ClockThứ Sáu, 31/05/2024 05:55

Người bảo tồn nhà gươl truyền thống

TTH - Ghé bản A Xăng, xã Thượng Long, huyện Nam Đông vào những ngày cuối tháng 5, dưới cái nắng trưa oi ả, già Ra Pat A Ray đã đứng đợi sẵn từ đầu ngõ đón chúng tôi. Giữa căn nhà gươl truyền thống, một mâm cơm dân dã đã được chuẩn bị sẵn…

Cô giáo vẽ tranh trên nhà gươl

 Già Ra Pat A Ray bên mái nhà gươl truyền thống tại bản A Xăng, huyện Nam Đông

Tâm huyết với giá trị truyền thống

Hơn 40 năm về trước, đồng bào Cơ Tu đã di dân từ vùng núi Quảng Nam ra Huế. Họ đem cả những tập tục văn hóa truyền thống về đây nhằm bảo tồn và phát huy. Dần dà, những cái cũ đã được thay thế bằng những cái mới để thích nghi với cuộc sống hiện đại. Những mái nhà gươl truyền thống bằng gỗ, nứa lá, tranh tre nay cũng được thay thế bằng bê tông, cốt thép…

“Mang trong mình những trăn trở, nỗi lo rằng nhà gươl truyền thống sẽ bị lãng quên, một đêm nọ, khi giấc ngủ chập chờn, tôi bật dậy và bắt đầu phác thảo một bản vẽ nhà gươl truyền thống. Nếu không làm thế, thế hệ con cháu sau này sợ sẽ không ai biết đến nhà gươl xưa có hình dáng thế nào mất”, ông A Ray nhớ lại.

Già A Ray đã tự mình dựng nhà gươl theo phương thức cổ xưa ngay trong khuôn viên nhà nhằm bảo tồn, lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng người Cơ Tu. “Khó nhất là công đoạn tìm vật liệu, nhà gươl truyền thống cần có nhiều gỗ, tôi đã phải đốn hạ nhiều cây gỗ trong vườn nhà trồng được từ mấy mươi năm trước”, ông A Ray nói.

Sau khi có nguyên liệu, hằng ngày, già A Ray cần mẫn đục đẽo, gọt bào để làm sao các mạch gỗ sẽ khớp nối với nhau một cách bền bỉ nhất. Từ xưa, người Cơ Tu dựng nhà gươl không hề có một cái đinh tán mà chỉ là cách khớp nối các khung gỗ với nhau. Mái tranh được đan bằng tay và khi lợp chỉ dùng mây, tre để buộc. Nhà gươl do già A Ray dựng cũng thế. “Chuẩn bị rường cột xong xuôi, ngày dựng nhà gươl, tôi có nhờ một số trai làng đến để phụ một tay. Rồi sau đó, lại một mình túc tắc chẻ tre, đan phên, lát sàn, lợp mái… để làm sao ra được mái nhà gươl “vuông ở giữa, tròn hai bên””, già A Ray kể.

Cứ thế tròn một năm ròng trôi qua, căn nhà gươl của già A Ray cũng hoàn thành. Thế là tâm nguyện tuổi 70 của ông đã thành hiện thực. Một căn nhà gươl bằng gỗ, tre nứa đã mọc lên sừng sững giữa núi rừng A Xăng như một minh chứng cho tình yêu với những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào Cơ Tu mà ông A Ray đã dành hết tâm huyết để tạo nên.

“Giữ lửa” và “truyền lửa”

Tôi đã chếnh choáng từ bao giờ bởi chén rượu mà già A Ray mời trước khi kể câu chuyện dựng nhà gươl. “Đây là rượu Tà Rương Mão - một loại rượu đặc sản của địa phương, đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao”, già A Ray giới thiệu…

Những vị khách quý đến đây đều sẽ được già A Ray đón tiếp bằng những thức rượu đặc sản, những món ăn dân dã và lắng nghe những câu chuyện văn hóa từ hàng chục, hàng trăm năm trước. Mang trong mình bộ trang phục truyền thống của đồng bào Cơ Tu, già A Ray đứng lên biểu diễn một tiết mục cồng chiêng đầy thú vị. Biểu diễn xong, già A Ray chỉ tay lên vách và giới thiệu: chiêng, trống được già treo trên vách và còn có nhiều dụng cụ lao động, sinh hoạt bằng tre nứa, như: gùi, hộp đựng đồ săn bắn, oi đựng cá… “Tất cả do tôi đan cả đấy…”, già bảo.

Bản A Xăng còn có một nhà gươl được xây dựng bằng bê tông, cốt thép. Đây là nơi sinh hoạt, hội họp, giải quyết các công việc chung của làng, cũng là nơi lưu giữ những vật hiến tế, cúng bái, của cải và là nơi tiến hành các lễ nghi của một ngôi làng. Gươl mang ý nghĩa là "trái tim của làng" nên trở thành nơi thiêng liêng, tập trung ý chí của một ngôi làng, từ đó tạo nên sự cố kết bền chặt cộng đồng người Cơ Tu.

Gươl A Ray ngót nghét đã trải qua 10 mùa nương lúa. Từ nhiều năm qua, gươl A Ray cũng đã trở thành địa chỉ giao lưu văn hóa, văn nghệ của đồng bào Cơ Tu thôn A Xăng. Là nơi để nhiều người tìm đến tham quan, tìm hiểu kiến trúc cổ. Tuy không mang giá trị quá to lớn, nhưng với riêng già, gươl là nơi để ông tiếp khách, để chơi, chế tác các loại nhạc cụ và truyền dạy cách đánh cồng chiêng, thổi khèn, nghề đan lát… cho thế hệ trẻ sau này.

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, già làng Ra Pát A Ray là người đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương Nam Đông. "Là một nghệ nhân đa tài, am hiểu từ kiến trúc, điêu khắc, đan lát cho đến âm nhạc…, già A Ray luôn cố gắng “giữ lửa” đam mê và “truyền lửa” tình yêu di sản văn hóa Cơ Tu đến người dân, nhất là các thanh niên. Trong những năm qua, già là người nhiệt tình tham gia biểu diễn văn nghệ tại các lễ hội, sự kiện văn hóa… và trở thành người thầy dạy âm nhạc cho nhiều người. Tháng 9 năm 2023, già A Ray đã đại diện cho huyện tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ 4 tại tỉnh Bình Định”, ông Hồ cho hay.

Bài, ảnh: Bạch Châu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chăm lo, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Đã từng đi qua chiến tranh, thấy được giá trị của sự độc lập, tự do, Hội Cựu chiến binh (CCB) trong toàn tỉnh luôn xác định, để khơi dậy truyền thống yêu nước, yêu quê hương cho thế hệ trẻ phải chính bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Chăm lo, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn

Đôi vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Ta Dưr Tư và Areel Đời, sinh sống tại huyện A Lưới đã dành cả cuộc đời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số. Với hơn 40 năm miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy, họ trở thành những ngọn lửa dẫn đường và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.

Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn
Đô thị di sản và hướng đi riêng có của Huế

Huế từ hôm nay, ngày 1/1/2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam và được xem là “đô thị di sản” đầu tiên của Việt Nam. Không chỉ là đô thị di sản đẳng cấp của Việt Nam, Huế còn được các tổ chức thế giới đánh giá cao trong công cuộc bảo tồn những giá trị ngàn xưa để lại và được phát huy giá trị một cách hiệu quả với những đặc thù, riêng biệt.

Đô thị di sản và hướng đi riêng có của Huế
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

TIN MỚI

Return to top