ClockChủ Nhật, 10/06/2018 13:15

Theo bước gạo de An Cựu

TTH - Trong dân gian, để nhấn mạnh sự đặc biệt của một thổ sản, người ta thường gắn liền thổ sản đó với một yếu tố “nội”, hay “ngự”. Nhờ đó mà đến nay, mặc dù đã trải qua bao cảnh “thương hải tang điền”, hầu như toàn bộ cánh đồng An Cựu đã biến thành khu đô thị, dân cư sầm uất nhưng dấu ấn của gạo de An Cựu vẫn còn lưu đậm nét trong tâm thức Huế. Đó là một gạo thơm đặc biệt, được dành cung tiến Đại Nội thời chúa Nguyễn, vua Nguyễn.

Tìm ruộng de An Cựu

Đàn Tiên Nông làng An Cựu còn khá nguyên hiện trạng

Xứ Huế từng có nhiều giống gạo de, mà theo cách lý giải của dân gian, là những giống lúa Chiêm bản địa dài ngày, ở đầu hạt có “dé”. Trong đó, đặc biệt gạo de An Cựu là một loại lúa thơm, được định danh sang trọng là “hương canh”. Chính bởi sự qúy hiếm đó mà hầu như nó chỉ được cung tiến vào Đại Nội hoặc hiếm hoi được dùng trong chốn phủ đệ của hoàng thân quốc thích, quý tộc thượng lưu xứ Huế, nay dấu tích vẫn hiện hữu rõ nét ở xứ “ruộng Chúa” (thời chúa Nguyễn) và “Hương canh điền thập mẫu” (thời Nguyễn) ở cánh đồng An Cựu, một danh hương cổ xưa gắn liền lịch sử buổi đầu của xứ Thuận Hóa.

Lần theo diễn trình lịch sử, Nhất thống chí thời Nguyễn ghi nhận gạo de An Cựu là sản vật đặc biệt của một loại lúa thơm, phù hợp với các loại ruộng thấp, ở các tỉnh đều có nhưng đặc biệt nhất là loại lúa thơm ở làng An Cựu, được định danh là lúa hương An Cựu, nên hàng năm phải tiến cống vào Đại Nội. Thông thường thì có hai loại lúa de, được định danh theo màu sắc, là de vàng và de trắng, được cấy vào tháng 10, đến tháng 3 thì chín. Lúa de vàng có đặc điểm là thân lúa cứng, bông lúa dày, hạt thóc hơi dài, gạo rất trắng, nấu cơm rất thơm mềm; còn loại de trắng thì hạt thóc hơi vàng, gạo trắng và thơm (QSQ triều Nguyễn, Đại Nam Nhất thống chí, Nxb. Thuận Hóa, 1997, tập I, tr. 250 - 251). Đến cuối thế kỷ XIX, gạo de An Cựu vẫn được chính sử khẳng định là một sản vật độc đáo: "Lúa hương canh sản ở xã An Cựu" hay "Duy xã An Cựu có giống lúa hương canh" (QSQ triều Nguyễn, Đồng Khánh địa dư chí, Nxb.KHXH, 2003, tr. 1417, 1425).

Hai mốc đá ruộng Hương canh ở làng An Cựu được người dân tìm thấy và lưu giữ

Trong điển chế nhà Nguyễn, theo lệ định năm Tự Đức thứ 28 (1875) thì làng An Cựu phải trích lấy 10 mẫu nhất đẳng công điền, chiết trừ cho 50 dân phu để lo việc "cày cấy lúa thơm, phơi khô theo đúng qui định", hàng năm giao nộp 70 hộc lúa "để có đủ mà cung tiến". Đến năm Thành Thái thứ nhất (1889), nhà vua châu phê cho lấy 60 hộc làm chuẩn "để tiện cho dân". Tháng 5/Thành Thái I, Thương Trường (tức là kho triều đình ở phía nam Ngự Hà, gồm những kho chứa lúa gạo và tiền) dâng Phiến rằng, hằng năm xã An Cựu nộp 60 hộc lúa, cho là chưa thích đáng nên xin giao cho nha thuộc phủ Thừa Thiên có văn bản xuống xã An Cựu rằng, từ sang năm trở đi, mỗi năm mỗi mẫu nộp thêm 20 hộc, tổng cộng là 80 hộc, "lúa phải thơm ngon và dẻo, giao nha ấy lần lượt kính nộp để xay giã cung tiến". Tuy nhiên, theo thông lệ thì thuế ruộng hạng nhất mỗi mẫu 40 thăng, mỗi hộc 14 thăng, như vậy mức nộp đã nặng nên triều đình mới trích 3 mẫu 3 sào trong số hơn 6 mẫu nhất đẳng điền xứ Bàu Bông, thành tổng cộng hơn 13 mẫu, "giao cho xã dân cày cấy, chuẩn nộp mỗi năm 80 hộc", theo hai vụ hè, thu, mỗi vụ 40 hộc, với 93 dân phu "sung vào việc cày cấy" (QSQ triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển tục biên, Nxb. Giáo Dục, 2005, tập III, tr. 15 - 16).

