ClockChủ Nhật, 23/04/2023 09:03

Lan Huế: “Người dịch tốt, bản dịch sẽ hay”

TTH - “Cũng như tác giả của cuốn sách, người dịch cũng nâng niu tác phẩm như chính đứa con của riêng mình, lúc nào cũng cố gắng hết sức để đứa con của mình ra đời được trọn vẹn nhất có thể”. Võ Thị Hương Lan - cô gái Huế theo đuổi niềm đam mê dịch thuật đã tâm sự như thế khi nói về công việc mà mình đang theo đuổi.

Nhà văn, dịch giả Bửu Ý ra mắt sách về thi sĩ Bùi GiángSách hay: Sự khắt khe làm nên giá trị

leftcenterrightdel
 Võ Thị Hương Lan - người được biết đến với cái tên Lan Huế thông qua nhiều tác phẩm văn học dịch

Nhiều người biết đến Hương Lan với cái tên thân thương Lan Huế trong vai trò là hướng dẫn viên du lịch dịu dàng, dễ thương, đậm chất Huế. Về sau, cái tên này cũng trở thành “thương hiệu” gắn liền với rất nhiều tác phẩm của chị.

Chị đến công việc với dịch thuật, cụ thể là dịch truyện ngắn, tiểu thuyết như thế nào?

Mình bắt đầu công việc dịch thuật từ năm 2006 khi làm việc cho Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại (FORSCE) của Sở Ngoại vụ Thừa Thiên Huế. Tài liệu dịch ở trung tâm chủ yếu là các loại giấy tờ hành chính và các tài liệu dự án, ít khi có tài liệu văn học thế nên thường sau giờ làm việc mình ngồi dịch những truyện ngắn mà mình đã từng đọc và yêu thích và xem đó chỉ là thú vui.

leftcenterrightdel
 Bìa cuốn “Nhân chứng buộc tội” - một trong những tác phẩm được Lan Huế dịch

Sau khi làm ở FORSCE chừng một năm thì mình chuyển qua làm cho một công ty nước ngoài có văn phòng đại diện ở Huế. Cơ duyên đưa đẩy, năm 2014, chị sếp trực tiếp của mình ở FORSCE nhận một dự án dịch sách của NXB Trẻ và chị nhớ là mình rất mê dịch văn học nên liên lạc với mình để mời cộng tác. Thế là, mình bén duyên với công việc dịch sách từ đó.

Trong số những tác phẩm chị đã dịch, cuốn nào khiến chị ấn tượng nhất?

Gần 10 năm qua, mình chỉ dịch được bốn tác phẩm văn học, gồm: “Chuỗi án mạng ABC”, “Nhân chứng buộc tội” của nữ hoàng truyện trinh thám Agatha Christie, “Thợ xăm ở Auschwitz” của Heather Morris và “Những trái tim lửa cháy - Paris 1968” của Bill Pearl.

Đối với mình, cuốn sách nào mình đọc và thấy thích mới nhận lời dịch và trong bốn cuốn đó mình thật sự bị rung động bởi “Thợ xăm ở Auschwitz”. Mình nhớ khi đọc cuốn này lần đầu tiên, mình đã rơi nước mắt và vô cùng xúc động vì đoạn đời quá gian truân nhưng vô cùng đẹp đẽ, đầy tình người của Lale - nhân vật chính.

Thầm cảm ơn những người lặng lẽ phía sau

Với Lan Huế, dịch sách giống như… mang thai hộ. Chị nói dù không sáng tạo ra câu chuyện nhưng chị kể lại câu chuyện ấy bằng ngôn ngữ khác và cảm nhận của riêng mình. Và rồi chị cảm nhận việc mang thai hộ không còn khác chuyện mang thai thật là mấy nữa.

“Khi con chào đời và người ta đặt con vào vòng tay tôi, tôi mân mê từng trang sách để tìm lại những yêu thương và đam mê mình đã trút vào trong từng câu, từng chữ ấy. Lúc đó, tôi cảm thấy yêu thương hơn những người đã cho mình sức mạnh để vượt qua khó khăn trong thời kỳ thai nghén. Tôi biết ơn người mẹ lớn “Tác giả” đã tạo ra con bằng tiếng Anh, để rồi tôi được tiếp tục nhào nặn con bằng tiếng Việt - ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Tôi cảm phục những bà mụ “Biên tập viên” tâm huyết đã trau chuốt và nâng niu để con được ra đời khỏe mạnh và kháu khỉnh... Và độc giả yêu quý ơi, giờ đây tôi xin trao những đứa con của mình vào tay các bạn. Cảm ơn bạn đã quyết định đưa tay ra đón lấy...”, Lan Huế trải lòng.

Ngoài truyện, tiểu thuyết chị có niềm đam mê dịch về thể loại nào nữa không?

Mình đang bắt đầu với thể loại sách về lịch sử văn hóa. Khác với những tác phẩm văn học mình đã dịch là chuyển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Việt, giờ đây với thể loại sách nghiên cứu về lịch sử - văn hóa mình chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Anh.

