

Nguyễn An Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dịch vụ dọn nhà đón Tết hút khách

Càng gần tết, nhu cầu về dịch vụ vệ sinh nhà cửa càng tăng. Các công ty có dịch vụ vệ sinh nhà cửa đang tất bật tăng tốc để đáp ứng nhu cầu.

Dịch vụ dọn nhà đón Tết hút khách
Đa dạng dịch vụ, lợi ích nhân đôi

Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) ở TX. Hương Thủy đang thích ứng khá nhanh trước yêu cầu kinh tế thị trường ngày càng có nhiều biến động.

Đa dạng dịch vụ, lợi ích nhân đôi

TIN MỚI

Return to top