Khói mù nghiêm trọng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AP

Trung Quốc nói rằng nước này đang chiến thắng trong "cuộc chiến chống ô nhiễm", sau khi tăng cường các biện pháp pháp chế, đẩy mạnh việc giám sát và trừng phạt thẳng tay hàng trăm công ty gây ô nhiễm, và cho rằng chất lượng không khí trung bình đã được cải thiện đáng kể vào năm 2016.

Tuy nhiên trong tháng Giêng năm nay, lượng tiêu thụ than mùa đông cao kết hợp với điều kiện thời tiết không thuận lợi đã tạo ra nhiều đám khói bụi ở miền bắc Trung Quốc, buộc hàng chục thành phố trong khu vực phải ban hành "những cảnh báo đỏ" nhằm hạn chế các hoạt động công nghiệp và giảm lượng lưu thông.

Trong một thông báo, Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc cho biết, dữ liệu thu thập được từ 338 thành phố trong 2 tháng đầu năm chỉ ra rằng, nồng độ các hạt bụi nhỏ được gọi là PM2.5 - thành phần chính của khói mù, đã tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 71 microgram/mét khối.

Trong khi đó, để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng không khí của nhà nước, các thành phố ở Trung Quốc cần giảm chỉ số PM2.5 xuống còn 35 microgram cho mỗi mét khối.

Số liệu của Bộ cũng cho thấy chỉ số PM2.5 trung bình ở thủ đô Bắc Kinh vào tháng 1 và tháng 2/2017 đã lên đến 95 microgram/mét khối, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc có nguy cơ ô nhiễm đạt mức trung bình 111 microgram/mét khối, tăng 48% so với 2 tháng đầu năm 2016.

Hà Bắc - một trong những thành phố ô nhiễm nhất Trung Quốc, nằm bao quanh Bắc Kinh, cho biết sẽ trồng cây xanh, thiết lập vành đai xanh và sử dụng các con sông và vùng đất ngập nước để tạo ra một "vòng đai xanh lá cây" để bảo vệ Bắc Kinh khỏi ô nhiễm.

Bắc Kinh hứa hẹn sẽ áp dụng các biện pháp "phi thường" trong năm nay để chống lại khói mù, trong khi Hà Bắc đang hướng tới việc cắt giảm lượng tiêu thụ than của các hộ gia đình và các doanh nghiệp quy mô nhỏ - một trong các nguồn gây khói mù chính trong khu vực.

Bảo Nghi (Lược dịch từ Reuters & CNA)