ClockThứ Sáu, 23/06/2023 18:38

Tìm hướng giải tỏa áp lực giao thông cho Kinh thành Huế

TTH.VN - Cần tính toán phân luồng giao thông bên trong Kinh thành Huế một cách khoa học, hợp lý để vừa bảo tồn, vừa phát triển. Cùng với đó, nghiên cứu để phát triển hệ thống du lịch đường thủy bên trong Kinh thành tạo một điểm du lịch hấp dẫn…

Tìm giải pháp hài hòa với di sảnTrao giải cuộc thi “Ý tưởng thiết kế cầu đi bộ vượt qua Hộ Thành hào nối Thượng thành”Tìm phương án thiết kế phù hợp với không gian di sảnKhởi động cuộc thi ý tưởng thiết kế cầu đi bộ vượt Hộ Thành hào nối Thượng thành

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội thảo 

Rất nhiều góp ý đã được đưa ra tại hội thảo “Hệ thống giao thông ở Thừa Thiên Huế từ thế kỷ 19 đến nay” do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, ngày 23/6.

Đến dự có nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương; UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định, cùng đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các sở ban ngành.

Ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh cho rằng, sau năm 1975, đặc biệt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, cùng với sự phát triển của đất nước, hệ thống giao thông vùng Thừa Thiên Huế đã có những bước chuyển biến tích cực.

Hệ thống hạ tầng được xây dựng mở rộng để đáp ứng nhu phát triển của địa phương và phục vụ đời sống của người dân.

Theo ông Dũng, dưới thời các vua Gia Long và Minh Mạng (1802 - 1841), hệ thống giao thông ở Kinh đô Huế đã phát triển mạnh mẽ. “Giao thông vận tải là một lĩnh vực quan trọng của quốc gia, ở Kinh đô Huế dưới thời các vị vua đầu triều Nguyễn hoạt động này đã đáp ứng kịp thời quá trình điều hành đất nước. Điều đó thể hiện qua sự tác động mạnh mẽ vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, ngoại giao và kết quả đem lại đã hình thành nên một Việt Nam-quốc gia hùng mạnh trong khu vực”, ông Dũng lý giải.

Nghiên cứu sâu về hệ thống giao thông dưới thời Nguyễn, trong đó chú trọng hệ thống đường thủy mà cụ thể là sông đào ở Huế, TS.Thái Quang Trung khẳng định, các chúa rồi vua Nguyễn đã biết khai thác thế mạnh của vùng đất này, biến nó thành thủ phủ của cả Đàng Trong và kinh đô của cả nước.

Nhà nghiên cứu này cho rằng, nếu như coi hệ thống sông đào ở Thừa Thiên Huế chỉ là để phục vụ sản xuất nông nghiệp e không thuyết phục, bởi lẽ đây không phải là vùng trọng điểm nông nghiệp, nhưng nó phải xuất phát từ “lợi nông” trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp là chính.

“Nên bản thân các con sông đào này nó còn làm nhiệm vụ chia nước cho sông Hương trong mùa mưa lũ, đe dọa sự an toàn cho Kinh thành Huế và chắc chắn còn đóng vai trò giao thông vận tải hết sức quan trọng”, ông Trung nêu quan điểm.

Nhấn mạnh thêm vai trò vô cùng quan trọng của giao thông Huế trước năm 1885, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến nhận định với  tư cách là đất Kinh đô của nước Việt Nam/Đại Nam ở thế kỷ XIX, khu đất xây dựng Kinh thành Huế được triều Nguyễn thiết kế trở thành một hòn đảo bị ngăn cách với bên ngoài bởi 4 phía đều là sông. Do vậy, việc kết nối giao thông giữa khu vực Kinh thành Huế với thế giới bên ngoài được tính toán hết sức cẩn thận, để vừa đảm bảo yêu cầu phòng thủ Kinh đô khi có biến, lại vừa có thể biến nơi đây thành trung tâm kết nối và điều hành thuận lợi với cả hai đầu đất nước.

Theo nghiên cứu của ông Tiến, toàn bộ sự kết nối Kinh thành Huế với thế giới bên ngoài trong thế kỷ 19 chủ yếu dựa vào giao thông thủy – bộ kết hợp cùng 7 cây cầu được xây dựng ở 3 mặt đông bắc, tây bắc, tây nam và 7 bến đò chính ở khắp 4 mặt Kinh thành. “Nhờ thế từ Kinh thành vẫn có cả đường thủy và đường bộ lên phía tây hướng núi rừng, qua phía đông hướng đầm phá và biển cả, ra phía bắc và vào phía nam thông suốt”, ông Tiến chia sẻ. 

leftcenterrightdel
 Nhiều ý kiến được các chuyên gia đưa ra về việc phân luồng sao cho phù hợp phương tiện giao thông ra vào Kinh thành

Đối mặt với cuộc sống hiện tại, giữa phát triển và bảo tồn ngày nay, khi bàn về phương án tổ chức giao thông, KTS Trương Hồng Trường (Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) góp ý cần hạn chế, giảm thiểu các phương tiện cơ giới có tải trọng lớn vào ra Kinh thành, nhằm giảm áp lực trọng tải lên sức chịu đựng của các cầu vòm và tắc nghẽn giao thông cục bộ tại các điểm cầu.

Nghiên cứu khá kỹ về hệ thống cầu bắt qua sông Ngự Hà bên trong Kinh thành Huế, vị kiến trúc sư này đề xuất cần xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị hoàn chỉnh cũng như quy hoạch các tuyến giao thông công cộng, giao thông xanh.

KTS Trường cũng đưa đề xuất hệ thống kết nối giao thông bên trong và bên ngoài kinh thành Huế tạo nên “vòng giao thông tuần hoàn” bao gồm 4 trục chính.

Trục 1 vào từ cửa Nhà Đồ - đường Nguyễn Trãi – lối ra cửa An Hòa. Trục 2 vào từ cửa Chánh Bắc – đường Đinh Tiên Hoàng – ra cửa Thượng Tứ. Trục 3 vào từ cửa Đông Ba – đường Mai Thúc Loan – đường Đặng Thái Thân – đường Yết Kiêu – ra cửa Hữu. Trục 4 vào từ cửa Chánh Tây – đường Thái Phiên – ra cửa Kẻ Trài. “Đây là 4 trục giao thông chính một chiều ra vào Kinh thành kết nối bởi 8 cổng thành hiện tại. Thông qua 4 trục giao thông được giao cắt bởi 4 trục chính, sẽ thiết lập thêm các “vòng giao thông thứ cấp” tiếp theo các nút này”, KTS. Trường đề xuất.

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến tập trung vào vấn đề giải tỏa áp lực giao thông cũng như phát triển du lịch đường thủy bên trong Kinh thành Huế.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho hay, cần tính toán chuyển Trường đại học Nông lâm (Đại học Huế) và khu kí túc xá phía đối diện ra khỏi Kinh thành Huế. Nếu làm được việc này sẽ giải tỏa được áp lực giao thông bên trong Kinh thành. Ngoài ra, sử dụng các vị trí đó để phát triển du lịch gắn với sông Ngự Hà.

N. MINH
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực. Trong đó, nhiều hành vi vi phạm giao thông có mức xử phạt cao hơn nhiều lần so với trước đây.

Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

TIN MỚI

Return to top