ClockThứ Bảy, 10/02/2024 07:51

Sức trẻ ở làng Rồng

TTH - Ở tuổi 86, khắc vào ký ức của lão ngư Lê Văn Tẩy là những lần Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ Hà Nội, đều đặn về thăm người dân làng Rồng, tận tay trao cho bà con từng phần quà tết. Với cụ Tẩy và 64 hộ dân nơi đây, tấm lòng nặng trĩu ân tình ấy là nguồn động viên lớn lao để sự hồi sinh đã bền bỉ đâm chồi, nảy lộc trên mảnh đất nơi đầu sóng ấy...

Làng Rồng thương nhớ khôn nguôiTừ Hòa Duân đến làng RồngHòa Duân hồi sinh

 Sức sống mới ở ngôi làng trẻ nơi đầu sóng. Ảnh: Phan Thắng
 

Chúng tôi trở lại làng Rồng khi 65 hộ dân nơi đây vừa đi qua mùa lũ thứ 24, sau biến cố vỡ đập Hòa Duân trong cơn đại hồng thủy năm 1999. Đón chúng tôi, vẫn chiếc cổng bình dị dẫn vào khu tái định cư làng Rồng. Chỉ khác, từ thôn An Hải thuộc thị trấn Thuận An, nay làng Rồng đã trở thành tổ dân phố (TDP) An Hải, khi năm 2021, Thuận An được sáp nhập vào thành phố Huế và lên phường. 

Nói về sự trở mình ấy, ông Hoàng Văn Toàn - Trưởng Ban công tác mặt trận TDP An Hải đưa chúng tôi tham quan một vòng làng Rồng. Những tuyến đường bàn cờ bằng đất năm nào đã được bê tông hóa, hiền hòa nép mình dưới bóng cây xanh. “Từ 64 căn nhà cấp 4 tái định cư từ năm 2000, bây giờ, hầu hết người dân làng Rồng đã có nhà mới khang trang, nhiều hộ có nhà cao tầng”, ông Toàn vui mừng.   

Một trong những chủ nhân của những ngôi nhà cao tầng ấy là gia đình bà Trịnh Thị Điểm - người mẹ may mắn thoát nạn trong sự cố vỡ đập Hòa Duân cách đây 24 năm, khi đang mang thai đứa con trai đầu lòng 5 tháng.

Kể chuyện hôm nay, niềm vui ánh lên trong đôi mắt anh Lê Văn Cốm như xóa nhòa hết những ưu tư. Anh khoe với chúng tôi bức hình gia đình với hai con trai đã lớn, đều đã có công ăn việc làm. Một người lái xe tải đường dài ra Hà Nội, một người làm thợ sơn. “Công việc vất vả, lại xa nhà nhưng các con biết chịu thương chịu khó, biết dành dụm, chắt chiu. Tiền xây ngôi nhà này là các con dành dụm, phụ ba mẹ”, anh Cốm chia sẻ.

Ngày mới với chuyến biển của ngư dân làng Rồng. Ảnh: Phan Thắng 

Trong ngôi nhà bề thế, bó hoa hồng các con tặng nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam được chị Điểm cất ở chỗ trang trọng. Vạm vỡ, cao lớn, những chàng trai có trái tim ấm áp ấy là thế hệ đầu tiên của làng Rồng sau đại lũ, đã khôn lớn, trưởng thành.

Niềm vui càng thêm đong đầy khi chúng tôi ghé thăm gia đình anh Trần Văn Thu - người mà 24 năm trước trở thành chứng nhân sống về sự tàn khốc của thiên tai khi cơn đại lũ cướp đi sinh mạng của 12 con người trong một gia đình.

Trong căn nhà nhỏ tinh tươm, anh Thu đang lúi húi nhóm bếp chuẩn bị cho cử bánh lọc chiều. Trước hiên nhà, vợ anh và các con đang chăm chút gói bánh. Sau mất mát, lập lại gia đình khi đã ở tuổi 40, hạnh phúc muộn màng đã ban tặng cho vợ chồng anh Thu ba người con, hai gái, một trai, đều đang ở độ tuổi đôi mươi.

Nói về cuộc sống hiện tại, anh Thu bộc bạch, mấy năm trước, các con đều vào Nam làm nghề may công nghiệp, anh còn sức đi biển nên kinh tế khá ổn. Hai năm nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19, mất việc nên các con anh đều trở lại quê nhà. Về làng, cả nhà anh Thu sống bằng nghề làm bánh lọc vốn là nghề truyền thống đã bao đời cưu mang, đùm bọc người dân miệt biển Thuận An. “Nghề này chỉ lấy công làm lãi nhưng hễ còn sức khỏe, còn đôi tay, còn đôi mắt thì không ở đâu bằng trở về quê nhà”, anh Thu thật lòng.

 Từ hai bàn tay trắng, người dân làng Rồng đã dựng xây nên những ngôi nhà khang trang. Ảnh: Phan Thành

Về công việc của người dân làng Rồng hôm nay, ông Toàn cho hay, cả làng hiện có trên 200 nhân khẩu. Gần một nửa các hộ dân vẫn theo nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Số còn lại sinh sống bằng nghề làm bánh lọc, bánh ép và làm hương trầm. Một số ít chuyển kinh doanh, buôn bán nhỏ và làm dịch vụ. “Đến nay, làng có hàng chục em đỗ đại học, cao đẳng. Có em đã ra trường. Mong muốn lớn nhất của dân làng là làm sao lao động trẻ có việc làm ngay tại địa phương, để các em không phải tha hương”, ông Toàn trải lòng.

