ClockThứ Bảy, 11/03/2023 17:39

Người gìn giữ điệu dân ca dân vũ Cơ Tu

TTH - Ở xã Hồng Hạ (huyện A Lưới) có già làng Pi Hôih Cu Lai, còn gọi là Nguyễn Hoài Nam. Ông là người dạy những làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ truyền thống của đồng bào Cơ Tu nơi đây.

Rừng xanh tóc trắng

leftcenterrightdel

 Già làng Pi Hôih Cu Lai và các thành viên trong đội múa

Người thôn Pa Ring - Cân Sâm đã quá quen với tiếng chiêng trống, điệu múa của ông Cu Lai. Tham gia cách mạng từ khi còn là một thiếu niên, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Pi Hôih Cu Lai cùng đoàn Văn công miền Tây Thừa Thiên đã duy trì phong trào văn hóa văn nghệ với khẩu hiệu “Tiếng hát át tiếng bom”. Ông tâm sự: “Năm 1962, thành lập đoàn Văn công miền Tây Thừa Thiên Huế, tôi là một trong những người đầu tiên tham gia. Từ đó, tôi luôn hâm mộ phong trào văn hóa văn nghệ, tham gia tất cả các đợt phong trào ở các vùng miền, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh”.

Vốn là một cán bộ, gần 60 năm tuổi Đảng, yêu mến văn hóa truyền thống đồng bào Cơ Tu, già làng Pi Hôih Cu Lai đã dành thời gian, công sức bảo tồn các điệu múa cổ. Bởi lẽ, ông biết rằng, nếu không truyền lại cho lớp trẻ để gìn giữ, sau này giá trị truyền thống của đồng bào mình sẽ mai một dần. Theo Ông RaPat Tha - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ: “Bác Nam là tấm gương cho thế hệ trẻ học tập, noi theo. Trong quá trình hoạt động, tham gia công tác bảo tồn văn hóa, bác đã tham truyền dạy lớp dân ca dân nhạc dân vũ cho thế hệ trẻ trong giai đoạn 2016 – 2020. Bác đã được công nhận là Nghệ nhân ưu tú vào năm 2019,  là thuận lợi cho địa phương để mở lớp cho thế hệ trẻ”.

Đến nay, già làng Pi Hôih Cu Lai đã truyền dạy dân ca dân nhạc dân vũ cho trên 150 thanh niên xã Hồng Hạ và một số xã khác thuộc huyện A Lưới. Nhiều người trong số họ đã trở thành những thành viên nòng cốt của đội văn nghệ dân gian địa phương.

Chị RaPat Thêm ở xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, một trong những thành viên đội văn nghệ do già làng Cu Lai truyền dạy chia sẻ: “Hiện tại mình vẫn tham gia thường xuyên lớp truyền dạy làn điệu dân ca của bác Nam. Sau này mình sẽ tiếp nối truyền thống, dạy cho thế hệ sau một số làn điệu dân ca của đồng bào để không bị mất đi.”

Không đơn độc trên hành trình của mình, già làng Hoài Nam còn đi đến các làng khác, gặp gỡ những người có uy tín với cộng đồng cùng nhau vận động bà con chung tay xây dựng, thực hiện những mục tiêu bảo tồn văn hóa, củng cố khối đoàn kết đồng bào. Đi đến đâu, ông cũng được sự chào đón nhiệt tình của bà con. Bởi lẽ, hình ảnh của ông luôn gắn với sự giao hòa, cởi mở và đầy am hiểu.

Già làng Pi Hôih Cu Lai là một trong những già làng tiêu biểu của huyện A Lưới trong nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống địa phương. Trong quá trình thực hiện đề án bảo tồn văn hóa, ông đóng vai trò quan trọng, tập hợp, quy tụ được sự đồng thuận của cộng đồng trong mục tiêu chung, góp phần thực hiện tốt đề án bảo tồn văn hóa ở huyện A Lưới. Ông Cu Lai bày tỏ: “Mong muốn của bà con và tôi đó là các làn điệu dân ca, dân vũ được lan tỏa, gắn kết trong đồng bào ở địa phương. Xã và bản thân tôi cũng muốn làm sao hoạt động tổ chức văn hóa văn nghệ thường xuyên được duy trì, phát triển”.

Thung lũng Tà Lương, nơi có xã Hồng Hạ đẹp như tình đoàn kết gắn bó của đồng bào Cơ Tu, Pa Cô và Tà Ôi. Với ông Cu Lai, núi rừng là nơi để tiếp thêm mong muốn lưu giữ giá trị truyền thống đặc biệt là dân ca dân nhạc dân vũ, để rồi lại hướng dẫn, truyền dạy cho đồng bào mình. Như sự vững chãi của dãy núi A Co, những nỗ lực không mệt mỏi của nghệ nhân Nguyễn Hoài Nam, hay Pi Hôih Cu Lai, đã gắn kết người già và người trẻ trong hành trình bảo tồn văn hóa các đồng bào.

Bài, ảnh: BẢO LINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Chung tay gìn giữ môi trường”

Được triển khai vào cuối tháng 9 vừa qua, mô hình “Chung tay gìn giữ môi trường” giai đoạn 2024 – 2025 do Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) phối hợp cùng Ban Dân vận Thành ủy Huế thực hiện đang cho thấy những tín hiệu tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu dân cư.

“Chung tay gìn giữ môi trường”
“Kho báu” của người Pa Cô

“Mình luôn sợ thời gian đi nhanh quá mà mình thì chậm, chỉ lo lắng làm không kịp nhiều thứ cho con cháu mai sau” - Già Hạnh hướng mắt về dãy Trường Sơn trùng điệp phía xa xa, bày tỏ tiếng lòng. Bao đời nay người Pa Cô của già đều nương náu dưới chân dãy núi này. Nhìn văn hóa truyền thống của cha ông mai một dần theo năm tháng khiến lòng già đau đáu, phải bằng mọi cách gìn giữ, bảo tồn được những nét đẹp của dân tộc mình.

“Kho báu” của người Pa Cô
Già làng, người có uy tín - Cầu nối cho hành trình giảm nghèo

Huyện miền núi A Lưới đã vinh dự khi được công nhận thoát khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước. Đây là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ từ chính quyền và cộng đồng, đặc biệt có vai trò của các già làng, người có uy tín (NCUT). Với tâm huyết và sự hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán, họ đã trở thành cầu nối, giúp bà con dân tộc thiểu số (DTTS) vượt qua khó khăn và phát triển kinh tế bền vững.

Già làng, người có uy tín - Cầu nối cho hành trình giảm nghèo

TIN MỚI

Return to top