ClockThứ Bảy, 22/04/2023 14:13

Không gian hội tụ văn hóa Đông - Tây

TTH - Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham (53 Hàm Nghi, TP. Huế), một bảo tàng ngoài công lập chuẩn bị ra mắt và đón công chúng đến tham quan. Đây là tâm huyết của bà Cecile Le Pham (Việt kiều Pháp) sau gần 30 năm sưu tầm hiện vật từ khắp nơi trên thế giới.

Đọc & xem Thanh Tùng phỏng vấn

leftcenterrightdel
 Bà Cecile Le Pham giới thiệu về không gian trưng bày của bảo tàng

Bộ sưu tập lớn

Nằm trong khuôn viên của Khách sạn Le Domaine de Cocodo, Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham là một trong các sưu tập tư nhân có số lượng hiện vật lớn, phong phú về chất liệu, đa dạng về loại hình và có nguồn gốc từ khắp nơi trên thế giới. Hơn 1.000 hiện vật là kết quả của quá trình nghiên cứu, sưu tầm bền bỉ gần 30 năm của bà Cecile Le Pham với tâm huyết, niềm đam mê dành cho di sản văn hóa Việt Nam và khát khao khám phá văn hóa, mỹ thuật thế giới.

Không gian bảo tàng trưng bày các sưu tập hiện vật văn hóa, mỹ thuật qua các thời kỳ lịch sử, tập trung nhiều nhất trong khoảng thế kỷ XIX-XX, như: tượng Phật, kinh Phật, đồ thờ, đồ pháp khí, đồ gia dụng, đồ tùy táng, trang trí nội thất, tranh... của Việt Nam và các nước, như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Sri Lanka, Ấn Độ, Nepal, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ… Đây là những sưu tập hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật cao được chế tác bằng các chất liệu khác nhau, như: vàng, bạc, đồng, đá, gốm sứ, vải, giấy, gỗ… mang đậm dấu ấn văn hóa Đông - Tây.

leftcenterrightdel
 Một tượng Phật độc đáo được bà Cecile Le Pham sưu tầm từ nước ngoài

Không gian trưng bày chính của bảo tàng tập trung ở tầng 2 với chủ đề: "Mỹ thuật Phật giáo Á Đông - những tiếp cận đa chiều", gồm 50 tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tượng Phật, phác họa bức tranh lịch sử mỹ thuật Phật giáo xưa và nay của Việt Nam, các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới, cũng như phản ánh vị trí đặc biệt quan trọng của Phật giáo đối với đời sống văn hóa, tâm linh của người dân Huế từ xưa đến nay. Mỗi tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tượng Phật đều ẩn chứa những thông điệp từ quá khứ đến hiện tại, mở ra những góc nhìn, cách tiếp cận đa chiều khi tiếp xúc, giao lưu với các nền văn hóa khác nhau từ Đông sang Tây.

Tầng 1 của bảo tàng là nơi trưng bày Chuyên đề: “Nghệ thuật pháp lam trong đời sống đương đại”, giới thiệu 30 đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam và Trung Quốc được chế tác vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Các sản phẩm pháp lam được trưng bày đều là đồ mỹ nghệ, loại hình chủ yếu là đồ gia dụng, đồ trang trí, đồ thờ bằng vàng, bạc, đồng, được tráng men nhiều lớp, nhiều màu với kỹ thuật chế tác thủ công bởi các nghệ nhân tài hoa, do đó có giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật đặc sắc.

Đam mê dành cho văn hóa di sản

Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham là kết quả sau gần 30 năm sưu tầm hiện vật của bà Cecile Le Pham. Đam mê với cổ vật và di sản văn hóa, đến bất cứ vùng đất nào trên thế giới, bà Cecile cũng dành thời gian cho công việc sưu tầm. Đến nay, bộ sưu tập của bà có trên 1.000 hiện vật, phần lớn đều được đưa về Việt Nam. Bà Cecile chia sẻ: “Tôi muốn thành lập bảo tàng tại Huế vì đây là thành phố có nền văn hóa xưa cũ, tiêu biểu nhất là di sản triều Nguyễn. Mong muốn của tôi là những người trẻ, học sinh, sinh viên được chiêm ngưỡng những hiện vật sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới, từ đó, nuôi dưỡng niềm đam mê trong các em với di sản văn hóa”.

