ClockChủ Nhật, 12/01/2025 16:54

Hồi kết cho nỗi ám ảnh

TTH.VN - Sáng vào quán kêu tô phở, cô chủ quán mang kèm ra đĩa giá trụng, dù là món khoái khẩu, nhưng tôi chợt thấy… sởn gai ốc, đẩy đĩa giá sang bên. Hôm qua, báo chí rần rần đưa tin một điểm làm giá bẩn trên đường Duy Tân vừa bị phát hiện bắt quả tang. 4 can nhựa chứa dung dịch màu trắng bị bắt quả tang là 6-Benzylaminopurine, chất kích thích tăng trưởng được cơ sở này mua về để làm giá. Đây là hóa chất mà nếu ăn vào có thể gây ngộ độc cấp tính, gây như bỏng da, viêm kết mạc, tổn thương cơ quan hô hấp nếu hít phải... Chẳng rõ đã bao lâu và đã có bao nhiêu tạ, bao nhiêu tấn giá đã được tiêu thụ từ đây. Và bao nhiêu người đã bỏ tiền để trở thành nạn nhân của những cọng giá bụ bẫm do cơ sở kia đưa vào nhà hàng, quán ăn, bữa cơm gia đình?!

Phát hiện cơ sở dùng chất kích thích tăng trưởng sản xuất giá đỗ

Nông sản, thực phẩm an toàn là mong muốn của mọi người tiêu dùng. 

Vụ giá bẩn ở đường Duy Tân - Huế còn đang nóng hổi thì người tiêu dùng tiếp tục choáng váng khi chỉ ít ngày sau đó, lực lượng chức năng đồng loạt kiểm tra 6 cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, phát hiện đã có ít nhất gần 2.900 tấn giá đỗ ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine đã bán ra thị trường; tính ra trung bình mỗi ngày có 8 - 10 tấn giá đỗ từ các cơ sở này đã đi thẳng vào bao tử của những người tiêu dùng tội nghiệp!

Sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ thực phẩm bẩn là câu chuyện không mới nhưng vẫn mãi là câu chuyện thời sự ám ảnh toàn xã hội. Đã có vô số vụ việc, vô số đối tượng vi phạm bị phát hiện, bị xử lý ở khắp vùng miền, nhưng cuối cùng đâu vẫn hoàn đấy, xử lý mặc xử lý, vi phạm cứ vi phạm. Thậm chí mức độ vi phạm ngày càng táo tợn, ngày càng nguy hiểm. Trong đó, nguy hiểm nhất phải kể đến ấy là thái độ của các đối tượng vi phạm. Có phải họ vì không biết, vì vô tình mà vi phạm? Xin thưa, không hề. Bởi hẳn mọi người đều biết, trong xã hội từ lâu đã xuất hiện “hội chứng” “rau 2 luống, lợn 2 chuồng”. Rau 2 luống là vì luống không dùng thuốc sâu, thuốc kích thích tăng trưởng để ăn; luống kia thì ngược lại, để bán cho nó “lợi”. Lợn cũng vậy, lợn ăn cám, ăn rau thì để dùng; lợn cho ăn chất tăng trọng, chất tạo nạc thì để bán. Như vậy rõ ràng người sản xuất họ thừa thông minh để biết cái nào hại, cái nào độc chứ làm gì có chuyện vô tình?!

Rồi vô số những “thủ thuật” dễ sợ khác nữa, dùng men thả vào nước lã biến nước lã thành rượu; dùng hóa chất biến thịt thối thành thịt tươi; pha a xít với nước để “chế tạo” giấm thực phẩm; dùng phoóc môn gia cho bánh phở nó dai giòn; ngâm vàng ô cho măng để lên màu vàng ươm bắt mắt; ướp đạm, urê giữ tươi hải sản… Toàn độc chiêu… giết người! Người thực hiện có biết không, chắc chắn biết cả. Mà nếu không thì chỉ một vụ bị bắt, đài báo ra rả, thiên hạ đồn rầm là thừa biết chứ lấp liếm sao được. Nhưng cái khốn nạn là biết đấy, nhưng lợi thì vẫn làm, ai chết mặc ai. Như vụ 2.900 tấn giá đỗ vừa kể, nghe lời khai tỉnh rụi của chủ cơ sở sản xuất giá đỗ mà rùng mình ớn lạnh!

Bữa ăn an toàn là nhu cầu chính đáng của các bà nội trợ. 

Trở lại câu hỏi tại sao rất nhiều vụ bị phát hiện, bị xử lý mà vi phạm vẫn vi phạm, và câu chuyện thực phẩm bẩn vẫn mãi là nỗi ám ảnh dẳng dai trong xã hội? Không câu trả lời nào khác hơn ấy là do luật pháp đang còn nương nhẹ, chế tài chưa đủ răn đe. Phải thấy rằng, những vi phạm kia không đơn thuần chỉ là hành vi sản xuất, mua bán thực phẩm bẩn, mà đó còn là hành vi cố tình xâm hại sức khỏe, tính mạng của người khác; thậm chí là hành vi cố ý giết người. Bên cạnh đó, còn là hành vi phá hoại nền kinh tế địa phương, nền kinh tế quốc gia. Báo chí vừa loan, theo Thương vụ Việt Nam (VN) tại Bỉ, Luxembourg và EU, từ ngày 8/1/2025, EU sẽ nâng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng nhập khẩu của VN từ 10% lên 20% do cảnh báo về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Đàm phán để đưa một mặt hàng nông sản vào EU là không dễ, điều gì sẽ xảy ra nếu EU dừng chấp nhận nhập khẩu sầu riêng, và có thể là thêm một số mặt hàng khác nếu kiểu làm ăn chụp giựt như vậy tiếp diễn. Đó chẳng phải phá hoại kinh tế là gì?

Phải dưới những góc nhìn như vậy mà xây dựng khung hình phạt thật nghiêm khắc, buộc các đối tượng vi phạm phải trả giá xứng đáng, còn người chưa vi phạm nhìn vào thì không dám vi phạm. Như thế may ra câu chuyện thực phẩm bẩn mới hy vọng có hồi kết.

Hiền An
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không để thực phẩm bẩn gây tổn hại đến người tiêu dùng

Nắng nóng là thời điểm mà công tác an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) càng phải được các lực lượng chức năng siết chặt hơn nữa. Lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh và công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã kịp thời phát hiện, thu giữ, xử lý những hành vi vi phạm về ATVSTP, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Không để thực phẩm bẩn gây tổn hại đến người tiêu dùng
Chợ Đông Ba nói không với thực phẩm bẩn

Buổi truyền thông về ATVSTP với chủ đề “Tiểu thương Chợ Đông Ba, nữ doanh nhân nói không với thực phẩm bẩn” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức chiều 24/8/2017.

Chợ Đông Ba nói không với thực phẩm bẩn

TIN MỚI

Return to top