ClockThứ Sáu, 26/01/2018 10:09

Khóm hoa vạn thọ của nội

TTH - Cứ mỗi độ năm hết, tết đến là nội tôi "kết lương duyên" với khóm hoa vạn thọ trước hiên nhà.

Nội chỉ thích duy nhất hoa vạn thọ vì nó tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, thể hiện ý nguyện con người luôn vươn đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nội thường nhắc tới loài hoa dân dã nhưng vô cùng mạnh mẽ - hoa vạn thọ với cả tấm lòng trân trọng và cả sự hoài niệm về quá khứ: Hoa mang ý nghĩa trường tồn, mong cầu các bậc sinh thành, dưỡng dục như ông bà, cha mẹ sống lâu, tồn tại mãi trên cõi nhân thế để sum vầy cùng con, cháu.

Nội tôi đã đón 83 mùa xuân trên cõi nhân thế, trong ngần ấy thời gian đã có hơn 40 năm nội gắn kết với mấy luống hoa vạn thọ trước sân nhà. Hàng năm, cứ đến đầu tháng mười âm lịch là nội sửa soạn cuốc đất, trồng hoa, chẻ tre, rồi gánh triêng gióng đi gom phân bò, trâu ở ngoài các con đập, triền đê về chất thành đống, rồi ủ rơm mục, ướp cho hoai để bón dần mấy luống hoa vạn thọ. Do “mát tay” chăm sóc nên khóm vạn thọ nội trồng lá xanh mơn mởn, thân cây cứng cáp, ít bị sâu rầy cắn phá. Hình như nội nắm chắc đặc tính của loại hoa này là không thích phân hóa học, chỉ hợp với phân hữu cơ, phân chuồng, phân tro bếp. Khóm hoa vạn thọ trước sân là niềm vui sống tuổi già của nội và ít nhiều cũng đem lại thu nhập, có tiền lì xì cho bọn trẻ khi tết đến, xuân về.

Mấy năm nay, nội chuyển sang trồng hoa thọ giống cây thấp, nhập khẩu từ Nhật Bản, dòng cây lá nhỏ, đóa hoa lớn, có màu vàng đậm. Hoa thọ nội trồng chủ yếu là để vào chậu để bán cho người ta chưng tết, đòi hỏi thân cây phải cứng cáp, cành lá sum xuê, có nhiều lộc non, hoa nở lâu tàn. Vừa trồng hoa, vừa đúc chậu. Nội kiêm luôn công việc thợ nề, đúc chậu xi măng để sẵn chờ sang giữa tháng Chạp là cho hoa vào chậu.

Nhìn tay nội thoăn thoắt uốn uốn, tỉa tỉa chẳng khác thợ đúc khuôn, chậu thực thụ, tôi trêu: Nội học nghề đúc chậu ở mô ra mà tài rứa? Nội nhoẻn cười: Có chi khó mô cháu, chỉ sợ mình không chịu học, không chịu khó suy nghĩ, tìm tòi, động não mà thôi, chứ thiệt ra hắn dễ lắm! Ghép tim, ghép tạng để cứu mạng, người ta còn làm được, huống chi đúc chậu chỉ là chuyện nhỏ. Chậu mô vừa đúc xong nhìn chưa tròn thì đập vỡ, đến khi mô thiệt tròn trịa, nhìn ưng ý thì thôi. Nội còn đọc vanh vách lịch trình làm việc và luôn tỏ ra mình là người bận rộn.

Người ta thường bảo “Nhà vườn ăn cau sâu”, còn nội thì ngược lại. Sau thành quả lao động cật lực, miệt mài suốt mấy tháng, hàng trăm cây hoa vạn thọ đã vào chậu tươm tất, xếp thành hàng trước sân thẳng tắp, nội đi đi, lại lại nhiều vòng, rồi bỗng dưng nội tách ra một cặp đẹp nhất để dành chưng trước nhà thờ gia tiên. Nội tôi thường răn dạy con cháu: “Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng? Nếu đứa nào vô tâm, không nhớ nghĩ, tri ân nguồn cội, tiên tổ thì đứa nớ chỉ có mà… cụt đầu”.

Về thăm nội trong những ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018, thấy nội vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh như trước, đang cần mẫn chăm sóc mấy luống hoa vạn thọ trước hiên nhà, tôi mừng thầm và cầu mong nội luôn được minh mẫn, trường thọ đến trăm tuổi như ý nghĩa của loài hoa vạn thọ kia để được sum vầy, hạnh phúc bên con, cháu.

Võ Văn Dần

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những ngày đất nghỉ

Huế mưa mấy hôm rồi, chú Tư gọi điện: “Về nhà lấy ít gạo thím vừa xay xong lên ăn con. Mà đợi cho ngớt mưa rồi đi, thím để dành cho đó rồi!”. Bên kia chú cúp máy rồi mà bên này tôi vẫn còn nghe hơi ấm vây quanh, như thấy trước mắt mình dáng đi gù gù của chú.

Những ngày đất nghỉ
Vinh danh các tác phẩm chính luận xuất sắc về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tối 20/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo 35 Trung ương chỉ đạo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ tư.

Vinh danh các tác phẩm chính luận xuất sắc về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Nắng bên hiên nhà

Liên trở về căn nhà nhỏ nơi làng Trâm khi trời đã tối mịt. Cô lấy chìa khóa giấu phía dưới chậu xương rồng rồi mở cửa. Mưa gió khiến ổ khóa nơi cánh cửa gỗ hoen gỉ, khiến Liên phải mất một lúc mới mở được khóa. Đã mấy tháng rồi Liên không về nơi này. Cây xoài già rụng lá đầy trên sân, khiến mỗi bước chân Liên lại vọng lên tiếng lạo xạo. Căn nhà sực lên mùi ẩm mốc, bụi bặm. Liên vội mở cánh cửa sổ để gió ngoài vườn tràn vào, xóa đi sự ngột ngạt, bức bí trong nhà. Gió ở vườn mang theo mùi thơm của cây lá thanh mát khiến sự nặng nề trong lòng Liên cũng chậm rãi dịu xuống.

Nắng bên hiên nhà
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Những bình yên bên hiên nhà

Ngày mùa đông thảnh thơi ngồi bên bếp lửa hồng, thong dong ngắm nhìn mưa bay và gió lạnh chầm chậm dừng chân bên thềm nhà. Chỉ có sự an yên tràn trong chái bếp nhỏ. Bữa cơm thanh lành giữa chiều bình dị đầy tiếng chim lích chích trong khu vườn xanh bóng lá. Những bức tranh yên ấm ấy, luôn trở đi trở lại trong tập thơ, tản văn “Tiếng mưa” (NXB Dân Trí, 2023) của Lê Bích Nguyệt như nỗi khát khao về một nhịp sống đầy tự tại bên cây cỏ, hoa lá, để năm tháng cứ thế bình lặng đi qua hết dâu bể cuộc đời.

Những bình yên bên hiên nhà

TIN MỚI

Return to top