ClockThứ Sáu, 27/02/2015 16:47

Hết lòng vì bệnh nhân

TTH - Tốt nghiệp Trường đại học Y khoa Huế hệ bác sĩ dài hạn 6 năm vào năm 1981, 34 năm gắn bó với công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần (SKTT) cho người bệnh, thạc sĩ, bác sĩ Tôn Thất Hưng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Huế luôn là tấm gương sáng cho đồng nghiệp.

“Ban đầu, tôi luôn mặc cảm với công việc. Thế nhưng, chỉ sau hai năm làm việc đã cảm thấy yêu nghề”, bác sĩ Tôn Thất Hưng tâm sự.

Nâng cao kiến thức

Kết quả đánh giá tiêu chí chất lượng bệnh viện năm 2014 của Sở Y tế, Bệnh viện Tâm thần Huế đạt mức 3 với điểm 3,46, dẫn đầu khối bệnh viện công lập và ngoài công lập trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là một trong những tiêu chí được Bộ Y tế đánh giá cao khi chọn Thừa Thiên Huế để thành lập Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực miền Trung trực thuộc Bộ Y tế cho 7 tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định. Giám đốc bệnh viện Th.S, bác sĩ Tôn Thất Hưng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc và Thầy thuốc ưu tú năm 2009.

Hàng ngày đối mặt với người bệnh, nhìn thấy nỗi đau, sự phá phách của họ khi lên cơn động kinh, bác sĩ Tôn Thất Hưng lại càng quyết tâm vượt khó. Năm 1985, anh xin học chuyên khoa sơ bộ tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Sau 10 tháng, anh tốt nghiệp thủ khoa.

Năm 1989, bác sĩ Tôn Thất Hưng được Sở Y tế bổ nhiệm là Trưởng trạm Tâm thần Thừa Thiên Huế, chịu trách nhiệm về sức khỏe tâm thần người dân trên địa bàn tỉnh. Năm 1994, anh học chuyên khoa I tâm thần tại Trường đại học Y khoa Huế (ĐHYK), tốt nghiệp loại giỏi. Từ năm 2002 - 2004, cũng tại ngôi trường này, anh tiếp tục nhận bằng thạc sĩ xuất sắc. Trước đó, năm 1997 anh tốt nghiệp bác sĩ nội trú với luận án loại giỏi tại Đại học Y Rennes I (CH Pháp) chuyên ngành nghiên cứu liệu pháp nhận thức hành vi. (Bác sĩ Hưng là người đầu tiên của Sở Y tế Thừa Thiên Huế được trúng tuyển qua 4 kỳ thi ngặt nghèo với tỷ lệ đỗ khoảng 1/20 người). Sau này, anh tiếp tục đi tu nghiệp tại Malaysia, học tập ngắn hạn tại Thái Lan, Đài Loan, CHLB Nga. Nhờ vậy, khi thành lập Bệnh viện Tâm thần Huế, bác sĩ Hưng nhanh chóng triển khai thành công những kỹ thuật đã học được, ứng dụng có hiệu quả các phương pháp mới trong khám chữa bệnh, đưa Bệnh viện Tâm thần Huế trở thành một trong những trung tâm kỹ thuật cao về chuyên ngành tâm thần của khu vực. Năm 2014, bác sĩ Hưng chỉ đạo bệnh viện áp dụng thêm nhiều test tâm lý mới và thang đánh giá lâm sàng theo Thông tư 43/2013 của Bộ Y tế để hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi tiến triển của bệnh tâm thần. Bác sĩ Hưng cũng đã chuyển giao công nghệ về chẩn đoán và điều trị bệnh tự kỷ cho cán bộ bệnh viện. Thừa Thiên Huế là một trong ít bệnh viện tâm thần tuyến tỉnh điều trị được bệnh tự kỷ; cũng là tỉnh đầu tiên trên cả nước thực hiện xây dựng khung giá viện phí chuyên ngành tâm thần và được bảo hiểm y tế thanh toán từ năm 2013.

Bác sĩ Hưng còn tham gia chủ trì cùng đồng nghiệp thực hiện nghiên cứu trên 20 đề tài khoa học, trong đó có 2 đề tài được đánh giá cao: “Đánh giá chất lượng điều trị và kết quả phục hồi chức năng tâm lý xã hội bệnh tâm thần phân liệt và động kinh tại xã Quảng Phước, Quảng Điền” (thực hiện năm 1991). Đề tài này đã đề nghị các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng điều trị và phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho 2 bệnh tâm thần phân liệt (TTPL) và động kinh tại cộng đồng, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam. Ngành tâm thần Việt Nam đã tham khảo đề tài để xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá cho bệnh TTPL vào năm 1999. Đề tài “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và kết quả điều trị bệnh tâm thần phân liệt bằng Olanzapin hoặc Risperidone phối hợp với Natri Valproate tại Bệnh viện Tâm thần Huế”, đưa ra một phác đồ điều trị mới có hiệu quả cao, lần đầu tiên nghiên cứu tại Việt Nam, ít gây tác dụng phụ, thời gian nằm viện ngắn...

Chủ động đề xuất xây dựng bệnh viện tâm thần

Từ năm 1999, được sự giúp đỡ của người thầy là GS Trần Văn Cường, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, bác sĩ Hưng xin được dự án trị giá 20 tỷ đồng do Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn phát triển thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tài trợ để xây dựng Bệnh viện Tâm thần. Do nhiều lý do nên dự án không được thực hiện. Dù vậy, bác sĩ Hưng vẫn không từ bỏ ý định xây dựng bệnh viện, tiếp tục vận động từ các cơ quan liên quan, nhờ vậy Bệnh viện Tâm thần Huế đã được UBND tỉnh ra quyết định thành lập vào tháng 7 - 2007, với quy mô 100 giường. Nguồn vốn Trung ương tài trợ, được khởi công vào quý II năm 2010. Do hoạt động tốt, đây là bệnh viện thứ hai thuộc Sở Y tế được xếp hạng II.

Bệnh viện Tâm thần Huế là một trong những bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trên cả nước đưa vào hoạt động khoa Tâm lý lâm sàng và đơn nguyên tâm thần trẻ em.

Đinh Hoàng Xuân Hồng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vì một sinh mệnh đang chờ

Vận chuyển tạng bằng đường hàng không dân dụng là một sáng tạo trong ghép tạng xuyên Việt. Hành trình nhận tạng, di chuyển, tiếp nối qua các phương tiện khác nhau luôn có vô vàn tình huống xảy ra, khiến y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế ví cuộc chạy đua thời gian hồi hộp... hơn cả phim!

Vì một sinh mệnh đang chờ
Khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân Lào

Ba năm trở lại đây, bình quân mỗi năm, Trung tâm Y tế (TTYT) A Lưới tiếp nhận 300 - 400 người dân nước bạn Lào. Ngoài miễn phí điều trị, người bệnh còn được hỗ trợ ăn uống…

Khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân Lào

TIN MỚI

Return to top