ClockChủ Nhật, 18/06/2017 14:06

Xứ người & Huế

TTH - Trong một bài viết trên “Báo ảnh Việt Nam”, “Đường hầm đất sét” (ĐHĐS) dài hơn 1.200 mét giữa khu rừng thông này được gọi là “kỳ quan nhân tạo mới” do đã đạt được hai kỷ lục của sách kỷ lục Việt Nam.

Du khách tham quan một cơ sở trồng hoa ở Đà Lạt

Một lần nữa, tôi lại có dịp đến Đà Lạt, Nha Trang. Nói vậy, vì mấy chục năm qua, tôi đã vài lần được thưởng ngoạn hai thành phố du lịch nổi tiếng này khi tham dự các trại viết văn tại Nhà sáng tác của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch ở đây. Lần này, hết tuổi được “bao cấp” (các nhà sáng tác vừa có quy chế không nhận văn nghệ sĩ trên 75 tuổi để tránh “sự cố” tuổi già); vậy thì bỏ tiền túi đi - chẳng phải để “thử bút” mở đầu tác phẩm mới mà là thử… gân cốt xem còn “leo trèo” được nữa không. Và, cũng để “so sánh” với “Huế mình” xem sao khi mà đây đó vẫn xì xầm rằng Huế cứ lững lờ như nước Hương giang, trong khi thiên hạ đua nhau mở mang, thu hút đầu tư, thay đổi đến chóng mặt.

Lên tàu bay, mới hay trên trăm hành khách, hầu hết là dân Huế đưa con cháu thăm Đà Lạt dịp hè… Vậy là thay vì phải “leo lên tụt xuống” hết tàu hỏa đến ô tô nhọc nhằn bò dốc đèo Ngoạn mục, chỉ “cưỡi mây” chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Liên Khương. Thú thật là cũng lo Liên Khương chật hẹp, rừng núi Lâm Đồng thì luôn có sương mù, lại ở độ cao gần ngàn mét so với mặt biển, biết đâu… Nhưng hóa ra Liên Khương cũng như Phú Bài, đã nhiều lần đổi mới nâng cấp (riêng Liên Khương, lần nâng cấp mới nhất là năm 2009), trở thành Cảng Hàng không quốc tế, máy bay cỡ lớn lên xuống êm ru. Đường về trung tâm Đà Lạt hai chiều thênh thang, 30 km chỉ tốn 200 ngàn tiền tắc-xi. Sướng thiệt! Thiên hạ đua nhau tiến lên hiện đại là phải!

Đà Lạt đổi khác quá nhiều so với ngày tôi dự trại sáng tác ở đây hơn chục năm trước. Cũng may, sẵn tắc-xi, nên chẳng lo lạc đường; lại tình cờ gặp một cựu binh nửa thế kỷ trước từng chiến đấu trên trọng điểm “Đồi 37” đường 12A với tôi, sẵn lòng làm xe thồ đưa tới thăm Hội Văn nghệ, nhà báo Nguyễn Mậu Siệc, nguyên Tổng biên tập Báo Lâm Đồng… Cái vui riêng của người Huế đến Đà Lạt là được gặp rất nhiều người… Huế. Ngay khi lên tắc-xi ở sân bay, đã nghe: “Bố con quê ở Phong Điền, nhưng con sinh ở đây”… Đó là chưa nói đến các hiện vật hình ảnh trong Dinh Bảo Đại càng gợi nghĩ về Huế trong mấy ngày ở xứ sương mù cao nguyên. Đã đành, mỗi thành phố có đặc trưng riêng - Huế làm sao có khí hậu ôn đới để phát triển làng hoa như Đà Lạt, còn Đà Lạt thì “nằm mơ” cũng không thể có quần thể di sản kiến trúc Triều Nguyễn - nhưng đọc thấy con số du khách đến Đà Lạt năm 2016 là 5,4 triệu lượt, so với Huế là 3,3 triệu (*), lòng không khỏi có chút “lăn tăn”. Cũng như Huế, trong quá trình phát triển, Đà Lạt đã không ít lần phải đối diện với những tiếng nói phản biện nhằm thực hiện cho được sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, nhưng sau chục năm trở lại, bên cạnh những di tích “cổ” như Dinh Bảo Đại, Ga Đà Lạt… vẫn được đông đảo du khách tìm đến, tôi thật sự ngạc nhiên trước những địa chỉ/sản phẩm du lịch mới “chẳng nơi nào có được” là công trình Đường hầm đất sét (hay đường hầm điêu khắc), là bạt ngàn vườn hoa, làng hoa được trồng theo phương thức công nghệ cao.