Mấy mươi năm qua, mỗi khi có kỳ nghỉ, bà Cecile lại dành thời gian đi sưu tầm ở khắp nơi, nhiều nhất là tượng Phật và những hiện vật liên quan đến văn hóa Phật giáo. Bà kể: “Tôi dành cả con tim và thời gian đi đến, hòa chung với người dân ở nhiều vùng dân cư trên thế giới để tìm hiểu, sưu tầm. Có nhiều món đồ tôi có được rất tình cờ, dễ dàng. Nhiều người bạn, người quen cũng nhiệt tình trao tặng hiện vật cho tôi, trong đó có những hiện vật có giá trị liên quan đến triều Nguyễn. Họ tặng cho tôi vì đơn giản đó là món đồ của Việt Nam, họ mong chúng được quay trở về đất nước”.

Được đào tạo và sống ở nước ngoài, bà Cecile chia sẻ, dù không biết nhiều về văn hóa lịch sử Việt Nam nhưng bà rất đam mê di sản văn hóa Việt. Bà bày tỏ: “Tôi rất hạnh phúc, sung sướng khi mang được nhiều hiện vật quý về đây gần 30 năm trước. Tôi muốn đem về những hiện vật khác lạ hơn cái ở Việt Nam đã có để cho công chúng chiêm ngưỡng, đồng thời thấy mình có trách nhiệm gìn giữ những hiện vật của người xưa”.

Theo TS. Nguyễn Anh Thư, giảng viên Khoa Di sản văn hóa, Đại học Văn hóa Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham là bộ sưu tập rất hấp dẫn được chủ nhân sưu tầm trong một thời gian dài với một không gian rất rộng từ gần 40 quốc gia thuộc 4 châu lục (Á, Âu, Phi, Mỹ), phong phú và đa dạng về loại hình, chất liệu lẫn ý nghĩa văn hóa.

Với đặc thù là bảo tàng mỹ thuật tổng hợp ngoài công lập đầu tiên ở Thừa Thiên Huế, nơi nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ và trưng bày, giáo dục, phát huy các giá trị văn hóa mỹ thuật qua các giai đoạn lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham sẽ là điểm đến văn hóa độc đáo để công chúng khám phá lịch sử văn hóa, quá trình giao lưu văn hóa Đông - Tây và tương tác, trải nghiệm các hoạt động liên quan đến mỹ thuật. Thông qua các hoạt động trưng bày, giáo dục, bảo tàng góp phần nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cũng như sẽ tổ chức những hoạt động thiên về hội họa cho học sinh, sinh viên.

Bài, ảnh: Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, dâng hương tại Nhà văn hoá Đại tướng Lê Đức Anh, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Sáng 29/12, trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại Nhà văn hoá Đại tướng Lê Đức Anh, thăm Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; tặng quà người có công với cách mạng tiêu biểu trên địa bàn TP. Huế.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, dâng hương tại Nhà văn hoá Đại tướng Lê Đức Anh, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Vinh danh người tặng hiện vật cho bảo tàng

Một chiếc thuyền độc mộc được nhóm thợ lặn tìm thấy và trục vớt ở lưu vực sông Bồ. Chiếc thuyền này sau đó đã được nhóm người này quyết định tặng lại cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế để nghiên cứu, phát huy giá trị.

Vinh danh người tặng hiện vật cho bảo tàng
Chuông đồng - Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình

“Những chiếc chuông không chỉ là di sản của quá khứ mà còn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nghệ thuật đương đại” - nhận định này được PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra tại hội thảo “Chuông đồng thời Nguyễn – Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình”.

Chuông đồng - Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình
Tính nữ trong tranh Đặng Thị Thu An

Họa sĩ Đặng Thị Thu An là một trong những gương mặt nổi bật của thế hệ họa sĩ 8X đầy triển vọng của xứ Huế. Với những tác phẩm mang đậm nét đặc trưng của văn hóa truyền thống, đặc biệt khắc họa hình tượng người phụ nữ, tà áo dài, chị đã góp phần tạo nên dấu ấn riêng trong nền hội họa đương đại Việt Nam.

Tính nữ trong tranh Đặng Thị Thu An

TIN MỚI

Return to top