ClockThứ Năm, 06/02/2020 06:45

Nâng tầm vị thế khu di sản Huế

TTH - Đó là nỗ lực của Thừa Thiên Huế, là nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đối với di sản văn hóa đồ sộ do triều Nguyễn để lại.

Vào Hoàng cung Huế thăm Tết xưa qua mộc bảnHoàng cung dựng nêu đón TếtHoàng bào triều NguyễnCần tập trung tăng chất lượng dịch vụ tại khu di sản Huế

Du khách tham quan Đại Nội. Ảnh: Đăng Tuyên

Trong các kinh đô cổ của Việt Nam, Huế là nơi duy nhất còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình. Trong quá khứ vàng son, Huế đã tạo cho mình một nền văn hoá phong phú và đặc sắc vừa kế thừa truyền thống văn hoá Thăng Long vừa tiếp thu những yếu tố mới của miền Trung, miền Nam và bên ngoài để tạo nên một sắc thái riêng biệt của một vùng văn hóa - văn hóa Huế. Đến nay, Huế được UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu của Việt Nam về bảo tồn di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quan điểm của Bộ Chính trị nêu rõ, xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là cơ hội lớn để Thừa Thiên Huế khẳng định và nâng cao vị trí, vai trò của di sản văn hóa, xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển trên nền tảng di sản văn hóa, trong đó phần quan trọng nhất là tinh hoa di sản văn hóa cung đình Huế.

Rước tre trong lễ Dựng nêu ở Thế Miếu

Năm 2020, tại khu di sản Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Phối hợp tổ chức thực hiện Đề án di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế; phương án khai thác, sử dụng các di tích sau khi hoàn thành việc di dời, giải phóng mặt bằng; thực hiện các đề án khai thác dịch vụ phát huy giá trị di tích; số hóa cơ sở dữ liệu di tích; đổi mới mô hình hoạt động; phục hồi, tôn tạo, chú ý hệ thống cây xanh và vườn hoa phân tán trên toàn bộ khuôn viên; tăng cường quản lý nguồn thu và thu hút nguồn lực xã hội hóa; đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động dịch vụ…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cần khai thác có hiệu quả hơn nữa những tiềm năng, thế mạnh của khu di sản Huế, nhất là trong các hoạt động dịch vụ. Đồng thời, quan tâm hơn nữa việc kêu gọi xã hội hóa các hoạt động dịch vụ, khai thác giá trị di tích theo hướng hạn chế số lượng khách nhưng tăng chất lượng dịch vụ, sắp xếp các điểm dịch vụ trong di tích và có phương án phù hợp để giảm tải khách tham quan tại các di tích tôn nghiêm, trang trọng.

Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch chia sẻ hai việc cần thiết để góp phần nâng tầm vị thế của khu di sản Huế. Theo ông Lê Hữu Minh, việc giá vé tham quan khu di sản Huế được tăng theo lộ trình là phù hợp, nhưng sẽ thuyết phục hơn nếu các hoạt động dịch vụ ở các điểm tham quan tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ và nâng cao nguồn thu từ lĩnh vực này. Thừa Thiên Huế cũng cần có cơ chế, chính sách hợp tác thích hợp với các đơn vị lữ hành để tạo ra sức hút du khách mạnh hơn cho khu di sản Huế. Theo kinh nghiệm của người hoạt động trong lĩnh vực du lịch, ông Minh cho rằng, nhiều địa phương khác đều cân đối, tính toán và thực hiện được chính sách này nên được các hướng dẫn viên du lịch làm tốt nhiệm vụ bắc cầu để đưa du khách về địa phương.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao lại có những đề xuất gần gũi, cụ thể với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế. Theo TS. Phan Thanh Hải, để tiếp tục đi sâu vào công việc căn cốt là bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cần tiếp tục ưu tiên quan tâm đến hoạt động ở các lĩnh vực, gồm: nghiên cứu khoa học, hợp tác đối ngoại và đào tạo cán bộ. Làm sao để Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hội tụ đủ điều kiện trở thành một trung tâm mẫu mực về trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây chính là sự khẳng định, nâng tầm một cách thuyết phục vị thế của Thừa Thiên Huế và khó có địa phương nào có thể so sánh được. Điều này cũng phù hợp với việc định hình một đô thị di sản trong tương lai của Thừa Thiên Huế.

Được sự đồng ý của UBND tỉnh, năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ triển khai việc tổng đánh giá, kiểm kê các tài sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Trong nhiệm vụ này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng phối hợp kiểm kê, đánh giá tổng thể các di sản văn hóa cung đình thuộc triều Nguyễn mà đơn vị đang quản lý. “Chúng tôi rất mong đây là cơ hội để Thừa Thiên Huế kiểm kê, đánh giá một cách đầy đủ những tài sản văn hóa đang được địa phương quản lý. Đồng thời, cũng là cơ hội để Thừa Thiên Huế hoàn chỉnh hồ sơ để có thể tái đề cử Quần thể Di tích Cố đô Huế có bổ sung thêm các tiêu chí. Tôi cho rằng, thời điểm này là cơ hội thuận lợi vì nhiệm vụ tương thích với Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, phù hợp với định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị di sản đặc thù, thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng di sản văn hóa”, TS. Phan Thanh Hải nói.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Động lực mới cho di sản Huế

Thành phố Huế - Đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, đang từng bước biến những giá trị văn hóa lịch sử thành động lực kinh tế, tạo nên một mô hình phát triển bền vững, vừa bảo tồn vừa phát huy các giá trị di sản.

Động lực mới cho di sản Huế
Nâng tầm vị thế cho nền kinh tế

2024 là năm đánh dấu nhiều sự kiện trọng đại ở vùng đất Cố đô. Ngoài sự kiện mang tính lịch sử trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Huế còn là điểm dừng chân của các nhà đầu tư lớn với những siêu dự án được động thổ và hoàn thành, góp phần nâng tầm vị thế của thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của cả nước.

Nâng tầm vị thế cho nền kinh tế
Mở rộng hợp tác quốc tế để nâng cao vai trò, vị thế

Với vai trò 2 quận trung tâm của TP. Huế trực thuộc Trung ương, năm 2025, lĩnh vực hợp tác quốc tế (HTQT) sẽ tiếp tục được mở rộng thông qua việc xây dựng chiến lược về kênh thông tin đối ngoại nhằm quảng bá hình ảnh của TP. Huế, đồng thời nâng cao hiệu quả ứng dụng các kênh truyền thông, mạng xã hội trong triển khai công tác thông tin đối ngoại trên địa bàn.

Mở rộng hợp tác quốc tế để nâng cao vai trò, vị thế
Nâng tầm sản phẩm nông thôn đặc trưng, tiêu biểu

Xác định phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, gần đây, ngành công thương đã triển khai hiệu quả các chương trình khuyến công, góp phần nâng tầm các sản phẩm nông thôn đặc trưng, tiêu biểu và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Nâng tầm sản phẩm nông thôn đặc trưng, tiêu biểu

TIN MỚI

Return to top