ClockThứ Bảy, 09/12/2017 14:26
GIÁO SƯ CAO NGỌC THÀNH - HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC HUẾ:

“Nghiên cứu phải xuất phát từ cộng đồng và vì cộng đồng”

TTH - Cụm công trình khoa học “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ và nâng cao chất lượng dân số” của Trường đại học Y dược Huế mới đây đã được trao giải nhất Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 lĩnh vực Y dược. Trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, GS. TS. Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Y dược Huế, Trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ:

GS.TS. Cao Ngọc Thành

Được nhận các giải thưởng mà nhất là giải thưởng khoa học là niềm hạnh phúc rất lớn với người làm công tác khoa học. Đây là một cụm đề tài bao gồm 3 công trình nghiên cứu đã được chúng tôi dày công thực hiện trong nhiều năm và là cụm đề tài phục vụ rất cụ thể cho đối tượng phụ nữ liên quan đến sức khỏe sinh sản.

* Giáo sư có thể cho biết ý nghĩa thiết thực mà cụm công trình này mang lại cho cộng đồng?

Cụm công trình nghiên cứu cốt lõi trong này là nghiên cứu các kỹ thuật tiên tiến để sàng lọc và điều trị dự phòng bệnh lý tiền sản giật - sản giật. Công trình nghiên cứu là đề tài độc lập cấp Nhà nước được Bộ Khoa học và Công nghệ ký kết thực hiện bắt đầu từ tháng 11/2011 với ba nội dung nghiên cứu mới và chuyên sâu về bệnh lý tiền sản giật - sản giật - bệnh lý thường gặp và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ và thai nhi trong thai kỳ.

Mặc dù ngành y tế Việt Nam nói chung, ngành sản phụ khoa Việt Nam nói riêng đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em (được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là một trong những nước đạt được những mục tiêu thiên niên kỷ trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em), tuy nhiên, bệnh lý này vẫn còn tồn tại và việc nghiên cứu về tiền sản giật - sản giật vẫn là một thách thức đối với chúng ta. Với các phương pháp sàng lọc kinh điển trước đây thì đa phần phát hiện muộn (thông thường sau tuần lễ thứ 20 thai kỳ) và tỉ lệ phát hiện rất thấp. Vì vậy, đề tài tập trung nghiên cứu xây dựng các chỉ số dự báo bệnh. Khi thực hiện được các chỉ số dự báo này thì có thể phát hiện sớm tiền sản giật vào quý 1 của thai kỳ và có thể dự báo đến 90% các trường hợp này sẽ xuất hiện tiền sản giật trong tương lai.

Hiện nay, bệnh nguyên của tiền sản giật vẫn còn một số vấn đề chưa giải thích được và trên thế giới đang tìm kiếm một số biến dị di truyền của một số gen. Ở cụm công trình thứ nhất này, chúng tôi sử dụng các kỹ thuật di truyền hiện đại để nghiên cứu một số gen có liên quan và đã phát hiện ra một số biến dị di truyền gen xuất hiện gây nên tình trạng xuất hiện bệnh lý tiền sản giật.

Cũng ở cụm công trình này, chúng tôi đã nghiên cứu việc sử dụng một số thuốc có thể dự phòng được tiền sản giật và tìm ra được hai loại thuốc mà thế giới cũng có áp dụng là sử dụng aspirin liều thấp có thể dự phòng được trên 70% trường hợp xuất hiện tiền sản giật và bổ sung canxi có thể làm giảm 50% tỷ lệ tiền sản giật. Như vậy, cụm công trình thứ nhất giải quyết những vấn đề liên quan đến tai biến sản khoa, nhất là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ.

Cụm công trình thứ hai là nghiên cứu ứng dụng phương pháp điều trị vô sinh do vòi tử cung - phúc mạc bằng phẫu thuật nội soi cho miền Trung và Tây Nguyên. Đây là đề tài cấp Bộ trọng điểm do Trường đại học Y dược Huế chủ trì đã được nghiệm thu xếp hạng tốt và đạt giải nhất Hội nghị Khoa học công nghệ tuổi trẻ các trường đại học, cao đẳng y- dược Việt Nam lần thứ XVI. Đề tài đã áp dụng các cách đánh giá, chẩn đoán vô sinh do vòi tử cung - phúc mạc, áp dụng phẫu thuật nội soi điều trị nối thông vòi tử cung, gỡ dính và/hoặc tái tạo loa vòi, theo dõi và đánh giá kết quả điều trị bằng tình trạng vòi tử cung và tình trạng có thai sau mổ.

