ClockChủ Nhật, 30/04/2017 13:26

“Tiếng hát át tiếng bom”

TTH - Suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ban Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên Huế luôn tiên phong trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng.

Tại buổi gặp mặt cán bộ Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên Huế (8/2013)

Ông Nguyễn Khoa Điềm, đơn vị Văn nghệ, Ban Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên Huế, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương nhớ lại: “Công tác tuyên huấn thời kỳ đó đã thành công trong việc vận động Nhân dân bám đất, bám làng, một tấc không đi, một ly không rời, cổ vũ, động viên toàn dân và toàn quân ta hưởng ứng các phong trào cách mạng, nổi dậy đấu tranh, dũng cảm chiến đấu làm nên thắng lợi vẻ vang, góp phần cùng quân dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.

Khi mới thành lập, cán bộ ít, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng theo đà của cuộc kháng chiến, Ban Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên Huế đã nhanh chóng kiện toàn về tổ chức bộ máy, phát triển ngày càng lớn mạnh. Những năm 1966 - 1967, Ban Tuyên huấn tập trung mở các lớp tập huấn chính trị cho các huyện, xã, các lớp học tập, quán triệt nghị quyết, lớp bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới. Ngoài báo Quyết Thắng được phát hành hàng tuần, Ban Tuyên huấn còn xuất bản Sổ tay tuyên truyền, Tạp chí Văn nghệ, các tập thơ ca cách mạng, ca dao kháng chiến. Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, các đội văn công đã đem tiếng hát cách mạng đến với quần chúng nhân dân, động viên cán bộ, chiến sĩ thêm tin tưởng vào tiền đồ cách mạng.

“Trong chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế Xuân 1975, tôi làm việc ở Văn phòng Đảng ủy mặt trận cánh Bắc. Đây là địa bàn trọng điểm tấn công nổi dậy ở đồng bằng Trị Thiên. Công tác tuyên truyền ở mặt trận cánh Bắc trong thời gian chuẩn bị chiến dịch được triển khai theo hệ thống tổ chức Đảng và chỉ huy các đơn vị. Các đội vũ trang khi công tác đã sử dụng rất phổ biến hình thức “Gọi loa binh vận”, tổ chức nhiều buổi phát thanh lưu động đến thôn xóm và các vị trí của địch. Chúng tôi còn tổ chức lớp học dân ca địa phương. Các làn điệu “Tương tư khúc”, “Lý năm canh”, hò, vè... cũng được lên loa với sáo, đàn réo rắt, nhịp phách rộn ràng nâng tiếng hát bay cao. Nhờ vậy mà chính sách của cách mạng, chiến công của quân, dân ta chống đàn áp, đòi hòa bình, độc lập, thống nhất theo đó tỏa rộng, thấm sâu.

Sáng 9/3/1975, trời mù đen, nhưng tiếng hát trong trẻo, ngọt ngào của mấy o gái Phong Lai man mác lan tỏa trong sương sớm: ‘Chua me nấu với hến tiền/ Chồng chan vợ húp hơn tiên trên đời/ Ngậm vàng mà đắng anh ơi/ Theo chi giặc Mỹ một đời nhuốc nhơ”, ông Hoàng Ngọc - đơn vị Tuyên truyền Ban Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên Huế nhớ lại.

Công tác tuyên huấn đã cổ vũ lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, cuốn hút hàng triệu người con ở khắp mọi miền đất nước tham gia cuộc kháng chiến đánh đuổi quân xâm lược, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Các hoạt động cụ thể như: chiếu phim, biểu diễn văn nghệ, nói chuyện thời sự, phổ biến tin thắng trận trên các chiến trường, đọc hoặc nghe trên đài phát thanh những bài báo, bài hát làm rung động con tim, đã thôi thúc tinh thần chiến đấu, hăng say công tác và sản xuất của đồng bào, chiến sĩ ta.

Ban Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên Huế gồm các bộ phận: Tuyên huấn, huấn học, thông tấn, báo chí, văn nghệ, giáo dục, trường Đảng, nhà in, Đài Phát thanh Giải phóng, thông tin văn hóa, văn công, điện ảnh, chiếu bóng, điện đài và Văn phòng Ban…

“Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước càng đến những ngày cuối cùng, anh chị em văn công chúng tôi càng phải đẩy mạnh việc tuyên truyền nhiều hơn chính bằng lời ca, tiếng hát của mình. Dọc dãy Trường Sơn từ Khe Sanh – Lao Bảo (Quảng Trị) đến A Lưới, Nam Đông (Thừa Thiên Huế) chỗ nào cũng có bóng dáng của chúng tôi. Lúc đó, tôi là một trong những cây đàn chính của đội văn công phục vụ văn nghệ cho các chiến sĩ bộ đội. Chính những bài ca, tiếng hát như: “Vì miền Nam”, “Chèo đò bên bến sông Hương”... đã cổ vũ, khích lệ tinh thần cho bộ đội quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ”- bà Võ Thị Thanh Trúc, đơn vị Văn công Khu ủy Trị Thiên Huế kể.

Nói về những tháng ngày ấy, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, đơn vị Văn công Ban Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên Huế quả quyết: “Tiếng hát lúc bấy giờ rất giá trị, đã tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân ta; đồng thời gây hoang mang cho địch. Cuối năm 1966, đoàn chúng tôi về công tác tại làng Niêm Phò – quê hương Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Đến nơi, chúng tôi biểu diễn 14 tiết mục đủ loại, người dân rất hoan nghênh và ủng hộ. Khoảng 3 tiếng sau khi phục vụ, nghe tin, địch càn về Niêm Phò trong đêm, đoàn chúng tôi chia nhỏ mỗi tổ 3 người. Chừng 8 - 9 giờ tối, địch đến càn. Ở dưới hầm bí mật, tôi nghe rõ tiếng của địch tra vấn: “Có thấy Việt Cộng không?”. Dân trả lời: “Chúng tôi không biết”. Nhờ sự che chở của dân mà 3 chị em chúng tôi được an toàn”.

Phát huy truyền thống cách mạng, giờ đây, những người làm công tác Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên Huế ngày nào vẫn luôn giữ vững ý chí vượt khó vươn lên. Nhiều người là “hạt nhân” đi đầu trong các phong trào tại địa phương; tích cực tăng gia sản xuất, dạy bảo con cháu. Họ xứng đáng là những cán bộ “đầu tàu, gương mẫu” trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng.

Bài, ảnh: ANH PHONG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kinh đô văn hóa sáng tạo

Sau lần đầu tiên vào năm 2012, Huế lại đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025. Nếu chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia cách nay 13 năm là “Huế - Kinh đô cổ - Trải nghiệm mới” thì lần này, như một sự kế thừa, chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia 2025 được xác định là “Huế - Kinh đô văn hóa sáng tạo”. Huế tự hào có 8 di sản văn hóa thế giới, trong đó 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác. Giá trị di sản là cốt lõi tạo nên thế mạnh du lịch Cố đô.

Kinh đô văn hóa sáng tạo
Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn

Đôi vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Ta Dưr Tư và Areel Đời, sinh sống tại huyện A Lưới đã dành cả cuộc đời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số. Với hơn 40 năm miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy, họ trở thành những ngọn lửa dẫn đường và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.

Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

TIN MỚI

Return to top