ClockThứ Năm, 23/03/2023 15:08

Như thế nào gọi là ngộ độc clostridium botulinum

TTH - Mới đây, tại Quảng Nam đã xảy ra vụ ngộ độc do ăn cá chép muối ủ chua. Các trường hợp ngộ độc đều rất nặng do loại vi khuẩn có tên Clostridium botulinum gây ra, phải nhờ chi viện của BV Chợ Rẫy và BV Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Vậy vi khuẩn Clostridium botulinum là gì?

Vi khuẩn gây bệnh ngộ độc thịt (Clostridium Botulinum)

leftcenterrightdel
Botulinum có trong những sản phẩm đóng hộp để lâu ngày hoặc bảo quản không đạt tiêu chuẩn. Ảnh minh họa Ảnh:  umcclinic.com.vn 

Clostridium botulinum (vi khuẩn gây ngộ độc thịt) thuộc chi Clostridium, là những trực khuẩn Gram dương, kỵ khí, sinh nha bào và tiết ra độc tố rất mạnh. Vi khuẩn có nha bào tồn tại nhiều trong đất, không khí, nước biển, ruột hải sản, chịu được điều kiện đun sôi 1000C (100 độ C) ở điều kiện 1atmosphere trong vài giờ. Vi khuẩn Clostridium botulinum sinh ra độc tố botulium.

Vi khuẩn Clostridium botulinum tạo ra 8 loại chất kháng nguyên gây độc tố thần kinh khác nhau (từ type A đến G và F/A lai). Năm trong số các độc tố loại A, B, E, và hiếm gặp là F và F/A lai (trước đây ghi là H) ảnh hưởng đến con người. Độc tố botulinum B là các protein gây độc cao có khả năng đề kháng với sự phân hủy của axit dịch vị và các enzym phân hủy protein. Týp F/A lai là độc tố mạnh nhất được biết đến. Khoảng 50% các vụ dịch bùng phát ngộ độc thực phẩm ở Hoa Kỳ là do độc tố type A, tiếp theo là các type B và E.

Độc tố botulinum bản chất là protein, có ái lực cao với tổ chức thần kinh. Độc tố botulinum là một chất độc cực mạnh, chỉ 0,03 mcg tiêm tĩnh mạch có thể gây tử vong một người nặng 70kg.

Nguồn độc tố

Thực phẩm đóng hộp, đặc biệt là thức ăn có độ acid thấp (pH > 4,5), là nguồn nhiễm độc tố phổ biến nhất qua đường tiêu hóa; thực phẩm chế biến thương mại có liên quan đến khoảng 10% số vụ bùng phát. Rau quả (thường không phải là cà chua), cá, trái cây và gia vị là phương tiện truyền bệnh phổ biến nhất; thịt bò, các sản phẩm từ sữa, thịt lợn, gia cầm và các loại thực phẩm khác cũng có thể gây bệnh. Trong các vụ dịch bùng phát gây ra bởi hải sản, type E gây ra khoảng 50%; các type A và B gây ra phần còn lại. Trong những năm gần đây, thực phẩm không đóng hộp (ví dụ như khoai tây nướng lát mỏng, tỏi băm nhỏ chiên dầu, bánh mì sandwich) đã gây ra các ổ dịch liên quan đến nhà hàng.

Cơ chế tác dụng

Botulinum gắn không hồi phục tại cúc tận cùng ở tiền synap, cắt đứt các protein cấu trúc quan trọng trên màng cúc tận cùng và màng các túi chứa acetylcholine, ngăn cản quá trình giải phóng acetylcholin vào khe synap, ngăn cản dẫn truyền thần kinh ở các dây thần kinh vận động, phó giao cảm và các hạch tự động. Các synapse bị tổn thương, để hồi phục có thể cần phải mọc lại các sợi trục và hình thành các synapse mới. Hệ thần kinh trung ương và cảm giác không bị ảnh hưởng.

Bệnh xuất hiện nhanh 6 - 48 giờ sau khi ăn thực phẩm nhiễm độc, phổ biến 12-36 giờ sau ăn, đôi khi có thể lên đến 6-8 ngày.

Triệu chứng

Đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, sau đó liệt ruột cơ năng, táo bón.

Liệt đối xứng 2 bên, xuất phát từ vùng đầu mặt cổ, lan xuống chân như: sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, đau họng, nói khó, khó nuốt, khàn tiếng, khô miệng, liệt các cơ vùng ngực bụng và hai chân. Phản xạ gân xương thường giảm hoặc mất.

Mức độ liệt: từ nhẹ (mệt mỏi, mỏi cơ tương tự suy nhược cơ thể, không làm được các động tác gắng sức bình thường) đến liệt nặng (ứ đọng đờm rãi, ho khạc kém, dễ sặc, suy hô hấp). Trường hợp nặng có thể tử vong.

Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào lâm sàng, yếu tố dịch tễ.

Chẩn đoán phòng xét nghiệm ít có giá trị. Phòng xét nghiệm có thể xác định độc tố bằng các phương pháp: quang phổ khối, phản ứng trung hòa trên chuột hoặc phương pháp điện di trường xung trên thạch.

Phòng bệnh

Chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận.

Thận trọng với các thực phẩm đóng kín, có mùi hoặc màu sắc thay đổi hoặc có vị khác thường.

Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá (chỉ có nhiệt độ đông đá mới làm vi khuẩn ngừng phát triển và không sinh độc tố).

Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.

Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối,...) cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.

Ts.Bs.NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xu hướng thực phẩm toàn cầu năm 2025

Trong bối cảnh thực phẩm ngày càng “trở nên toàn cầu”, những sáng kiến phát triển ẩm thực ra đời với tốc độ ánh sáng, cộng thêm sức nặng của truyền thông xã hội, các đầu bếp trên thế giới đang ngày càng biến đổi và sáng tạo ẩm thực, trong đó mọi quy luật đều có thể bị phá vỡ. Trong năm mới 2025, dưới dây là một số xu hướng được nhận định sẽ định hình xu hướng ẩm thực toàn cầu.

Xu hướng thực phẩm toàn cầu năm 2025
Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm

Kết quả của báo cáo mới được thực hiện dưới sự hợp tác của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định những thách thức cấp bách nhất thế giới trong việc giải quyết các bệnh do virus lây truyền qua đường thực phẩm.

Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm
Cử tri đề nghị tăng mức xử phạt hành vi vi phạm liên quan đến thực phẩm chức năng

Sáng 12/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Phiên chất vất và trả lời chất vấn được đông đảo cử tri, nhân dân thành phố Đà Nẵng, tỉnh Ninh Thuận quan tâm theo dõi.

Cử tri đề nghị tăng mức xử phạt hành vi vi phạm liên quan đến thực phẩm chức năng

TIN MỚI

Return to top