Cụm công trình thứ ba là nghiên cứu tình hình nhiễm Human Papilloma Virus (HPV) sinh dục và tổn thương cổ tử cung của phụ nữ Thừa Thiên Huế và đề xuất giải pháp phòng chống. Đề tài đã khẳng định về tính khả thi và giá trị của xét nghiệm Human Papillomavirus sinh dục các týp nguy cơ cao ở phụ nữ và đặc biệt là phương pháp VIA trong phát hiện các tổn thương cổ tử cung ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và các yếu tố liên quan tại Thừa Thiên Huế. Từ đó, đưa ra một số giải pháp phòng chống nhiễm HPV sinh dục nữ cho người dân và giúp triển khai ứng dụng rộng rãi phương pháp VIA để sàng lọc ung thư cổ tử cung tại tất cả các tuyến của hệ thống y tế, nhất là ở tuyến huyện và xã, nơi điều kiện nguồn lực còn hạn chế.

* Theo giáo sư, đâu là điều quan trọng nhất mà mỗi đề tài nghiên cứu phải hướng tới? Và điều này có phải là yếu tố giúp cụm đề tài trên được Hội đồng đánh giá cao?

Các cụm đề tài trên đều xuất phát từ cộng đồng và vì cộng đồng. Chúng ta cần giải quyết dứt điểm những vấn đề từ cơ sở cho đến Trung ương, từ cấp thấp nhất cho đến cao nhất. Đề tài được giải thì rất tốt nhưng quan trọng hơn là đem lại lợi ích cho cộng đồng. Đề tài nghiên cứu ra được xã hội, được cộng đồng công nhận mới là điều hạnh phúc nhất.

Riêng đề tài đầu tiên trong cụm đề tài trên là đề tài độc lập cấp Nhà nước, có sự tham gia của 3 nhóm nghiên cứu song song và được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu loại xuất sắc trên cơ sở hội đồng đánh giá tính khả thi của đề tài, tính ứng dụng và tính mới, hiện đại của phương pháp nghiên cứu mà nhóm nghiên cứu thực hiện. Lâu nay, không nhiều đề tài độc lập cấp Nhà nước được nghiệm thu loại xuất sắc.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và GS. Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam trao giải nhất trong lĩnh vực Y Dược - Nhân tài Đất Việt 2017 cho GS.TS. Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược Huế (ngoài cùng, bên trái)

* Cụm đề tài này có phải là công trình nghiên cứu mà giáo sư tâm đắc nhất? Ông có thể cho biết những đề tài nghiên cứu đang làm và dự định sẽ tiếp tục làm trong thời gian tới?

Đề tài nào cũng tâm đắc nhưng mỗi đề tài giải quyết một mảng. Hiện tôi đang làm đề tài cấp tỉnh nghiên cứu những vấn đề sức khỏe sinh sản của phụ nữ dân tộc miền núi. Đây cũng là vấn đề tôi tâm đắc vì đất nước phát triển thì một số bệnh lý liên quan sẽ có thay đổi; bên cạnh đó, nhà nước đã đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao trình độ dân trí cho khu vực miền núi, nông thôn và một khi trình độ dân trí được nâng lên thì nhu cầu được chăm sóc khi đau ốm và khả năng tự phát hiện những vấn đề về sức khỏe cho bản thân và gia đình mình cũng sẽ được nâng lên. Vì thế, cần nghiên cứu để nhìn lại. Còn nhiều vấn đề khác nữa tôi đang ấp ủ trong thời gian tới.

* Giáo sư đánh giá thế nào về tiềm năng trí tuệ của Việt Nam và làm sao để các đề tài khoa học thực sự đem lại lợi ích cho cộng đồng?

Điều quan trọng nhất đằng sau các đề tài là mong muốn có sự đóng góp với xã hội. Mỗi nhà khoa học phải cố gắng tìm ra một vấn đề gì đó để nghiên cứu trong điều kiện nguồn lực rất giới hạn của đất nước để phục vụ hữu hiệu cho cộng đồng dân cư Việt Nam mình, và để chúng ta không bị lạc hậu bởi sự phát triển của thế giới trong lĩnh vực đó. Những đề tài trên của chúng tôi đều được đăng tải ở các tạp chí khoa học quốc tế, điều đó chứng tỏ quốc tế đã thừa nhận tính khoa học và tính mới trong đó. Tiềm năng trí tuệ của các nhà khoa học Việt Nam rất tốt, vấn đề là làm sao để phát huy và khơi dậy tiềm năng đó và bất cứ người làm công tác khoa học, nhà quản lý nào cũng cần cố gắng khơi dậy tiềm năng của họ. Một khi đã có ý tưởng rồi thì thực thi ý tưởng không phải là quá khó.

Cảm ơn giáo sư về cuộc trao đổi!

NGỌC HÀ (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top