ClockThứ Bảy, 02/02/2019 06:22

“Tôi thấy mình đang thiền khi chụp ảnh chùa Huế”

TTH - Nổi tiếng với những tác phẩm về các ngôi chùa ở Việt Nam, với nhiếp ảnh gia người Pháp - Nicolas Cornet, chùa Huế là một phần không thể thiếu trong những bộ sưu tập ảnh của ông.

Danh họa Foujita & HuếKinh Phật ô hộc - một kiểu thức trang trí đặc biệt của chùa Huế

Nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet. Ảnh: N.C

Trước khi bấm máy, ông đã cùng ở, cùng ăn, cùng sống và cảm giác như mình đã thuộc về chốn thanh tịnh đó. Chùa Huế qua góc nhìn của ông được thể hiện một cách chân thật, giản dị, đưa người xem vào không gian tĩnh lặng, nhẹ nhàng và sâu lắng.

Nicolas Cornet tiết lộ: “Tôi có vợ người Pháp gốc Việt, gia đình vợ đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong hành trình tìm hiểu văn hóa, đặc biệt là chùa chiền Việt Nam. Tôi cũng có nhà ở Việt Nam, và Việt Nam luôn trong trái tim tôi”.

Văn hóa rất đa dạng, tại sao là chùa chiền mà không phải những đề tài khác, thưa ông?

Suốt 30 năm qua, tôi thường xuyên ghé thăm Việt Nam. Từ những rung cảm ban đầu về di sản văn hóa và kiến trúc Việt Nam, tôi dần quan tâm hơn đến số phận của những ngôi chùa ở đây và ý nghĩa của chúng đối với người Việt Nam. Năm 2014, khi tôi đến thăm những ngôi chùa nổi tiếng ở miền Bắc thì chúng đang được trùng tu. Tôi quyết định làm một quyển sách lưu giữ hình ảnh những ngôi chùa lớn ở Việt Nam, để thế hệ trẻ sau này, và những đứa con mang trong mình dòng máu Lạc Hồng cũng như bạn bè tôi mở mang góc nhìn về những di sản đó.

Và, Huế là một trong những điểm dừng quan trọng đối với ông?

Trong suốt 3 năm làm dự án sách liên quan đến các ngôi chùa, tôi đã đến Huế nhiều lần và thực sự hứng thú với thành phố này. Tôi chưa gặp khó khăn nào ngoại trừ thời tiết thất thường, nhưng có lẽ, sự biến thiên này cũng là một phần của cái vô thường. Ở những ngôi chùa ấy, tôi thường chọn một chỗ, ngồi và ngắm mọi thứ thật lâu. Lắm lúc, tôi tập trung nghe lời tụng kinh từ các sư thầy. Có khi tôi nhận ra mình đang thiền khi chụp ảnh chùa Huế.

Một góc chùa Từ Hiếu. Ảnh: Nicolas Cornet 

Điều gì thực sự thu hút ông ở các ngôi chùa Huế?

Tôi rất thích chùa Từ Hiếu bởi đây vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên. Đây cũng chính là nét đặc trưng của những ngôi chùa và các công trình kiến trúc khác ở Huế. Tôi dành nhiều thời gian ở cùng với các sư thầy và chụp ảnh họ, cả những khoảnh khắc đời thường, khi họ chơi đá bóng. Ngôi chùa thứ hai mà tôi thật sự thích là chùa Bảo Quốc. Đây là nơi tôi "săn" được nhiều khoảnh khắc đẹp khi chụp về chùa Huế. Và không thể không kể đến vẻ đẹp điền viên của chùa Thiên Mụ được bao quanh bởi dòng sông Hương hiền hòa. Những bức hình được chụp ở đó cũng rất tuyệt vời.

Có một so sánh nào về những ngôi chùa ở Huế và những vùng miền khác mà ông đi qua?

Những gì tôi biết ở Việt Nam, những ngôi chùa lâu đời nhất nằm ở miền Bắc. Những công trình kiến trúc bằng gỗ đó rất đẹp và mang lại sự ấm áp, gần gũi. Dầm, cửa và những vật dụng bằng gỗ được chạm trổ tuyệt đẹp. Điểm tương đồng giữa những ngôi chùa và kiến trúc cổ khác ở Huế là sự hài hòa cùng với thảm thực vật, sông nước và đồi núi. Lối kiến trúc này thực sự hòa vào thiên nhiên. Vì thế, không gian chùa Huế đã đưa không riêng tôi mà nhiều vị khách vào một thế giới khác và thực sự đắm mình trong đó. 

Ngay cả trong không gian tín ngưỡng như chùa chiền, hình như ống kính của ông vẫn hướng về đời thường?

Tôi luôn hứng thú với những hình ảnh đời thường và đã thể hiện điều đó qua 4 cuốn sách của mình về Việt Nam. Quyển sách “Chùa Việt Nam” mà tôi vừa cho ra mắt cũng không phải là điều khác biệt.

