Hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia về Chính sách và Pháp luật Môi trường trong và ngoài nước

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về mục tiêu của dự án CCP-Law nhằm phát triển, thử nghiệm và điều chỉnh chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Chính sách và Pháp luật Môi trường dựa trên phương pháp học, kết hợp sử dụng chiến lược các công cụ học tập linh hoạt và đa dạng. Các khóa đào tạo sau đại học góp phần vào việc hiện đại hóa, tăng cường khả năng tiếp cận và quốc tế hóa giáo dục đại học của các đối tác tham gia tại Malaysia, Ấn Độ và Việt Nam.

Sau khi hoàn thành khóa học, người học sẽ có đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để hoạt động chuyên môn về Chính sách và Pháp luật Môi trường. Đồng thời, việc thiết lập 6 Trung tâm Chính sách và Pháp luật Môi trường tại 6 trường đại học ở châu Á sẽ thúc đẩy sự kết nối mạng lưới nghiên cứu hiệu quả, tạo điều kiện liên kết với các sáng kiến thể chế, hỗ trợ quá trình xây dựng và triển khai các chính sách, pháp luật môi trường.

Sau 4 năm triển khai dự án (2021-2025), với sự chuyển giao của các đối tác châu Âu, 6 đại học đối tác châu Á đã xây dựng thành công 6 chương trình đào tạo thạc sĩ. Các chương trình đào tạo này được thông qua hệ thống kiểm định của các quốc gia đối tác châu Á, phù hợp tiêu chuẩn châu Âu.

Tại Đại học Huế, chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Chính sách và Pháp luật Môi trường do Trường Đại học Luật, Đại học Huế triển khai; phương thức tuyển sinh gồm xét tuyển, đào tạo chính quy trong thời gian 2 năm; ngôn ngữ giảng dạy gồm tiếng Việt và tiếng Anh; tuyển sinh hằng năm với chỉ tiêu 20 học viên/năm.

Tin, ảnh: Hoàng Triều