ClockThứ Bảy, 02/04/2022 14:28

Tiếng chiều quê

Chợ làng thoáng gặp

Trời nhập nhoạng, cũng là lúc bầy cò vạc bay ngang qua cánh đồng làng mà lũ con nít xóm tôi hay gọi là đàn chim đi học về. Đó cũng là khoảng thời gian mạ tôi tất bật ngồi xắt chuối chuẩn bị cho bữa ăn của mấy chú heo. Tay mạ thoăn thoắt xắt từng miếng thân chuối rồi lại vằm nhỏ những lát chuối để trộn với nồi cám đang chín tới. Âm thanh của tiếng vằm chuối vừa vang lên cũng là lúc những chú ỉn bắt đầu dàn đồng ca réo rắt đòi ăn.

Chúng tranh nhau leo lên thành chuồng đưa mấy cái mỏm ngắn ủn và thay nhau kêu choang tai từng hồi. Cơm thì chưa chín, cám thì chưa sôi nên mấy chú cứ say sưa kêu như thế cho đến khi có miếng ăn. Mà không chỉ có heo, mấy chú gà cũng lục tục gọi nhau về nhà nhảy lên chuồng để ngủ. Muộn hơn một chút là đàn vịt cỏ, vịt bầu, vịt xiêm, ngỗng cũng tìm về chuồng. Lũ vịt vốn khôn ngoan. Ra ao, ra ruộng thì nhập chung cả đàn lớn để kiếm ăn; đến chiều tối là vịt nhà ai tự tìm về nhà nấy. Thỉnh thoảng có con ngơ ngơ lạc qua nhà khác rứa là chủ nhà dáo dác đi tìm.

Tiếng gà tục tác gọi nhau về chuồng không át được tiếng heo kêu nhưng tiếng của mấy con vịt mái hay tiếng ngỗng kêu khi chúng về chuồng thì heo cũng phải chịu thua… Lũ vịt nuôi cũng đơn giản, cứ có sẵn cái chuồng, có thức ăn thừa, rồi cuốc trùn, bắt ốc cho chúng ăn. Buổi sáng, mở cửa chuồng thả chúng ra là chúng tự tìm ra ao rồi ra mấy miếng vườn, miếng ruộng gần nhà tìm thức ăn. Cứ chập choạng thì chúng tìm về nhà, cho ăn thêm một bữa lúa trộn rau nữa là đi ngủ. Nhưng cũng có khi vài con bị lạc sang bầy vịt nhà khác. Cứ mỗi lần vịt lạc bầy là mấy mạ con tôi thắp đèn dầu đi tìm đàn vịt của các nhà quanh xóm; nhà mô dư ra thì bắt về.

Cũng vì thế mà có nhà cẩn thận làm dấu đàn vịt của mình bằng cách bôi mực lên đầu khi chúng còn nhỏ, rồi cắt màng chân, xâu chân hay cắt đuôi cho chúng khỏi lộn với vịt nhà hàng xóm…

Mỗi khi đàn vịt vô phá đám lúa, luống rau nhà ai đó thì cả xóm cùng nghe tiếng chửi đổng vì xót của; rứa là ngày mai nhà tôi phải nhốt chúng lại hoặc rào cái lối đi dẫn xuống ao ra cánh đồng làng. Những lúc như vậy, trông đàn vịt thật tội nghiệp chúng cứ dỏng cái cổ lên kêu cả ngày, chúng nhớ bờ ruộng, nhớ mặt nước ao mát mẻ đã quá quen với chúng hàng ngày…

Mạ tôi hay nói tiếng heo, tiếng vịt, tiếng ngỗng không sợ, chỉ sợ tiếng chửi của người. Mấy vồng rau muống, mấy luống cải bẹ đang xanh bị bầy vịt đông đúc của cả xóm tấn công trong buổi chiều rứa là mất toi một gánh rau cho buổi chợ sáng mai. Chủ nhân của luống rau cũng là người trong xóm cứ đứng xắn quần móng heo hướng thẳng mặt vào mấy nhà quanh đó mà chửi. Mụ cứ chửi chung như thế, bởi bầy vịt thì của cả năm bảy nhà. Chửi một thôi một hồi thì mụ dừng lại, chắc là tại mệt rồi và cũng cảm thấy chửi rứa là vừa đủ. Thực ra, cũng vì thấy mấy luống rau nhà bị vịt hàng xóm phá mà xót của nên chửi cho bõ tức rứa thôi chứ ngày mai ra đường gặp nhau thì cũng xởi lởi chào hỏi nhau vui vẻ cả.

