ClockThứ Tư, 03/07/2024 19:55

An Cựu - Dòng sông tuổi thơ tôi

TTH.VN - “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo/Sông An Cựu nắng đục mưa trong/Dẫu ai ăn ở hai lòng/Em đây vẫn một dạ thủy chung với chàng".

Du lịch xanh để bền vữngHuế tạo bức tranh lớn về du lịchĐiểm đến Hương BìnhLắng đọng tâm hồn HuếVàng son một thuở

Sông An Cựu, hay còn gọi là sông Lợi Nông. 

Sông Hương, sông Ngự Hà, sông Đông Ba và sông An Cựu là bốn dòng sông mang vẻ đẹp đậm chất Huế. Sông An Cựu dài gần 30 km, điểm khởi đầu từ vị trí chính nơi làn nước giao nhau giữa bờ nam sông Hương đoạn gần phía cuối cồn Dã Viên. Sông An Cựu có rất nhiều tên nhưng tên sông An Cựu ra đời sớm nhất, gắn với tên làng An Cựu có lịch sử hình thành từ thời Lê thế kỷ XV-XVI.

An Cựu là một dòng sông cổ, nhưng với tôi là con sông không hề có tuổi, những kỉ niệm tuổi thơ êm đềm gắn với dòng An Cựu hiền hòa cứ chen nhau hiện về trong ký ức, những ngày hè oi ả, đám con nít chúng tôi thường rủ nhau ra sông tắm mát. Dòng nước trong xanh, mát lạnh như xua tan đi mệt mỏi, mang lại niềm vui và sự phấn khích, chiều đi tắm sông về ngang quán bánh bèo chén bà Cư, đói bụng nhưng chỉ đứng ngoài thèm nhìn vì không có tiền! quán Bà Cư bán đến nay đã hơn 50 năm rồi!  

Đầu nguồn sông An Cựu là sông Hương. Ảnh: DT 

Dòng sông không chỉ là một phần của cảnh quan tự nhiên mà còn là chứng nhân cho nhiều biến cố lịch sử và văn hóa của vùng đất cố đô Huế, cách đây hơn 200 năm, vua Gia Long đã cho đào khơi thông dòng chảy sông An Cựu từ sông Hương đến phá Hà Trung, cung cấp nước cho hàng ngàn mẫu ruộng để cứu những cánh đồng khô hạn của xứ Thừa Thiên, khai thông trục thủy đạo nối Kinh thành Huế với các huyện phía nam, đồng thời tạo thêm một cảnh quan xinh đẹp cho vùng đất Kinh đô.

Chính con sông đào này ra đã góp phần tạo nên sản vật gạo de An Cựu, nhiều thế hệ trăm năm trước đều ăn gạo de - sản phẩm của đất làng An Cựu nơi có con sông đào chảy qua. Đó là một thuở: “Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi/ Gạo de An Cựu mà nuôi mẹ già”. Gạo de được nấu trong nồi đất sét nung của làng cổ Phước Tích, nước nấu cơm được hứng từ những cơn mưa rào của trời đất Huế trở thành một loại cơm dẻo và thơm là sản vật tiến vua ngày xưa, có nên chăng khôi phục lại một diện tích trồng lại giống gạo de An Cựu với hương thơm tự nhiên và mùi vị đặc trưng, một đặc sản đã gắn liền với lịch sử đầy thăng trầm của vùng đất cố đô Huế.

 Ga Huế -nhà Ga được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, khi người Pháp bắt đầu phát triển hệ thống đường sắt tại Đông Dương. Ảnh: HK

Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế hiện đang triển khai nhiều kế hoạch phát triển du lịch với nhiều hình thức, sản phẩm phong phú đa dạng, một tour du lịch sinh thái, văn hóa đi thuyền trên sông An Cựu với truyền thuyết nhuốm màu huyền bí “nắng đục mưa trong”, sẽ đưa khách theo dòng chảy hiền hòa, xuyên qua những chiếc cầu bắc qua sông: cầu Ga, cầu Nam Giao, cầu Phú Cam, cầu Bến Ngự, cầu Kho Rèn…

Mọi người sẽ được ngắm nhìn nhiều phủ đệ, lâu đài của vua chúa nhà Nguyễn soi bóng lung linh hai bên bờ sông, nghe tiếng chuông vọng từ nhà thờ Phú Cam, nhà thờ Dòng Chúa cứu thế, những con thuyền nhỏ nhắn chạy dọc sông với công việc mưu sinh của người dân.

