ClockThứ Bảy, 31/07/2021 06:45

Điêu khắc từ than đá

TTH - Với trưng bày chuyên đề “Nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh” do Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với Bảo tàng Quảng Ninh tổ chức từ ngày 22/7 đến hết tháng 9, công chúng Huế có dịp chiêm ngưỡng những sản phẩm mỹ nghệ than đá có giá trị từ bàn tay khéo léo của nghệ nhân vùng mỏ.

Trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ than đá

Tác phẩm “Bác Hồ với công nhân mỏ”

Tinh xảo

Đến không gian trưng bày “Nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh” tại Di Luân đường ở Quốc Tử Giám (Huế), nhiều người trầm trồ, thán phục trước sự tinh xảo, độc đáo của hơn 100 sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ than đá. Những tượng phật Di Lạc, Bồ Tát, Quan Công; tượng bán thân, tượng truyền thần; những sản phẩm lưu niệm nhỏ xinh: con giống, thuyền buồm, trẻ chăn trâu thổi sáo; những biểu tượng của Quảng Ninh: vịnh Hạ Long, Hòn Gà chọi, Hang Luồn… đến các sản phẩm mang tính ứng dụng: gạt tàn, lọ hoa, ống cắm bút và cả trang sức đều được chạm khắc tinh xảo đến từng chi tiết. 

Từ những hòn than xù xì và thô ráp, để làm ra một sản phẩm có hồn là cả một quá trình sáng tạo tỉ mỉ, khéo léo của người thợ. Mỗi tác phẩm đều thể hiện sự kết tinh của trí tuệ, sức sáng tạo, bàn tay khéo léo và sự say nghề không mệt mỏi của các nghệ nhân vùng đất mỏ. Ấn tượng nhất là tác phẩm “Bác Hồ với công nhân mỏ” được điêu khắc sống động đến từng ánh mắt, nụ cười. Những nghệ nhân Quảng Ninh còn dành tặng xứ Huế những tác phẩm điêu khắc về Đại Nội, Phu Văn Lâu, cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ…

Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử cho hay: “Chính sự cần mẫn, tỉ mỉ của nghệ nhân tạo ra vẻ đẹp, sự hấp dẫn cho các sản phẩm mỹ nghệ than đá. Mỗi tác phẩm đều mang trong mình nhiều giá trị nghệ thuật, văn hóa và dần trở thành nét đẹp văn hóa riêng của vùng đất Quảng Ninh”.

Ngoài sản phẩm mỹ nghệ than đá, trưng bày còn giới thiệu các tư liệu, hình ảnh về lịch sử hình thành và phát triển ngành than, đáng chú ý là chỉ dụ năm 1840 của vua Minh Mạng đánh dấu mốc khai sinh ra ngành khai thác than tại Việt Nam, giới thiệu về di tích địa điểm khai thác than đá đầu tiên tại Việt Nam thuộc núi Yên Lãng cũng như các hình thức khai thác than từ khi ra đời cho đến nay.

Công phu

Nhiều sản phẩm trưng bày tại Huế đến từ cơ sở mỹ nghệ than đá Quyết Bình (Hạ Long, Quảng Ninh). Vốn là nghề gia truyền qua 3 thế hệ, vợ chồng anh Nguyễn Văn Quyết và chị Nguyễn Thị Thanh Bình làm nghề được 36 năm. Chị Bình chia sẻ: “Than đá nguyên chất có đặc tính cứng và giòn nên việc chạm khắc trên chất liệu than đá đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và chính xác cao, phải là than đá nguyên chất hoặc than đá già, có độ bóng và mịn mới làm được. Mỗi sản phẩm đều được làm từ than nguyên khối theo đúng kích thước, tỷ lệ, nếu vỡ là phải bỏ. Vì vậy, người thợ phải làm thủ công bằng tay gần như 100%”.

Từ bàn tay khéo léo của người thợ, những hòn than đen trở thành tác phẩm nghệ thuật có hồn, có sức sống

Điêu khắc than đá là một nghề độc đáo, riêng có ở xứ mỏ Quảng Ninh. Hàng mỹ nghệ từ than đá rất kén người làm, công việc chế tác cũng vất vả, bụi bặm. Mỗi tác phẩm than đá nghệ thuật đều cần nhiều công đoạn, nhiều người thực hiện. Sau khi chọn phôi than nguyên khối phù hợp với tác phẩm định tạc, nghệ nhân cưa, cắt, đục, mài, gọt giũa, trau chuốt, tạo độ bóng, mịn rồi chỉnh sửa, hoàn thiện sản phẩm. Tùy vào độ to, nhỏ, mức độ cầu kỳ phức tạp, mỗi sản phẩm cần từ 5 - 12 người mới hoàn thành. Vì thế, nó là kết tinh công sức của nhiều người.

Không phải loại than đá nào cũng được dùng để làm than đá mỹ nghệ. Nguyên liệu dùng để chạm khắc, chế tác các sản phẩm mỹ nghệ than đá phải là loại than đá tốt nhất chỉ có ở vùng đất Quảng Ninh. Với những yêu cầu đặc thù riêng về màu sắc, độ cứng, giòn và khả năng chế tác nên than altraxit được ưa chuộng.

Ông Kiều Đinh Sơn, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh cho hay: “Theo các nghệ nhân chế tạo lâu năm, nguyên liệu chế tác ra những tác phẩm nghệ thuật than đá thường được nghệ nhân lựa chọn tại các vỉa than khai thác lộ thiên (mỏ Đèo Nai, Cọc 6) có đủ độ tuổi hóa thạch, đạt chuẩn các tiêu chí ngang dọc, có tuổi cao, rắn chắc. Nguyên liệu than đá sau khi khai thác phải được lựa chọn kỹ từng hòn than, đẽo gọt chỉ lấy phần thịt. Than không được pha tạp chất, không có vết nứt vì sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chất lượng sản phẩm”.

Từ bàn tay khéo léo, những hòn than đen qua sự gọt giũa của người thợ trở thành những tác phẩm nghệ thuật có hồn, có sức sống. Mỗi tác phẩm than đá mỹ nghệ thể hiện một trình độ chạm khắc, điêu khắc tinh xảo cũng như sự tài hoa của mỗi nghệ nhân vùng mỏ.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuông đồng - Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình

“Những chiếc chuông không chỉ là di sản của quá khứ mà còn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nghệ thuật đương đại” - nhận định này được PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra tại hội thảo “Chuông đồng thời Nguyễn – Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình”.

Chuông đồng - Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình
Phú Xuân - Gia Định, những dấu ấn lịch sử

Đó là chủ đề của triển lãm được Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, khai mạc sáng 29/11 tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh (số 65 đường Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh).

Phú Xuân - Gia Định, những dấu ấn lịch sử
Tôn vinh nhiều cá nhân hiến tặng hiện vật cho bảo tàng

Trong năm 2024, có 6 cá nhân tặng hiện vật và 9 cơ sở, cá nhân sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống Huế hỗ trợ cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trong công tác trưng bày, triển lãm nhằm quảng bá di sản văn hóa Huế đến với công chúng, khách tham quan.

Tôn vinh nhiều cá nhân hiến tặng hiện vật cho bảo tàng

TIN MỚI

Return to top