Mà nhà mô cũng chẳng có gà có vịt. Hết ruộng rau của nhà này lại đến ruộng lúa nhà khác bị phá… Bởi thế khoảng năm bữa nửa tháng mà không nghe tiếng chửi của ai đó vì trâu bò ăn ló (lúa), bò ăn rau khoai hay gà vịt bươi rau, phá cải thì lại thấy thiếu thiếu cái không khí lao xao của xóm, của làng… làm xao xác lòng tôi đến lạ!

Mỗi lần về nhà cũ, tôi vẫn hay bắc ghế ngồi trước hiên nhìn ra vườn và bần thần nhớ tiếng chiều năm cũ. Tự nhiên lại thèm tào lao xịt bộp tiếng heo đòi ăn, tiếng gà vịt kêu nhau tìm về chuồng và cả tiếng chửi đổng của ai đó nữa… Tiếng chiều làm xao xác lòng tôi!

Phi Tân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làng quê bên dòng Ô Lâu

Thuận Hòa là một thôn nhỏ nằm bên dòng Ô Lâu thuộc phường Phong Hòa (TX. Phong Điền). Trước năm 1993, bà con ở đây sống lênh đênh trên sông nước. Từ năm 1993, người dân Thuận Hòa được huyện cấp đất làm nhà dọc theo bờ sông thì cuộc sống bắt đầu thay đổi.

Làng quê bên dòng Ô Lâu
“Nhìn vô trong Huế...”

Thuở ấu thơ, trẻ con làng tôi đứa mô cũng có một niềm ao ước đó là được đi Huế chơi ít nhất là một lần. Đình làng Đại Lộc quê tôi có một lùm mù u rậm rạp và là chốn để chúng tôi leo trèo và hát những câu nghêu ngao vào những buổi chiều hè: “Trèo lên cây mù u nhìn vô trong Huế...”. Rồi những đêm không trăng, trời đầy sao, lũ trẻ con làng chúng tôi nhìn về phía xa xôi, nơi có một quầng sáng phía chân trời và nói với nhau rằng, đó là Huế. Hồi đó, làng tôi có một chuyến đò đi Huế hàng ngày xuất phát ở bến đò Đồng Dạ, nơi con sông Ô Lâu bắt đầu chảy qua làng tôi. Nhưng phải có công chuyện chi quan trọng thì nông dân làng tôi mới đi Huế, còn trẻ con như chúng tôi thì rất khó để được đi.

“Nhìn vô trong Huế  ”
Lối về ngõ hạnh

Quê chồng tôi ở Phú Thượng (Phú Vang - nay thuộc TP. Huế), mỗi năm có vài lần kỵ, chạp. Mỗi lần ghé về, điều tôi thích nhất ngoài những căn bếp ngăn nắp có chiếc tủ gạc - măng - rê xưa cũ, ngoài những mẹt bầu, bí đao được cắt mỏng phơi khô tỏa mùi thơm giòn đặt trên mấy chạn củi của các thím, tôi còn vô cùng thích thú những con ngõ biếc xanh.

Lối về ngõ hạnh
Hình bóng quê nhà

Năm 2005, nhà báo Dương Phước Thu tặng tôi cuốn sách “Qua sông nhìn lại bến bờ” vừa ra mắt. Đây là tập bút ký tư liệu - nghiên cứu lịch sử, khảo lược quá trình hình thành xứ Thuận Hóa, tỉnh Thừa Thiên đến thành phố Huế ngày nay. Lướt qua phần viết về quê mình, tôi gọi điện cho anh, phản ứng vì xưa đến giờ, làng tôi chỉ là một, không có thôn La Chử Thượng, thôn La Chử Trung, thôn La Chử Đông, thôn La Chử Nam, thực chất Thượng, Trung, Đông, Nam là các phường của làng. Vài ngày sau, anh nói tôi tới lấy “vật chứng” với lời phàn nàn: Tức quá, sách mới ra đã có 2 người phàn nàn rằng chưa chính xác! Tài liệu anh đưa là bản sao Quyết định của UBND tỉnh về việc phê chuẩn số thôn, khu vực của các xã, thị trấn thuộc huyện Hương Trà từ tháng 8/2000; căn cứ để anh đưa thông tin vào.

Hình bóng quê nhà
Giữ gìn làng quê sạch đẹp

Hậu xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trên địa bàn tỉnh thi đua nhân rộng các khu dân cư (KDC) kiểu mẫu. Đây là mô hình có tính tổng hợp các tiêu chí, là mẫu chuẩn trong xây dựng NTM gắn với các tiêu chí khó như: xây dựng KDC văn minh, thi đua làm các tuyến đường kiểu mẫu, thực hiện phân loại rác tại nguồn, chuyển đổi sản xuất an toàn…

Giữ gìn làng quê sạch đẹp

TIN MỚI

Return to top