Với những giá trị đặc trưng được sử sách ghi nhận, triều đình chúa Nguyễn và vua Nguyễn khẳng định trong điển chế sản vật nổi tiếng đặc trưng để cung tiến vào Đại Nội thì rõ ràng, lúa thơm để cho ra gạo de An Cựu mang nhiều giá trị dinh dưỡng cũng như lịch sử văn hóa rất độc đáo. Qua những thông tin sử sách ghi nhận, có thể thấy hơn 13 mẫu ruộng lúa thơm An Cựu nổi tiếng được hiện hữu trên ba xứ đất của làng An Cựu là xứ ruộng Chúa, xứ ruộng Hương Canh và xứ Bàu Bông. Tiếc rằng trong quá trình giải quyết nhu cầu lương thực cấp bách một thời, yêu cầu sản lượng cao của các giống lúa ngắn ngày đã khai tử nhiều giống lúa truyền thống dài ngày, chất lượng cao của vùng chiêm trũng miền Trung, trong đó có lúa hương - gạo de nổi tiếng một thời.

Tái hiện ẩm thực cung đình Huế hiện nay để phát triển du lịch dịch vụ mà thiếu vắng những sản vật đặc trưng một thời như gạo de An Cựu cũng là một vấn đề rất đáng quan tâm. Với tâm huyết đó, TS. Phan Phước Hiền (Đại học Nông Lâm - TP. Hồ Chí Minh) đã từng tìm đến Gene Bank (Ngân hàng Gen) của Viện lúa Quốc tế (IRRI) ở Philippine với mong muốn “hồi hương” hàng chục giống lúa de An Cựu. Chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, TP. Huế và cộng đồng doanh nghiệp khai thác du lịch dịch vụ cần chung tay để hiện thực hóa chương trình này ở ngay chính trên đất làng An Cựu, mang lại nhiều giá trị văn hóa du lịch độc đáo từ cội nguồn truyền thống của xứ Huế.

Từ những năm 1980, gia đình bà Phan Thị Hoạt ở phường An Cựu đã nhận thấy được giá trị độc đáo của hai tảng đá vốn nằm lăn lóc bên giường ruộng của làng nên đã nhờ người dùng xe kéo đưa về trong góc vườn nhà. Theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh, đó chính là hai “Ông Mốc” định danh 10 mẫu ruộng hương canh của làng An Cựu, với 5 chữ Hán được khắc chìm ở mặt trước là Hương canh điền thập mẫu (bằng đá Thanh, mỗi trụ cao 1,02m, rộng 0,27m, dày 0,15m). Điểm đặc biệt cần ghi nhận là gia đình bà Phan Thị Hoạt đã có hảo ý hiến tặng hai hiện vật quý giá này cho Bảo tàng Văn hóa Huế. Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế cùng nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh đã đề nghị phương án thiết trí hai mốc đá ở chính phía trước đàn Tiên Nông làng An Cựu, chuẩn bị cho một kế hoạch tổng thể lâu dài về sau, có sự tham gia phối hợp của Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam.

Bài, ảnh: TRẦN ĐÌNH HẰNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

50 năm một chặng đường gìn giữ văn hóa dân gian

Thừa Thiên Huế là vùng đất mang dấu ấn của thời di dân mở nước hơn 700 năm. Vì thế, cội nguồn văn hóa hình thành từ sự dung hợp bản sắc văn hóa của cư dân bản địa cùng cư dân Việt từ khắp các vùng miền của đất nước. Văn hóa dân gian luôn gắn liền với đời sống tinh thần của cộng đồng người Huế.

50 năm một chặng đường gìn giữ văn hóa dân gian
An Cựu - Dòng sông tuổi thơ tôi

“Núi Ngự Bình trước tròn sau méo/ Sông An Cựu nắng đục mưa trong/ Dẫu ai ăn ở hai lòng/ Em đây vẫn một dạ thủy chung với chàng".

An Cựu - Dòng sông tuổi thơ tôi
Nhà đất 24 An Dương Vương là tài sản Nhà nước

Báo Thừa Thiên Huế nhận được đơn khiếu nại của bà Trần Thị Thu Hương (số 24 An Dương Vương, phường An Cựu, TP. Huế) liên quan đến bài viết “Chiếm dụng đất công nhiều năm vẫn chưa bị cưỡng chế” (đăng trên Thuathienhue Online ngày 3/5/2024).

Nhà đất 24 An Dương Vương là tài sản Nhà nước

TIN MỚI

Return to top