ClockThứ Sáu, 17/06/2022 07:00

Gỡ rào cản tiếp cận dịch vụ công trực tuyến

TTH - Dù đã nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên tất cả các lĩnh vực, nhưng hiện nay, tỷ lệ người dân nộp hồ sơ trực tuyến vẫn còn rất thấp, hồ sơ trực tuyến cấp tỉnh năm 2021 là 60%, cấp huyện là 30%, cấp xã chỉ đạt 2%.

Ký kết hợp tác tiếp nhận, chuyển trả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công íchTập trung hoàn thành các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệpChia sẻ kết quả khảo sát về ý kiến người dân đối với Cổng dịch vụ công trực tuyến

Những khó khăn được nhận diện bao gồm: Người sử dụng dịch vụ công (DVC) gặp nhiều rào cản về tiếp cận cũng như khả năng chi trả các dịch vụ kỹ thuật số và công nghệ thông tin truyền thông. Người dân chưa có thói quen thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Các bước thực hiện DVC trực tuyến còn rườm rà, tài liệu hướng dẫn sử dụng còn khó hiểu.

Cổng DVC trực tuyến phiên bản nâng cấp có nhiều tính năng mới hỗ trợ người yếu thế

Xác định rào cản

Ông Phạm Quang Trí, Phó GĐ Trung tâm Hành chính công tỉnh cho biết: “Chúng tôi đã xác định các rào cản chính hạn chế việc sử dụng các DVC trực tuyến được lựa chọn trên Cổng dịch vụ công tỉnh nhằm tìm hiểu, phân tích,  đánh giá mức độ đáp ứng và ứng dụng công nghệ số. Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận DVC của người dân, đặc biệt đối với phụ nữ và nhóm yếu thế”.

“Sau khi tổ chức hội thảo giới thiệu Dự án “Sáng kiến nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và thực hiện DVC trực tuyến mức độ 3,4 của người dân”, dự án đã lựa chọn nghiên cứu, khảo sát và thực nghiệm thí điểm tại 2 huyện Phong Điền, Phú Lộc và 4 xã Phong Hòa, Điền Hải, Vinh Hưng và Lộc Bổn”, ông Trí thông tin.

Trên cơ sở các ý kiến phân tích, đánh giá của các chuyên gia, các ngành, hội thảo cũng làm rõ những vướng mắc, bất cập, hạn chế còn tồn tại, các nguyên nhân khiến người dân chưa tiếp cận nhiều với DVC trực tuyến để tập trung tìm kiếm các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình tại địa phương, góp phần tháo gỡ các rào cản và cải thiện mức độ tiếp cận của người dân qua cổng DVC tỉnh.

Dự án cũng đã đề xuất đơn giản hóa 4 thủ tục hành chính: Hỗ trợ chi phí mai táng cho đối tượng bảo trợ xã hội; liên thông thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; thực hiện, điều chỉnh, thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng; xác định, xác định lại mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật, đồng thời đề xuất nâng cấp cổng DVC trực tuyến thuận tiện, dễ sử dụng cho người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế.

Nâng cấp 

Dựa trên kết quả nghiên cứu người dùng, đặc biệt là nhóm người dùng là phụ nữ và các nhóm yếu thế, các ý kiến góp ý đã được nhóm chuyên gia CNTT tổng hợp, tiếp thu và tiến hành nâng cấp cổng DVC trực tuyến.

Từ cổng DVC trực tuyến ban đầu với nhiều nhược điểm như: Giao diện cũ, thông tin thiếu trọng tâm; nhiều khái niệm khó hiểu cho người dùng nói chung và người yếu thế nói riêng, đồng thời hệ thống cũng không hỗ trợ tốt đối với các phần mềm đọc của người khiếm thị.

Sau hơn 7 tháng nghiên cứu và thực hiện dự án, sản phẩm cổng DVC trực tuyến phiên bản mới đã đạt nhiều tính năng vượt trội so với phiên bản cũ, đặc biệt là hỗ trợ tốt cho nhóm người dùng yếu thế. Phiên bản nâng cấp cổng DVC trực tuyến đã được cho ra mắt trên phạm vi toàn tỉnh vào tháng 6/2022, bước đầu nhận được những phản hồi tích cực.

Phiên bản nâng cấp cổng DVC trực tuyến được thiết kế theo hướng tích hợp chức năng chuyển đổi chữ sang giọng nói trên chức năng tra cứu thủ tục hành chính hỗ trợ người khiếm thị; tích hợp điều khiển giọng nói đơn giản để ra lệnh; tích hợp điều khiển giọng nói đơn giản để tìm kiếm thủ tục hành chính; nâng cấp chức năng “Tìm kiếm…”, giúp người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế có thể dễ dàng thao tác, sử dụng.

Anh Phan Thiện, hội viên Hội Người mù huyện Phong Điền chia sẻ: “Trước đây, khi chưa tiếp cận được DVC trực tuyến, tôi thường đến Trung tâm hành chính công tại các huyện hoặc xã để làm các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, sau khi được giới thiệu, hướng dẫn, tôi cảm thấy dễ dàng hơn, thuận tiện hơn đối với người khiếm thị như tôi”.

Tuy gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế nhưng với tinh thần quyết tâm, nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ cùng sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, dự án bước đầu đã đạt được những mục tiêu đề ra.

Ông Phạm Quang Trí, PGĐ Trung tâm Hành chính công tỉnh cho biết: “Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, nhóm dự án đã tích cực, nỗ lực hoàn thành cơ bản các yêu cầu. Bốn thủ tục hành chính nghiên cứu đã được đơn giản hóa, giao diện cổng DVC đã được nâng cấp và trình độ của cán bộ công chức cấp tỉnh, huyện, xã cũng đã được nâng cao. Hy vọng, qua quá trình triển khai dự án, nhu cầu tiếp cận DVC trực tuyến mức 3, 4 của người dân sẽ được cải thiện”.

Bài, ảnh: Bạch Châu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dịch vụ dọn nhà đón Tết hút khách

Càng gần tết, nhu cầu về dịch vụ vệ sinh nhà cửa càng tăng. Các công ty có dịch vụ vệ sinh nhà cửa đang tất bật tăng tốc để đáp ứng nhu cầu.

Dịch vụ dọn nhà đón Tết hút khách
Đa dạng dịch vụ, lợi ích nhân đôi

Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) ở TX. Hương Thủy đang thích ứng khá nhanh trước yêu cầu kinh tế thị trường ngày càng có nhiều biến động.

Đa dạng dịch vụ, lợi ích nhân đôi
Agribank triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua VNeID

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) và Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (RAR) - Bộ Công an vừa tổ chức Lễ ký kết Hợp đồng triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua VNeID trên Agribank Plus.

Agribank triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua VNeID

TIN MỚI

Return to top