Dòng Chúa Cứu thế. Ảnh: DT 

Cùng với lựa chọn những điểm để dừng chân tham quan như:  Ga Huế (nhà Ga được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, khi người Pháp bắt đầu phát triển hệ thống đường sắt tại Đông Dương), dốc Bến Ngự (nơi“Ông già Bến Ngự” Phan Bội Châu ngồi câu cá, nơi các vị vua ngự thuyền rồng để hành hương về đàn Nam Giao tế lễ đất trời), Cà phê Gác Trịnh (chỗ ở và sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với những ca khúc đầu tiên Nắng thủy tinh, Diễm xưa, Một cõi đi về), Cung An Định (Cung điện riêng của vua Khải Định, sau này là nơi vua Bảo Đại và gia đình sống sau khi thoái vị), Chợ An Cựu (đặc sản bánh và chè Huế nổi tiếng), cùng với một bữa cơm Huế với đặc sản gạo de An Cựu sẽ là một tour du lịch mới mang tính lịch sử và văn hóa cho du khách có một góc nhìn khác thú vị về Huế !

 Phủ Kiên Thái Vương (trái) và cung An Định (phải) nhìn từ sông An Cựu. Ảnh HK

Mỗi khi nhớ về dòng sông tuổi thơ, lòng ta lại trào dâng một cảm xúc bồi hồi, nhớ những kỷ niệm êm đềm, dòng sông ấy mãi mãi là một phần trong tâm hồn, là nơi để ta tìm về mỗi khi cần sự bình yên, những buổi sáng sớm hoặc những đêm trăng thanh tĩnh đi bộ dọc bên sông là thời gian lý tưởng để suy tư và và chiêm nghiệm về cuộc sống. Dòng sông tuổi thơ đến bây giờ vẫn còn dạy cho tôi nhiều bài học quý giá, học được sự thích nghi, kiên nhẫn, dẻo dai, bao dung, kiềm chế cảm xúc, sự hòa hợp và biết ơn những điều giản dị trong cuộc sống.

 Việc thu gom rác thải được thực hiện thường xuyên để giảm thiểu ô nhiễm cho dòng sông. Ảnh HA

Khai thác, phát huy các lợi ích từ dòng sông bằng cách xác định và tận dụng những tiềm năng sẵn có đồng thời với việc kiểm soát, ngăn ngừa rác thải gây ô nhiễm dòng sông trong đô thị, bảo vệ sinh thái dòng sông để phát triển du lịch bền vững sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế và văn hóa cho địa phương nhưng cần có kế hoạch phối hợp cụ thể, chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Dương Đăng Bảo Khánh
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (1)
PV
Phan Quang Trúc Viên - 04/07/2024 10:56
Khi rời xa Huế năm 1995, hình ảnh dòng sông An Cựu vẫn đọng lại trong tâm trí, một dấu ấn khó phai, gợi nhớ về những hình ảnh yêu thương và bình yên bên dòng sông thơ mộng này.

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Đò anh Đới...”

Sau nhiều lần dự định đến thăm người chủ đò đầu tiên chở du khách nghe ca Huế trên sông Hương, hôm nay tôi đã được diện kiến. Người chủ đò tên Đới năm xưa gắn liền với cái bảng hiệu có một không hai treo trên chiếc đò của mình: "Đò anh Đới - Đời anh đó". Ngôi nhà của ông Đới sát bờ sông Hương, gần khu vực cồn Hến, nhìn sang là cầu Phú Lưu nối với con đường mang tên Ưng Bình - một hoàng tộc Triều Nguyễn, nhà thơ và là soạn giả ca Huế nổi tiếng.

“Đò anh Đới  ”
Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước

Ngày 16/12, Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có thông báo gửi các sở, ngành, địa phương về việc điều tiết nước hồ Tả Trạch về hạ du sông Hương.

Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước

TIN MỚI

Return to top