ClockThứ Bảy, 19/03/2022 06:48
PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19:

Nghiên cứu chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

TTH - Đây là một trong 4 quan điểm của Chính phủ trong Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, ban hành kèm theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2022. Chính phủ cũng nêu rõ: “áp dụng mức phụ cấp ưu đãi nghề 100% đối với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở; nghiên cứu chế độ đặc thù, ưu đãi với các lực lượng vũ trang tham gia phòng, chống dịch”.

Chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2023: Vaccine vẫn là then chốtGiảm tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễmBộ Y tế tiếp tục đề nghị tăng cường quản lý thuốc điều trị COVID-19

Cập nhật thông tin người được tầm soát COVID-19

Theo đó, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện trong thời gian 2 năm 2022-2023. Nếu trường hợp dịch bệnh kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài sang năm 2024, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ xem xét việc tiếp tục thực hiện Chương trình này hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình là bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng COVID-19: Đến hết quý I năm 2022, hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm chủng, trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm; bảo đảm đủ vắc-xin và hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9/2022.

Về kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19, Chương tình đặt ra mục tiêu là tất cả các cấp chính quyền có kịch bản phòng, chống dịch COVID-19. Tất cả mọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá. Có chiến lược giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn; giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19/1 triệu dân xuống mức thấp hơn mức trung bình của châu Á.

Chương trình xác định rõ 12 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện các biện pháp y tế; bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của người dân; truyền thông, công nghệ thông tin; hợp tác quốc tế; cập nhật, xây dựng và triển khai các kịch bản phòng, chống dịch COVID-19….

Trong các nhiệm vụ, giải pháp y tế, Chính phủ nhấn mạnh nhiệm vụ bao phủ vắc-xin phòng COVID-19. Triển khai việc tiêm vắc-xin bảo đảm tiến độ nhanh nhất có thể; tăng cường vận động người dân tiêm vắc-xin, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót. Khẩn trương hoàn thành trong Quý I năm 2022 việc tiêm mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm chủng, trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm. Tổ chức triển khai tiêm an toàn, khoa học, hiệu quả cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay khi có vắc-xin. Khẩn trương nghiên cứu tiêm vắc-xin mũi thứ 4 cho người lớn và mũi thứ 3 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi và tiêm chủng cho trẻ em từ 3 tuổi đến 5 tuổi.

Đồng thời, tăng cường giám sát phòng, chống dịch COVID-19; triển khai đồng bộ giám sát trọng điểm và giám sát thường xuyên; thực hiện linh hoạt nguyên tắc “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch” theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh; áp dụng linh hoạt công thức chống dịch “5K + vắc-xin, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”; nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện giám sát thường xuyên, định kỳ và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá nguy cơ lây nhiễm.

Nâng cao năng lực của y tế dự phòng, y tế cơ sở và nâng cao năng lực của hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Với năng lực khám bệnh, chữa bệnh, sẵn sàng thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 phù hợp với tình hình dịch bệnh tại mỗi địa phương; thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa, có cơ chế cấp phát, cung ứng thuốc phù hợp, hiệu quả bảo đảm người mắc COVID-19 được điều trị kịp thời. Đồng thời, triển khai nâng cao năng lực chuyên môn, củng cố toàn diện năng lực điều trị của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh; chuẩn bị sẵn sàng giường hồi sức tích cực, bảo đảm năng lực hồi sức tích cực cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng; tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, điều động, luân chuyển nhân lực phù hợp, kịp thời hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố trong trường hợp dịch bệnh vượt quá khả năng điều trị của địa phương.

Về nguồn nhân lực và chế độ cho người làm công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ nhấn mạnh giải pháp huy động nguồn nhân lực từ các địa phương, đơn vị lân cận khi dịch bùng phát; huy động lực lượng y tế ngoài công lập tham gia công tác phòng, chống dịch. Có chính sách phân bổ nhân lực hợp lý cho y tế dự phòng và y tế cơ sở, thực hiện trách nhiệm xã hội và chế độ luân phiên có thời hạn. Nâng cao năng lực cho các lực lượng trong ngành y tế, lực lượng tại địa phương, lực lượng huy động tham gia phòng, chống dịch, đặc biệt là cán bộ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Áp dụng mức phụ cấp ưu đãi nghề 100% đối với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở; nghiên cứu chế độ đặc thù, ưu đãi với các lực lượng vũ trang tham gia phòng, chống dịch.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025

Hãng tin CNA dẫn nhận định của các chuyên gia chia sẻ, khi COVID-19 xuất hiện đột ngột, lây lan nhanh và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên khắp thể giới, kể từ đó, có thể nói rằng mọi người dân đều lo lắng về sự xuất hiện của một căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng nào đó sẽ xảy ra tiếp theo, có thể là virus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng.

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025

TIN MỚI

Return to top