ClockThứ Bảy, 23/02/2019 14:39

Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh sởi tốt nhất

TTH.VN - Đó là nhận định PGS.TS Nguyễn Đình Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trao đổi với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế, khi dịch sởi đang diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới.

Quảng Điền tăng cường phòng dịch cho trẻ emĐưa vắc xin Combe Five thay thế Quinvaxem

PGS.TS Nguyễn Đình Sơn

Thưa ông, bệnh sởi được cho là đã loại trừ từ năm 2000, sao hiện nay quay lại và có những diễn biến khá phức tạp?

Năm 2000, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gần như công nhận đã loại trừ được bệnh sởi vì nhiều năm liên tục, các nước có số ca sởi ít hơn 5ca/100 nghìn dân. Tuy nhiên, những năm sau đó, số ca sởi tăng lên, rộ nhất vào năm 2008, 2014 và mới đây là năm 2018.

Đầu năm 2019, dịch sởi tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc. Tại Ucraina, số ca mắc tiếp tục tăng cao với 8.498 trường hợp, đây là số mắc lớn nhất ghi nhận trong tháng 1 của những năm gần đây, trong khi cả năm 2018, nước này ghi nhận 54.481 trường hợp. Tại Hoa Kỳ, trong đầu năm 2019 đã ghi nhận các ổ dịch sởi tại nhiều thành phố, như Atlanta, New Jersey, NewYork, Oregon, Rockland County, Rochester, Vancouver. Theo các nhà khoa học, việc dịch sởi bùng phát tại một số nước hiện nay là do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi không đạt yêu cầu và sẽ để lại hậu quả lớn cho sức khỏe người dân cũng như tăng chi phí điều trị so với việc chỉ phải tiêm vắc xin sởi thông thường.

Ở nước ta, tại một số nơi vùng sâu, vùng xa và những đô thị có số trẻ di biến động lớn có nhiều trẻ còn chưa được tiêm vắc xin sởi đầy đủ, như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Lai Châu, Sơn La... nên có nguy cơ cao ghi nhận các trường hợp mắc và các ổ dịch sởi tại cộng đồng.

Khám tư vấn phòng bệnh sởi cho trẻ ở tuyến cơ sở

Ông nhận định thế nào về dịch sởi hiện nay trên địa bàn

Dịch sởi hiện chưa xuất hiện ở Thừa Thiên Huế. Thành quả này do địa phương quan tâm đến công tác tiêm chủng đạt tỷ lệ hàng năm hơn 95%; trong đó có tiêm ngừa vắc xin sởi đúng độ tuổi, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi và trên 5 tuổi - là đối tượng ngoài diện tiêm chủng mở rộng được tiêm nhắc lại khá nhiều. Năm 2014, trên địa bàn tỉnh có xuất hiện một số trường hợp mắc sởi nhưng từ năm 2015 đến nay, dịch sởi được khống chế. Tuy vậy, vào dịp đầu năm 2019, toàn tỉnh xuất hiện 4 trường hợp mắc sởi; trong đó có 2 trường hợp lớn tuổi ở Quảng Điền và TP Huế mắc do ngoại lai mang mầm bệnh từ các tỉnh phía Nam về. Trường hợp này được gia đình đưa đến điều trị tại BV Trung ương Huế, nay sức khỏe họ đã ổn định.

Theo ông, thời điểm và những địa bàn nào có nguy cơ mắc bệnh sởi cao.

Kinh nghiệm cho thấy dịch sởi có thể xuất hiện và bùng phát là theo chu kỳ khoảng 4-5 năm vì do hằng năm, số trẻ không tiêm hoặc không tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi sẽ tích lũy tạo thành một khoảng trống miễn dịch làm vi rút sởi có điều kiện thuận lợi lan truyền trong cộng đồng. Lúc đó, người lớn chưa mắc sởi hoặc tiêm chủng không đầy đủ sẽ có nguy cơ bị mắc bệnh và dịch sởi sẽ bùng phát. Năm 2014 là năm gần nhất có dịch sởi nên cuối năm 2018 và đầu năm 2019 dịch sởi quay trở lại. Những địa bàn thường xuất hiện dịch sởi là nơi tập trung lực lượng lao động lớn, sự dịch chuyển lao động thường xuyên từ nơi này đến nơi kia là khả năng mắc bệnh cao hơn...

Những biến chứng của bệnh sởi có nguy hiểm không, thưa ông?

Bệnh sởi gây ra nhiều biến chứng, như: Viêm phổi, viêm giác mạc, viêm tai giữa, viêm màng não… có thể gây nguy hiểm nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 9 tháng, người suy giảm miễn dịch hoặc có những bệnh mãn tính khác. Đối với người lớn, sởi nguy hiểm nhất là biến chứng do não viêm, gây rối loạn trung khu tuần hoàn đường hô hấp, có thể khiến bệnh nhân tử vong, các biến chứng nặng khác, như: liệt, động kinh... Với thai phụ mắc sởi, nguy cơ dễ sảy thai, đẻ non do sốt rất cao, dễ bội nhiễm do suy giảm miễn dịch hơn người khác. Về nguy cơ dị dạng thai thì chưa có bằng chứng khoa học. Do đó, khi thai phụ mắc bệnh, yêu cầu nhập viện theo dõi. Phụ nữ nên tiêm vắc-xin sởi-rubella-quai bị để phòng bệnh, trẻ em nên được tiêm vắc-xin phòng sởi đúng, đủ mũi.

Kiểm tra, sàng lọc để tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ

Ông có khuyến cáo gì khi dịch sởi đang diễn biến phức tạp hiện nay

Để phòng, chống bệnh sởi, biện pháp tiêm chủng là hữu hiệu nhất. Vì vậy, chúng tôi mong các phụ huynh cần chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin sởi hoặc trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tiêm vắc xin sởi-rubella đầy đủ, đúng lịch. Ngoài ra, bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi, như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban... cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn điều trị kịp thời. 

Minh Trường (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ vị Huế say lòng thực khách

Mệnh danh là “kinh đô ẩm thực”, làm say lòng thực khách bốn phương, thương hiệu ẩm thực Huế đã đến tận trời Tây, có mặt trên những tờ báo, tạp chí nổi tiếng của thế giới.

Mỹ vị Huế say lòng thực khách
Đưa di sản Huế vươn xa

Ở thời điểm hiện tại, hình hài của một Kinh đô xưa đã được tái hiện rõ rệt hơn bao giờ hết. Di sản Huế đã và đang từng bước phát huy giá trị đúng với tiềm năng và lợi thế vốn có.

Đưa di sản Huế vươn xa
Chàng trai mang điểm cầu Olympia về Huế

Chiến thắng của Lê Quang Duy Khoa, học sinh lớp 11 Anh 2, Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế tại cuộc thi Quý 1 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25 đã tiếp tục mang cầu truyền hình chung kết Olympia lần thứ 3 liên tiếp về Huế.

Chàng trai mang điểm cầu Olympia về Huế

TIN MỚI

Return to top