Chúng ta không thể hiểu được một đất nước và nền văn hóa của nó nếu không thực sự nghiên cứu và quan sát đời sống thường nhật ở đó. Tôi thường gặp gỡ mọi người và chụp hình họ trong những lần gặp mặt, đôi khi tôi đi cùng họ, dõi theo họ và hòa mình vào cuộc sống của họ. Tôi cảm giác rằng, tôi cũng là một phần trong cuộc sống của những con người đấy. Tôi coi trọng việc nhân vật của mình đang ở trong không gian của chính mình, chứ không phải đưa họ vào không gian của những bức hình thôi đâu!

Rất nhiều chùa Huế xuống cấp và buộc phải trùng tu. Vậy ở góc nhìn của nhiếp ảnh, ông nghĩ sao?

Chúng ta cần bảo tồn tất cả những di sản này. Là một người yêu kiến trúc cổ Việt Nam, tôi nghĩ việc này có thể thực hiện được, nhưng thay vì xây mới, nên trùng tu lại những kiến trúc cũ, và xây những tòa nhà mới ngay bên cạnh, tương tự như cách làm đối với ngôi chùa Giác Lâm ở TP. Hồ Chí Minh.

Ông có muốn gửi gắm gì với những người yêu văn hóa Huế?

Năm 2019, tôi sẽ tổ chức triển lãm những bức tranh và sách về những ngôi chùa ở Huế và Đà Nẵng tại trung tâm văn hóa Pháp của hai thành phố này. Tôi nghĩ, các ngôi chùa cũng cần phải được bảo tồn. Các nhiếp ảnh gia nên lưu giữ hình ảnh của những kiến trúc này để dễ lần theo dấu chân lịch sử. Tôi đọc báo và biết rằng, chùa Diệu Đế ở Huế đang được trùng tu. Tôi hy vọng nó sẽ được bảo tồn theo hướng tốt. 

Nicolas Cornet là phóng viên và nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp người Pháp, tác giả của hàng chục cuốn sách. Ông từng tham gia thực hiện nhiều triển lãm tại châu Âu, châu Á. Cuối năm 2018, một triển lãm của ông được tổ chức với cuốn sách ảnh 250 trang, chắt lọc kiến trúc, họa tiết trang trí và nét đẹp trong cuộc sống đời thường ở chùa tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội. Từ khi bắt đầu hành trình chụp ảnh chùa ở Việt Nam, ông cũng rất thích ăn chay. Mỗi lần đến chùa, ông thường xin vào bếp để quan sát các sư thầy chế biến món ăn, rồi học theo. Sau đó, khi về nhà ông nấu rồi nhờ vợ con “thẩm định” và thích thú khen ngon.

“Thông qua triển lãm tôi muốn lưu giữ lại nét đẹp di sản văn hóa đồng thời mong muốn người Việt cũng như tất cả những ai yêu văn hóa Việt có thể nhận thức được rằng đền chùa Việt Nam là một phần di sản văn hoá quốc gia” - Nicolas Cornet nhắn gửi.

Phan Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuông đồng “kể chuyện”

Ngày nay, nhiều ngôi cổ tự xứ Huế vẫn còn lưu giữ được rất nhiều chuông quý ra đời dưới thời Nguyễn. Nhìn những hoa văn, họa tiết ở những quả chuông ấy, người đời nay không chỉ thấy được trình độ kỹ thuật, kỹ xảo của nghệ nhân xưa mà còn cảm nhận được những triết lý sâu sắc chứa đựng trong đó.

Chuông đồng “kể chuyện”
Cơm nhà lam Huế

Huế có hàng trăm ngôi chùa. Vậy nên, vấn đề ẩm thực nhà chùa hay gọi nôm na là cơm nhà lam xứ Huế có rất nhiều chuyện thú vị. Cứ nghĩ đến cảnh mỗi khi mặt trời đứng bóng, các thầy chùa, ni sư ngồi vào bàn ăn gọi là Ngọ trai, đó đã là một cách thức ẩm thực khác hẳn với người thường...

Cơm nhà lam Huế
Tự lập sớm nhờ làm mẫu ảnh

Với lợi thế về hình thể, nhiều bạn học sinh, sinh viên bén duyên với nghề mẫu ảnh như một công việc làm thêm. Công việc này tuy vất vả, thăng trầm nhưng nếu đặt đúng chỗ vẫn mang lại nhiều giá trị tốt đẹp, giúp người trẻ trưởng thành, hoàn thiện bản thân.

Tự lập sớm nhờ làm mẫu ảnh
Chùa Tra Am - chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi tôi vừa tròn 7 tuổi. Đám tang bà nội tôi sau khi di chuyển rất khó khăn trên con đường đất ngoằn ngoèo, nay là đường Nguyễn Khoa Chiêm, dưới trời mưa tầm tã, thì đến chùa Tra Am.

Chùa Tra Am - chốn tiêu diêu
Người tạo “Avatar” cho làng hương Thủy Xuân

Nếu như “Avatar” là một thủ thuật của marketing để tạo dựng, củng cố hình ảnh cá nhân, nhận diện thương hiệu cho một hay nhóm sản phẩm nào đó, thì “Avatar” của làng hương Thủy Xuân được tạo ra theo một cách hết sức thú vị, ít ai ngờ tới.

Người tạo “Avatar” cho làng hương Thủy Xuân

TIN MỚI

Return to top