Sinh năm 1996, Quỳnh Nhi thuộc thế hệ trẻ của làng Rồng. Khi cơn lũ năm 1999 tràn qua, chị vừa tròn 4 tuổi. Giữa khu phố san sát ở làng Rồng hôm nay, căn nhà nhỏ của gia đình chị nổi bật với xưởng may rộn ràng tiếng máy. Bảy người thợ trẻ đang tranh thủ hoàn thành đơn hàng cuối năm.

Như nhiều người trẻ của làng Rồng, mấy năm trước, cả 3 chị em Nhi đều vào Sài Gòn may gia công. Gần 3 năm nay, Nhi đưa các em về làng, vay vốn trả góp để sắm máy, mở xưởng, nhận hàng gia công từ miền Nam, tạo công ăn việc làm cho mình, cho các em và chừng 4 lao động. 

“Đi xa khổ lắm. Tốn tiền thuê nhà, chi phí đắt đỏ. Được về nhà như này thật đầm ấm, bình an. Không đâu hạnh phúc hơn được trở về quê nhà, sướng khổ có nhau”. Nhi bộc bạch, với nụ cười tự tin bừng sáng trên gương mặt ửng hồng.

Kể về sự hồi sinh của làng Rồng hôm nay, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận An, ông Huỳnh Văn Thông cho hay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đến nay, làng Rồng đã có điện, đường, trường, trạm đồng bộ, khang trang. Đời sống người dân ngày càng ổn định. Cả làng chỉ còn một hộ nghèo. Việc học của con em được người dân quan tâm.

“Trong định hướng phát triển, du lịch, kinh tế biển là tiềm năng quan trọng của phường Thuận An. Các công trình giao thông lớn như đường ven biển Thuận An đang được xây dựng với kinh phí lớn sẽ mở cơ hội phát triển, giao thương cho vùng đất. Sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức nhiều hơn các hoạt động tư vấn, đào tạo, tìm kiếm việc làm cho con em Thuận An và làng Rồng nói riêng. Làm sao để lớp trẻ gắn bó lâu dài với quê hương, ổn định cuộc sống”, ông Thông chia sẻ.

Năm 1999, Huế là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận lũ lịch sử. Sự cố vỡ đập Hòa Duân xóa sổ làng Hải Thành với 64 ngôi nhà. Tháng 12/1999, Bộ Quốc phòng đã khởi công xây dựng làng tái định cư cho 64 gia đình, lấy tên làng Rồng do chính Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt. Tên gọi cho một ngôi làng, cũng là sự gửi gắm ước mơ về sự gượng dậy, vươn lên của bà con. 

Rời làng Rồng trong một chiều đông ửng nắng, chúng tôi mang theo tiếng con trẻ ê a trong lớp học mẫu giáo, như hòa vào tiếng sóng vọng về từ biển. Đập Hòa Duân tan hoang sau trận lũ kinh hoàng 24 năm trước, nay đã được thảm nhựa phẳng lỳ và rợp bóng cây xanh. Khu vực làng Hải Thành tan hoang sau lũ dữ nay đã trở thành bãi biển du lịch...

Nguyện ước về sự hồi sinh, vươn lên của làng Rồng cách đây 24 năm đã thành hiện thực. Như những rặng phi lao kiên cường bám trụ trên cát, ý chí vươn lên của người dân nơi chân sóng ấy lại được di truyền, tiếp nối. Một thế hệ trẻ sẽ viết tiếp những trang sử mới cho làng Rồng...

Kim Oanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi thay cuộc sống người Mường ở Khe Su

Nằm nép mình dưới chân dãy Bạch Mã hùng vĩ, thôn Khe Su, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, là nơi cư trú của một cộng đồng nhỏ người Mường. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm từ các cấp chính quyền, người dân nơi đây đã vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.

Đổi thay cuộc sống người Mường ở Khe Su
Giảm nghèo ở vùng lõi

Xã Bình Tiến được xem là vùng “lõi nghèo” của TX. Hương Trà. Do vậy, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể địa phương không ngừng huy động nhiều nguồn lực để cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng nguồn thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Giảm nghèo ở vùng lõi
Tận tâm với công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Với vai trò là Tổ trưởng Tổ an ninh thôn, luôn tận tâm, nhiệt huyết với công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở, anh Đoàn Văn Rinh - chàng trai 9X người Tà Ôi ở vùng cao A Lưới vinh dự được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tận tâm với công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
Rác thải tràn lan ở các khu dân cư

TP. Huế ngày càng xanh - sạch - sáng trên từng xóm phố, nẻo đường. Tuy nhiên, hiện nay tại một số khu quy hoạch (KQH), khu dân cư (KDC) mới vẫn còn tình trạng rác thải sinh hoạt tràn lan, làm ảnh hưởng đến môi trường và mất mỹ quan đô thị.

Rác thải tràn lan ở các khu dân cư

TIN MỚI

Return to top