Đương nhiên là thể loại sách nghiên cứu này mình thấy khó hơn nhiều. Nó khá mới mẻ đối với mình. Thêm nữa, dịch sách sang thứ tiếng không phải là tiếng mẹ đẻ, mình cũng gặp không ít thách thức.

Những cuốn được chị lựa chọn dịch dựa trên những tiêu chí nào?

Dịch sách là niềm yêu thích của mình nên mình thường lựa chọn dựa trên cảm nhận của mình về cuốn sách đó. Mình luôn đọc qua một lượt xem nó có hợp gu với mình không, hoặc nó có gây cho mình ấn tượng nào đặc biệt không.

Nếu cả hai câu hỏi mình đều cảm nhận là "có" thì mình mới nhận dịch. Mình biết, nếu mình yêu thích nó thì dù khó khăn mấy, mình cũng sẽ cố gắng để vượt qua được và hoàn thành bản dịch.

Thường dịch một cuốn sách mất bao lâu, với chị?

Thường thì mình mất khoảng 6 tháng để hoàn thành một bản dịch. Cũng vì mất nhiều thời gian như thế nên nếu chọn dịch cuốn sách không yêu thích thì mình phải… chịu đựng nó đến nửa năm. Đó là lý do mà mình rất cân nhắc khi nhận lời dịch một cuốn sách nào đó.

Khác với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội - nơi có rất nhiều NXB cùng với đội ngũ theo đuổi công tác dịch thuật hùng hậu, sôi động, với Huế, chị thấy sao?

Tôi nghĩ Huế thì chỉ góp một phần nhỏ của mình vào công tác dịch thuật hùng hậu và sôi động đó thôi.

“Dịch giả hiện nay đều bị trả công thấp” - từng có ý kiến như thế. Chị nghĩ sao về ý kiến này?

Ý kiến đó không hề sai. Mình cũng đang không sống bằng nghề dịch sách. Dịch sách đối với mình là niềm vui và cơ hội được học và đọc kỹ hơn những cuốn sách mà mình yêu thích mà thôi.

Ranh giới “dịch hay - dịch dở” theo chị ở bản dịch hay người dịch?

Đương nhiên là ở bản dịch chứ. Nếu người dịch tốt thì thường bản dịch sẽ hay. Hiếm khi người dịch không tốt mà lại có bản dịch hay được.

Dịch giả là người cô đơn, phải vậy không chị?

Mình thấy người dịch cũng như một người mẹ sinh con và mình thì mình cũng không thấy cô đơn quá. Có lẽ vì mình may mắn có những người đồng hành tuyệt vời. Đương nhiên đối với một bản dịch, người dịch phải là người chịu trách nhiệm chính nhưng người dịch còn có thể nhờ đến sự trợ giúp của đồng nghiệp, các chuyên gia và các biên tập viên cũng như người mẹ khi sinh con cần sự hỗ trợ của bác sĩ và y tá vậy.

Cảm nhận của chị về văn hóa đọc của người Huế?

Những năm trước, mỗi lần đi nhà sách mình đều thấy các độc giả nhất là các bạn trẻ ngồi đọc “cọp” sách rất đông. Giờ đây hình ảnh đó có vẻ như đang vơi dần. Hy vọng là không phải các bạn trẻ Huế không còn tha thiết nhiều với văn hóa đọc, mà là các bạn đã dần chuyển từ sách đọc sang loại hình sách khác, như sách nói hay sách điện tử.

Mình mong có thêm nhiều nhóm đọc sách (như Câu lạc bộ Đọc sách Vui vẻ do cô Khánh Linh dẫn dắt) để các bạn trẻ Huế được gặp gỡ và giao lưu với những người cùng có niềm yêu thích sách vở.

Chị đang dịch cuốn nào hay có ý định dịch cuốn nào, thưa chị?

Mình vẫn đang "ngó nghiêng" đây đó để tìm được cuốn sách vừa ý tiếp theo. Hy vọng, mình sẽ sớm được dịch một cuốn sách viết cho giới trẻ về chủ đề yêu thương – giúp nâng đỡ tâm hồn người đọc và chạm tới trái tim mình.

Xin cảm ơn Lan Huế!

Nhật Minh (Thực hiện)

Ảnh: Hương Lan cung cấp
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ra mắt kiệt tác văn chương Pháp qua bản dịch của dịch giả Bửu Ý

Đây là những tác phẩm từng được ấn hành trước 1975, nay được Công ty sách Phanbook phối hợp NXB Văn hóa – Văn nghệ giới thiệu trở lại trong một hình thức hoàn toàn mới gồm 3 cuốn: “Đứa con đi hoang trở về”, “Vỡ mộng”, “Thư gửi một con tin” được dịch giả tài hoa Bửu Ý dịch.

Ra mắt kiệt tác văn chương Pháp qua bản dịch của dịch giả Bửu Ý
Trồng lan không khó

Đoan chắc, bất cứ ai từng đến vườn lan của Cty TNHHNNMTV Lâm nghiệp Tiền Phong (Cty Tiền Phong) đều phải tần ngần trước sắc màu rực rỡ của các loại lan đại hồ điệp, dendro… được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến

Trồng lan không khó

TIN MỚI

Return to top