ClockThứ Ba, 12/09/2023 07:00

Từ Duyên giang bát hàng đến Gia Hội phố 36 nhà hàng

TTH - Ngày xưa, phố Hàng Đường (đường Bạch Đằng) đối diện với phố Hàng Bè (đường Huỳnh Thúc Kháng) ở bên kia sông Đông Ba. Đây là điểm nhấn của khu đô thị cổ Gia Hội. Sử liệu xưa cho biết, đây là khu phố buôn bán tấp nập ở phía đông Kinh thành Huế, do người Hoa lập ra vào giữa thế kỷ XIX, nằm trong mạch phát triển từ thương cảng Bao Vinh - Thanh Hà kết nối với Kinh đô Huế.

Phát huy giá trị phố cổ Gia Hội

Một đoạn của phố Gia Hội hôm nay 

Phố Hàng Đường có 8 nhà hàng lớn, mỗi hàng có một tên riêng, và có tên chung là Duyên giang bát hàng. 8 nhà hàng này đã mất dấu tích từ lâu. Rất có thể là sau khi hình thành chợ Đông Ba vai trò của Duyên giang bát hàng dần dần mờ nhạt rồi chuyển đổi chức năng(?). Duyên giang bát hàng gồm những mặt hàng gì cũng chưa tìm được tài liệu nào ghi chép, khảo tả. Tôi mong rằng những ai quan tâm đến Duyên giang bát hàng hãy làm một vài phép thử về 8 nhà hàng nổi tiếng một thời. Không chỉ là sự hiếu kỳ, mà việc này rất hữu ích, góp một tiếng nói cho một dự án phục hồi, phát huy các giá trị của khu phố cổ Gia Hội.

Tôi lấy hai tiêu chí để suy đoán. Một là những mặt hàng thiết yếu mà người Hoa thường kinh doanh, buôn bán ở thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Hai là liên tưởng đến phố Hàng Đường của Thăng Long - Hà Nội.

Dựa theo tiêu chí thứ nhất chúng ta thấy người Hoa có thế mạnh về chẩn trị y học phương Đông, cho nên phố Hàng Đường không thể thiếu một tiệm thuốc Bắc. Cảng thị Bao Vinh chắc chắn là một điểm đến quan trọng của “con đường tơ lụa” trên biển. Kinh đô Huế là thị trường số một của Việt Nam lúc bấy giờ nên phố Hàng Đường không thể thiếu nhà hàng buôn bán sỉ và bán lẻ các loại vải quý hiếm, kể cả “vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”. Bên cạnh tiệm vải rất có thể có nhà may nổi tiếng. Nhà hàng chuyên đồ gốm sứ từ Cảnh Đức Trấn cho đến Bát Tràng, Chu Đậu, kể cả gốm Chăm, mở bên bờ sông rất thuận tiện khi giao thông đường thủy chiếm ưu thế. Muốn “ở nhà Tây” thì sang bờ nam sông Hương. Muốn “ăn cơm Tàu” chắc phải tìm qua Dinh thị phố. Nhà hàng ẩm thực của người Hoa thời điểm đó có các món thông dụng là cơm gà, cao lầu mì, mì vằn thắn…

Dựa theo tiêu chí thứ hai, liên tưởng đến phố Hàng Đường ở Hà Nội, chắc chắn có nhà hàng bán các loại đường phèn, đường phổi, đường bánh và các chế phẩm từ đường. Tức là các loại mứt, bánh ngọt, chè. Đến thập niên 1970, Huế vẫn còn có một quán chè mè đen duy nhất ở đường Chi Lăng, gần rạp xi-nê Châu Tinh. Món chè mè đen bây giờ chỉ thấy ở Hội An, mà cũng chỉ có trong các “Đêm Phố cổ”. Người Hoa gọi chè mè đen là “chí mà phù”.

