Dự án xây dựng đê chắn sóng và nâng cấp cảng cá Tư Hiền đã hoàn thành |
Bồi lắng, xuống cấp
Từ nguồn vốn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, trên địa bàn tỉnh triển khai các DA thành phần nâng cấp hạ tầng nghề cá với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm chủ đầu tư. Hiện nay, các DA này đã hoàn thành, bàn giao cho đơn vị quản lý và đang triển khai làm các thủ tục liên quan để công bố mở cảng, đưa vào hoạt động khai thác.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, cửa biển Tư Hiền và luồng tuyến phía trong là cửa ngõ quan trọng thứ 2 nối vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với Biển Đông, giúp bà con ngư dân vào, ra đánh bắt thủy sản, neo đậu ở khu vực Cảng cá Tư Hiền kết hợp với khu neo đậu, tránh trú bão và khu neo đậu, tránh trú bão kết hợp bến cá Cầu Hai, xã Lộc Trì (Phú Lộc). Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng bồi lấp ở cửa Tư Hiền diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như môi trường sinh thái và việc thoát lũ của vùng đầm phá. Khu vực cửa biển và luồng tuyến bị bồi lấp cũng khiến các tàu có công suất lớn vào, ra gặp khó khăn, các tàu lớn trên 200CV sau khi đánh bắt đều phải di chuyển đến các địa phương khác để bán sản phẩm.
Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, thời gian qua, tỉnh đã đầu tư, nâng cấp các âu thuyền, cảng cá lớn nhỏ trên khu vực đầm Cầu Hai phục vụ giao thương, song vẫn chưa phát huy hết nhiệm vụ thiết kế do luồng tuyến vào bị cạn dẫn đến hạn chế tàu vào neo đậu. Trong khi đó, khu neo đậu Cầu Hai với thiết kế phục vụ cho trên 420 tàu có công suất từ 35- 200CV, với tổng vốn đầu tư gần 60 tỷ đồng đã đầu tư hoàn thiện. Để công trình này phát huy hết công năng theo thiết kế thì cửa Tư Hiền và luồng tuyến cần được khơi thông, giúp tàu thuyền ngư dân ra vào dễ dàng hơn.
Theo Sở NN&PTNT, cửa biển Tư Hiền hiện có DA đảm bảo khơi thông, có đê ngăn cát hạn chế chống bồi lấp đảm bảo cho tàu thuyền vào, ra thông suốt. Để tàu thuyền có thể vào được khu neo đậu Cầu Hai cần phải nạo vét khơi thông tuyến luồng trong khu vực. Vì vậy, việc thực hiện nạo vét luồng tuyến và nâng cấp, hoàn thiện hệ thống công trình chỉnh trị cửa Tư Hiền là hết sức cần thiết, giúp khu neo đậu phát huy hiệu quả, phục vụ hậu cần nghề cá.
Hiện, khu neo đậu Cầu Hai đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, nhưng chỉ có các ghe thuyền và tàu nhỏ dưới 50CV ra, vào, còn những tàu có trọng tải lớn không thể vào được, do chưa có luồng tuyến vào khu neo đậu. Vì vậy, để phát huy hiệu quả của công trình cần sớm nạo vét nhằm giúp bà con ngư dân xã Lộc Trì giảm chi phí đi lại và thuận lợi hơn trong việc tiếp ứng cung cấp hậu cần trước khi ra khơi.
Từng bước đầu tư
Ông Thái Văn Phúc, Trưởng phòng Quản lý và Xây dựng công trình, Sở NN&PTNT cho biết, để phát huy tiềm năng, thế mạnh nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản; khôi phục, phát triển sản xuất thủy sản sau sự cố môi trường biển thì việc tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu neo đậu, cảng cá, vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết.
Từ năm 2022, UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đề xuất bổ sung kinh phí thực hiện DA Xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá sử dụng nguồn kết dư khoản tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh để tiếp tục đầu tư một số công trình trên địa bàn với tổng kinh phí khoảng 350 tỷ đồng.
Theo đó, sẽ triển khai 3 DA thành phần, gồm: Xây dựng đê ngăn cát, giảm sóng - giai đoạn 2 thuộc DA Cảng cá Tư Hiền kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão, nạo vét khơi thông luồng tuyến từ cầu Tư Hiền đến khu neo đậu, tránh trú bão kết hợp bến cá Cầu Hai dài khoảng 10km, tổng mức đầu tư dự kiến 220 tỷ đồng; nâng cấp khu neo đậu, tránh bão xã Phú Thuận, huyện Phú Vang với tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng; nạo vét tuyến luồng, tuyến thủy đạo phục vụ tàu thuyền vào khu neo đậu và ngăn lũ bảo vệ vùng nuôi trồng thủy sản ven phá, tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng.
Cũng theo ông Thái Văn Phúc, các DA thành phần khi triển khai hoàn thành sẽ ổn định cửa Tư Hiền, giảm thiểu bồi lắng và xâm thực cửa biển, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy và nâng cao hiệu suất khai thác của cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão; tăng khả năng thoát lũ từ đầm phá ra biển và duy trì sự bền vững về môi trường của vùng đầm phá nước lợ. Đồng thời, nạo vét khơi thông luồng tuyến từ khu neo đậu bến cá Cầu Hai đến cửa Tư Hiền, tạo thuận lợi cho tàu thuyền ra, vào, đảm bảo dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân.
DA còn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ hậu cần nghề cá cho đội tàu thuyền vào, ra tránh trú bão, xây dựng công trình bảo vệ khu nuôi trồng thủy sản ven phá; nạo vét khơi thông luồng tuyến Phú Hải, đảm bảo cho các tàu có công suất đến 300CV vào, ra tránh trú bão; khơi thông tuyến thủy đạo sau cống Cầu Lông bao gồm luồng tuyến và đê cách ly hai bên dài khoảng 1,2km làm nhiệm vụ cách ly nguồn nước ngọt bảo vệ cho 150ha diện tích nuôi trồng thủy sản của các xã Phú An, Phú Mỹ, Phú Xuân (Phú Vang) dọc theo bờ tây phá Tam Giang - Cầu Hai.