Trong một bài viết trên “Báo ảnh Việt Nam”, “Đường hầm đất sét” (ĐHĐS) dài hơn 1.200 mét giữa khu rừng thông này được gọi là “kỳ quan nhân tạo mới” do đã đạt được hai kỷ lục của sách kỷ lục Việt Nam. Tác giả Trịnh Bá Dũng đã kỳ công chế biến đất sét bazan thành một loại vật liệu mới bền chắc như bê tông, có màu sắc thích hợp để tạo nên những tác phẩm điêu khắc, dựng lại đời sống con người từ thuở hồng hoang đến những công trình ghi dấu khai phá, xây dựng nên Đà Lạt hôm nay như bác sĩ Yerin, Nhà thờ con gà, đầu máy xe lửa cổ xưa…

Đà Lạt - xứ sở của hoa

Trao đổi với một nhà nghiên cứu ở Đà Lạt, ông nói “đó chỉ là văn hóa đại chúng”, hàm ý không đánh giá cao công trình ĐHĐS. Vậy mà nó lại thu hút hàng vạn du khách thập phương, xe lớn xe nhỏ nối nhau trên con đường đèo quanh co dài đến 9 km, chứ không phải nơi thuận tiện tàu xe. Trong các hoạt động du lịch - văn hóa hiện nay, mối quan hệ giữa “văn hóa đại chúng” và cái tạm gọi là “nghệ thuật trình độ cao” là một vấn đề khá phức tạp, không dễ/không vội đánh giá và quy kết. Xem ĐHĐS, bỗng nghĩ đến Huế với những dự án “Không gian Lê Bá Đảng” rồi hình như còn “Không gian Trịnh Công Sơn” nữa, nghe nói đã lâu, nhưng chưa biết bao giờ thành hình? Và khi thành hình, liệu có “thoát” được “điều tiếng nọ kia”? Có nỗi lo ấy, vì một “tên tuổi” ở Huế, có lần đã nói với tôi đại ý: “Huế đã khó kêu gọi đầu tư, ít người chịu bỏ của, xắn tay lên làm ra sản phẩm mới, nhưng lại quá nhiều “chuyên gia” thích bắt bẻ, chê bai!”.

 Ý kiến chưa hẳn đã chuẩn xác, nhưng nói chuyện phát triển du lịch Huế, có lẽ cũng nên dẫn ra để tham khảo. Nhân nhắc đến các công trình điêu khắc ở ĐHĐS, lại nghĩ tới Nhà trưng bày tác phẩm của hai nghệ sĩ lớn ở Huế: Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị. Nói “nghệ thuật trình độ cao” thì mấy nơi sánh được, nhưng hai địa chỉ này lại chưa phải là nơi thu hút du khách. Có thể nói đây là điều đáng buồn trong thời buổi “văn hoá đại chúng” lên ngôi, hay do sự quảng bá chưa xứng tầm?

Trong “rừng hoa Đà Lạt” thì làng hoa Vạn Thành có lẽ là nơi có quy mô lớn nhất, phong phú nhất. Tầng cao, tầng thấp nối liền, không thể tính được bao nhiêu loại hoa đua nhau khoe sắc, tất cả đều trong “nhà kính”. Đã đành, Huế không có điều kiện khí hậu để “thi” trồng hoa với Đà Lạt, nhưng nhìn quy mô phát triển và nhất là việc thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt (theo tác giả Diễm Thương, báo Lâm Đồng ngày 2/6/2017, nhờ có nhiều dự án FDI, ODA từ Nhật, Hà Lan, Bỉ… với hàng triệu đô la, diện tích nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng đạt gần 50.000 ha, chiếm 17,7% diện tích toàn ngành, với giá trị chiếm 30%...) nghĩ  tới những “kế hoạch” phát triển du lịch như các “tua” thưởng ngoạn các nhà vườn ở Huế, làng cổ Phước Tích, cầu ngói Thanh Toàn, dạo phá Tam Giang, thăm các vườn rau trên thượng thành Huế… thật khó mà vui được. Các dự án đều đã được triển khai, nhưng xem ra hiệu quả chưa như mong đợi. Mở rộng hơn, còn có thể kể thêm “tua” du lịch Bạch Mã nữa, khí hậu mát mẻ có kém chi Đà Lạt; vậy mà hình như chưa thu hút được du khách, ngay trong những ngày hè. Vì còn manh mún, thiếu những ý tưởng đột phá, thiếu sự liên kết và quảng bá đúng tầm hay đầu tư chưa tương xứng? Xin dành câu trả lời cho các chuyên gia và các cơ quan hữu quan…

***

Rời thành phố của ngàn hoa, bát ngát rừng thông xanh mát, tôi xuôi về thành phố biển Nha Trang theo con đường quanh co dốc đèo 145 km vào ngày nắng như đổ lửa khắp miền Trung. Cái nắng khắc nghiệt càng tăng cảm giác bức bối khi tầm mắt bị các “khối” khách sạn cao tầng chen chúc dọc đường Trần Phú ven biển che chắn gần hết. Nha Trang đổi khác, chật cứng trên mọi chiều ngang dọc, chẳng thể tìm lại được những con phố thênh thang, yên lành mà tôi đã từng qua lại trong 3 lần trước đây. Viện Hải dương học, Tháp Bà thì tất nhiên là không thể “thay đổi” nhưng vẫn rất đông du khách.