Hà Nội 36 phố phường từ xa xưa đã trở thành một biểu tượng đặc trưng của lịch sử, văn hóa của Thăng Long kinh kỳ. Đặc trưng của khu phố cổ là những phố làng nghề cùng những ngôi nhà mang nét kiến trúc truyền thống của Việt Nam. Những người thợ thủ công từ các làng nghề quanh Kinh thành Thăng Long đã tụ tập về 36 phố phường để kinh doanh, buôn bán. Họ phân chia thành từng khu vực và tập trung vào các mặt hàng chính của làng nghề. Trong thực tế, Hà Nội 36 phố phường là một cách gọi ước lệ, tượng trưng của khu vực phố cổ. 36 phường là thuở ban đầu. Chính xác là thời nhà Lê. Tháng 12/1748, thời vua Lê Hiển Tông, Kinh thành Thăng Long được chia thành 36 khu vực, gọi là phường. Đến cuối thế kỷ XIX, Hà Nội đã phát triển lên hơn 50 phố bắt đầu bằng chữ “Hàng”. Trong quan niệm dân gian, 36 được coi là số tài lộc. Gọi Hà Nội 36 phố phường còn có vai trò của văn học, đặc biệt là vai trò của nhà văn Thạch Lam với tập bút ký – phóng sự nổi tiếng cùng tên.

Từ Hà Nội 36 phố phường tôi nghĩ đến phố cổ Gia Hội với 36 nhà hàng nổi tiếng. Cùng với kiến trúc đặc trưng, tổ chức các dịch vụ, trong đó có hệ thống nhà hàng tinh hoa của Huế. 36 nhà hàng đạt chuẩn sẽ là nơi gìn giữ và phát triển các nghề thủ công truyền thống như: nghề kim hoàn, nghề chế tác pháp lam, nghề thêu, nghề may, nghề chạm khắc gỗ, nghề làm diều, nghề làm phấn nụ, kẹo bánh, các nhà hàng ẩm thực tiêu biểu… Cũng như “Hà Nội 36 phố phường”, 36 nhà hàng phố cổ Gia Hội chỉ là con số tượng trưng để xây dựng, quảng bá thương hiệu. Hệ thống cửa hàng trong khu phố cổ không đơn thuần là nơi buôn bán mưu sinh của cư dân phố cổ, mà còn phải đạt chuẩn văn hóa Huế, hấp dẫn mời gọi du khách thập phương, bạn bè ở nhiều châu lục đến tham quan, khám phá Cố đô Huế. Người dân phố cổ phải có phong thái riêng trong lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh; biết tự hào về văn hóa truyền thống; biết giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp, và có sự chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Bài, ảnh: Thanh Tùng
ĐÁNH GIÁ
4
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (1)
NH
Nguyễn Anh Huy - 14/09/2023 04:47
DUYÊN GIANG BÁT HÀNG gồm Gia Thái hàng, Hòa Mỹ hàng, Phong Lạc hàng, Doanh Ninh hàng, Hội Hòa hàng, Mỹ Hưng hàng, Thụy Lạc hàng, Tam Đăng hàng, là 8 hàng dọc đường CHI LĂNG, chứ không phải là ở đường Bạch Đằng như nhà báo Thanh Tùng giải thích.

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

Khu phố cổ Gia Hội nằm ở phía đông ngoài Kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Ngày nay khu phố này thuộc phường Gia Hội (Q. Phú Xuân) đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa, cũng như bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vậy Gia Hội sẽ phát triển, đi lên như thế nào?

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên
Cơ hội để phố cổ Gia Hội được “đánh thức”

Nghị quyết số 54 - NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành làm nức lòng cán bộ và người dân xứ Huế. Những người yêu Huế, những người nặng lòng và quan tâm đến văn hóa Huế tin tưởng phố cổ Gia Hội sẽ có cơ hội và tương lai trong dòng chảy chung ấy...

Cơ hội để phố cổ Gia Hội được “đánh thức”

TIN MỚI

Return to top