ClockThứ Ba, 21/06/2022 07:15

Khi người dân “tác nghiệp báo chí”

TTH - Thời buổi công nghệ số phát triển như hiện nay, mỗi người dân chính là một “nhà báo”. Chỉ cần một chiếc điện thoại, thiết bị điện tử thông minh trong tay, tất cả các vấn đề nổi lên của đời sống xã hội diễn ra trên địa bàn tỉnh đều được người dân ghi lại. Nhiều thông tin cụ thể, thiết thực và chính xác mà người dân mang lại đã giúp cho đời sống thông tin báo chí trở nên sôi động hơn.

Thông qua Hue-S, xử phạt hai đối tượng rải vàng mã trái phép xuống sôngHue-S, đa dịch vụ trên một ứng dụng

Các vấn đề bức xúc, tồn tại xã hội đã bộc lộ ngày càng nhiều thông qua sự tham gia phản ánh của người dân đến Hue-S

Đa dạng thông tin

Mới đây, vụ cháy lớn xảy ra tại Công ty Scavi Huế tuy không đe dọa tính mạng con người, nhưng gây thiệt hại lớn về tài sản. Sự việc xảy ra lúc rạng sáng, trong lúc các nhà báo công tác tại các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trên địa bàn tỉnh chưa tiếp cận nguồn thông tin, chỉ sau ít phút hiện trường vụ cháy xảy ra, với cột khói bốc cao nghi ngút hàng chục mét đã được người dân quay clip, đăng tải hình ảnh trên mạng xã hội (MXH) cá nhân.

Thông tin về vụ cháy lan tỏa, tràn ngập trên MXH đã giúp cho các nhà báo có thêm nguồn tin, làm cơ sở để phối hợp với chính quyền địa phương, ngành chức năng kiểm chứng, củng cố nguồn tin, đăng tải kịp thời về diễn biến vụ cháy và sự nỗ lực vào cuộc của lực lượng chức năng trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, khắc phục hậu quả vụ cháy trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo một diễn biến khác, trung tuần tháng 5/2022, hai trường hợp cố tình rải vàng mã xuống dòng sông Hương đã không qua mắt được người dân. Những hành vi phản cảm, bị nghiêm cấm của 2 trường hợp này đã được người dân dùng máy điện thoại thông minh ghi lại.

Ngay sau đó, họ phản ánh sự việc lên Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC). Thông qua phản ánh tại ứng dụng Hue-S, Trung tâm IOC đã thông báo lỗi vi phạm đến cơ quan chức năng xử phạt 2 đối tượng rải vàng mã trái phép này.

“Các vấn đề bức xúc, tồn tại xã hội đã bộc lộ ngày càng nhiều thông qua sự tham gia phản ánh của người dân. Đến nay, Hue-S đã tiếp nhận xử lý trên 58.000 phản ánh, với 226 đơn vị tham gia hệ thống xử lý phản ánh hiện trường, bao gồm: 193 cơ quan Nhà nước và 33 tổ chức, doanh nghiệp”, Giám đốc Trung tâm IOC Bùi Hoàng Minh khẳng định.

Hãy có trách nhiệm để cùng xây dựng một xã hội tốt đẹp

Thực tế cho thấy, những ý kiến phản ánh, đóng góp của người dân chính là một trong những kênh thông tin để nhà báo thẩm định, lựa chọn đề tài, cho ra đời nhiều bài báo có tiếng vang và hiệu ứng nhất định trong xã hội. Thông tin, hình ảnh trên các MXH không còn đơn thuần là để sẻ chia với nhau, mà rất nhiều trong số ấy chính là thông tin báo chí.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, việc mọi người dân có thể dễ dàng đưa lên MXH ngay lập tức một thông tin nào đó mà không cần phải biên tập, không cần kiểm chứng, dẫn đến sai lệnh, thậm chí là bịa đặt, dựng chuyện, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của người dân, doanh nghiệp, xã hội hay đôi khi có cả sự kích động, chống phá Nhà nước là điều không nên. 

Còn nhớ, trước thông tin thất thiệt trên MXH lan truyền về việc, chính quyền Thừa Thiên Huế “bán” 200ha đất trên đỉnh đèo Hải Vân cho người nước ngoài. Đây là thông tin sai sự thật khiến dư luận nhầm lẫn dự án đang tồn tại. Thế nhưng, khi xác minh thông tin, UBND tỉnh khẳng định, mọi vấn đề liên quan đến dự án trên được giải quyết dứt điểm từ năm 2016. Những người cố tình tung tin xuyên tạc dự án trên rõ ràng là có dụng ý xấu…

Rõ ràng, vẫn còn tình trạng, người dân đăng tải những thông tin không chính xác, bịa đặt lên MXH nhằm câu view, câu like để trục lợi bất chính hoặc vì mục đích cá nhân. Một tài khoản Facebook THỪA THIÊN HUẾ đã đăng thông tin các ca lây nhiễm COVID-19 không có địa điểm, địa chỉ cụ thể với nội dung: “Chiều nay: 45 ca mắc mới, trong đó có 5 ca lây nhiễm từ 1 ca đã hoàn thành cách ly sau nhập cảnh và 39 ca được cách ly ngay khi nhập cảnh”.

Làm việc với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, Phòng Nghiệp vụ Công an tỉnh, ông Lê Quang H. (27 tuổi), trú đường Nguyễn Huệ (TP. Huế) đã thừa nhận trang Facebook THỪA THIÊN HUẾ do mình lập và quản trị đã đăng tải và chia sẻ nội dung thông tin không rõ ràng, cụ thể địa điểm xảy ra dịch COVID-19 dẫn đến người dân hoang mang trong thời điểm dịch bệnh hết sức phức tạp. Bản thân ông H. cam đoan từ nay về sau không tái diễn hành vi tương tự và xin chịu mọi hình thức xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, trang đã gỡ nội dung thông tin sai sự thật nêu trên và đăng tin xin lỗi. Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định xử phạt ông H. 5 triệu đồng vì đã vi phạm Nghị định 15 của Chính phủ quy định xử phạt về vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử…

Như vậy, trong thời đại phát triển công nghệ thông tin hiện nay, việc mỗi người dân là một “nhà báo” là một xu thế tất yếu. Bên cạnh việc ý thức của mỗi cá nhân là người dân, việc giúp cho xã hội ngày càng minh bạch hóa thông tin hơn là thực tế.

Việc quản lý, kiểm soát như thế nào về thông tin của các cơ quan chức năng cho hiệu quả, vừa ngăn chặn được những thông tin xấu độc, không tốt, vừa phát huy được sức mạnh, hiệu quả giám sát xã hội là vấn đề đặt ra.

Thiết nghĩ, mỗi người dân hãy là một “nhà báo” có trách nhiệm để cùng xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn; vì một Thừa Thiên Huế không ngừng phát triển. 

Bài, ảnh: ANH PHONG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top