Không đủ sức trèo lên Tháp Bà trong chiều nắng gắt, tôi ngồi dưới bóng cây bên hè phố, nhìn ra khách sạn hàng chục tầng phía trước với mấy chiếc cần cẩu bất động trên các tầng cao đang bị bao bọc bởi lớp bạt xanh rêu bỗng chợt nhớ bài viết của nhà văn Nguyễn Tuân kể về cơn ác mộng giả như Huế mất sông Hương… Thật may là điều đó đã không diễn ra. Nhưng liệu có phải vì thế mà Huế “mang tiếng” là cứ mãi “lững lờ” như nước sông Hương, mặc kệ “thiên hạ” tiến như vũ bão? Ôi chao! Cái bài toán “bảo tồn và phát triển” – nhất là ở một trung tâm văn hoá mang trọng trách lưu giữ nhiều di sản quý báu ở tầm quốc gia như Huế, quả thật là “hóc búa”…

Chiều nhạt nắng, đã “mang tiếng” đến Nha Trang, cũng phải… liều mình xuống biển. Và tôi bỗng có một mơ ước: Giá như “bứng” được số du khách đông nghịt ở đây ra tắm biển, phơi nắng trên bãi cát trắng mịn sạch tinh ở Lăng Cô của “Huế mình”… Ảo tưởng chăng? Biết đâu sẽ đến lúc du khách muốn “đổi món” và Huế có những chính sách đột phá…

Bây giờ thì đành phải công nhận Huế đã thua Nha Trang trong việc thu hút du khách. Về mặt kinh tế, kể cũng mừng cho “cơn sốt” du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đã đem lại doanh thu năm 2016 là hơn 8.300 tỷ, gần gấp đôi Huế, với khách quốc tế hơn 1 triệu lượt, tăng 123% so năm 2015 (theo “Dân trí).

Cho dù vậy, với phương châm đang được Chính phủ và nhiều địa phương thể hiện trong thu hút đầu tư là “không hy sinh môi trường để phát triển, tăng trưởng”, giả như chỉ có hai mô hình phát triển như Nha Trang và Huế hiện nay, tôi sẽ “bỏ phiếu” cho kiểu “lững lờ” của Huế, chứ không chọn cách “tăng tốc” của Nha Trang. Bởi lẽ, giá trị cuộc sống của một địa phương (hay một con người, một gia đình cũng vậy), không chỉ ở “tiêu chí” thu được nhiều tiền và có lắm khách tới thăm. Đó là chưa nói đến loại “du khách” mang theo lối sống “khác người” - nếu không muốn nói là “vô văn hoá” - từng làm phiền, từng gây phẫn nộ ở không ít nơi. Tất nhiên là Huế luôn phải tìm tòi, suy nghĩ để có được bước đi không lỗi nhịp với thời đại mà vẫn giữ được bản sắc của mình.

Hẳn là không ít người sẽ cho tôi là phái… bảo thủ. Vâng! Tuổi gần 80 rồi, lâu lắm mới chịu lên máy bay thì khác chi… ếch ngồi đáy giếng. Nhưng cổ nhân có câu “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”; tôi đi 5 ngày, không được một “sàng” thì ít ra cũng có một… cốc, không “OK” gật gù nâng lên “trăm phần trăm” thì liếc mắt xem qua tí chút, có lẽ cũng không vô ích…

(*) Theo báo Dân trí  và Sở Du lịch Thừa Thiên Huế

Bài, ảnh: NGUYỄN KHẮC PHÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ vị Huế say lòng thực khách

Mệnh danh là “kinh đô ẩm thực”, làm say lòng thực khách bốn phương, thương hiệu ẩm thực Huế đã đến tận trời Tây, có mặt trên những tờ báo, tạp chí nổi tiếng của thế giới.

Mỹ vị Huế say lòng thực khách
Đưa di sản Huế vươn xa

Ở thời điểm hiện tại, hình hài của một Kinh đô xưa đã được tái hiện rõ rệt hơn bao giờ hết. Di sản Huế đã và đang từng bước phát huy giá trị đúng với tiềm năng và lợi thế vốn có.

Đưa di sản Huế vươn xa
Chàng trai mang điểm cầu Olympia về Huế

Chiến thắng của Lê Quang Duy Khoa, học sinh lớp 11 Anh 2, Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế tại cuộc thi Quý 1 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25 đã tiếp tục mang cầu truyền hình chung kết Olympia lần thứ 3 liên tiếp về Huế.

Chàng trai mang điểm cầu Olympia về Huế

TIN MỚI

Return to top