ClockChủ Nhật, 15/05/2022 10:17

Hai bức ảnh quý về Bác Hồ với nhà thơ Thanh Hải

TTH - Nhà thơ Thanh Hải tên thật Phạm Bá Ngoãn, sinh ngày 4/11/1930 tại xã Phong Bình, huyện Phong Điền. Ông tham gia cách mạng từ kháng chiến chống Pháp, rồi tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Trị Thiên Huế.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ tranh về Bác HồDâng hoa, dâng hương tại Nhà lưu niệm Bác Hồ

Giấc mơ “... mà ngờ Bác hôn” của nhà thơ Thanh Hải đã thành hiện thực

Trong những năm chống Mỹ, Thanh Hải viết với tư cách một nhà thơ chiến sĩ, phản ánh chân thực cuộc chiến đấu và cuộc sống của cán bộ, Nhân dân miền Nam anh hùng, bất khuất. Những bài thơ của Thanh Hải trong thời kỳ này đã được đông đảo bạn đọc cả nước biết đến và công chúng đã thừa nhận ông là một nhà thơ của cách mạng miền Nam. Nhà thơ Vũ Quân Phương nhớ lại: “Thơ Thanh Hải được đông đảo bạn đọc biết đến từ năm 1962… Thơ Thanh Hải khi ấy được cả miền Bắc nâng niu, coi đó là tiếng nói nhớ thương, niềm khát khao đoàn tụ của miền Nam xa cách. Từ đó, những bài thơ Thanh Hải liên tục được giới thiệu trên báo chí miền Bắc” (Lời Tựa tập Thanh Hải - Thơ với tuổi thơ, NXB. Kim Đồng, 2001).

Thơ ông nổi tiếng với nhiều bài, trong đó có bài “Cháu nhớ Bác Hồ” nhiều người thuộc. Tháng 10/1962, nhà thơ Thanh Hải cùng đoàn đại biểu Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam do GS. Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu ra thăm miền Bắc. Dịp đó, nhà thơ Thanh Hải được gặp Bác Hồ.

Nhiều tư liệu ghi lại lời kể của nhà thơ: “Sau hai ngày đến miền Bắc, sáng ngày 21/10/1962, chúng tôi được vào thăm Bác. Giờ phút đó biết bao hồi hộp. Biết tin ấy từ hôm đầu, vậy mà chúng tôi vẫn bất ngờ. Đồng chí Xuân Thủy đưa chúng tôi đến Phủ Chủ tịch. Xe vừa dừng, chúng tôi đã thấy Thủ tướng chờ sẵn. Thủ tướng vồn vã đưa chúng tôi về một góc vườn có bộ bàn ghế mây lịch sự đã bày sẵn bánh kẹo, hoa quả. Chúng tôi vừa ngồi vào bàn thì Bác đến. Bác ôm hôn chúng tôi và hỏi ngay sức khỏe của mọi người trong đoàn… Anh Nguyễn Văn Hiếu trân trọng thưa với Bác lời kính thăm của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng đến Bác và Thủ tướng. Anh nói: - “Đồng bào miền Nam luôn luôn nhắc tới Hồ Chủ tịch với tấm lòng kính yêu vô hạn”. Bác hỏi và nghe anh Hiếu kể chuyện. Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ vào tôi để giới thiệu với Bác, Bác gật đầu:

- Có biết, Bác có đọc rồi.

… Vì là đoàn đại biểu Mặt trận đầu tiên ra thăm miền Bắc, nên Bác hỏi chúng tôi nhiều về tình hình, về phong trào, về đời sống của đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Và buổi sáng hôm đó, chúng tôi vinh dự được dâng lên Bác và Thủ tướng những tặng phẩm của đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Trong tặng phẩm dâng lên Bác có tập thơ chép tay của anh Trọng Tuyển. Trước khi hy sinh, anh Trọng Tuyển có ước mơ duy nhất là được gửi kính tặng Bác tập thơ tự tay anh viết. Ước mơ đó của anh hôm nay đã thành sự thật. Bác cầm tập thơ lắng đi một lúc. Với niềm xúc động và tình thương bao la đối với miền Nam, Bác đưa tay lên ngực trái, chỗ trái tim mình và nói: - “Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có cái này - Ngừng một chút, Bác nói tiếp với giọng đầy xúc động - Hình ảnh miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi”.

Mấy hôm sau, đến thăm kỳ họp của Quốc hội, chúng tôi lại được gặp Bác. Hôm ấy chúng tôi thấy Bác rất vui. Bác kéo tôi đứng gần bên Bác, Bác thân mật giới thiệu với các đại biểu: - Các chú có biết chú này không? Chú này là miền Nam trọ trẹ đây - (ý nói người Trị Thiên). Bác và tất cả chúng tôi cười vui vẻ. Bác đề nghị tôi:

- Cháu ngâm cho Bác nghe một bài thơ.

Thật bất ngờ. Nhưng biết ngâm bài gì bây giờ. Tôi bối rối xúc động quá. Bỗng tôi nhớ đến bài “Cháu nhớ Bác Hồ” là bài thơ tôi làm bên bến Ô Lâu. Bài thơ này tôi làm với tình cảm của tuổi thơ và của Nhân dân miền Nam nhớ thương và biết ơn Bác Hồ. Tôi nín hơi cho xúc động lắng xuống và thưa với Bác: Thưa Bác, cháu xin ngâm bài thơ “Cháu nhớ Bác Hồ”.

Khi nhà thơ Thanh Hải đọc xong bài thơ “Cháu nhớ Bác Hồ”. Bác Hồ xúc động nói: “Ở trong mơ cháu thấy Bác hôn, thì nay Bác hôn thật ngoài đời nhé”. Và trước mặt mọi người, Bác hôn lên má nhà thơ Thanh Hải.

Các tư liệu ghi lại lời kể của nhà thơ Thanh Hải ngang đó là hết. Tuy nhiên, đầu tháng 4/2022, chúng tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, vợ của cố nhà thơ Thanh Hải, và được bà kể thêm những chi tiết rất xúc động liên quan đến bài thơ “Cháu nhớ Bác Hồ”. Bài thơ viết lúc nhà thơ Thanh Hải 26 tuổi, đọc thơ ta thấy chân thật, gần gũi xiết bao. Bài thơ có hai câu mở đầu: “Đêm nay bên bến Ô Lâu/Cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ”. Rồi đến giữa bài là những câu thơ da diết:

“Đêm đêm cháu những

bâng khuâng

Giở xem ảnh Bác cất thầm bấy lâu

… Càng nhìn càng lại ngẩn ngơ

Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn”

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm lấy từ album cho chúng tôi xem hai bức ảnh quý đã mờ qua năm tháng. Bức ảnh thứ nhất ghi lại hình ảnh Bác Hồ đang ôm nhà thơ Thanh Hải, bàn tay phải đặt lên vai nhà thơ trìu mến. Bức ảnh thứ hai ghi lại hình ảnh Bác Hồ choàng tay qua cổ nhà thơ Thanh Hải và hôn lên má nhà thơ. Ánh mắt nhà thơ Thanh Hải thật ngạc nhiên và vui sướng.

Thật là những bức ảnh hết sức quý và ít người biết đến.

Chúng tôi xin phép chụp lại những bức ảnh. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết thêm, hai bức ảnh nói trên và nhiều bức ảnh liên quan đến nhà thơ Thanh Hải, đặc biệt là chuyến đi thăm miền Bắc của Đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1962, giờ đang được lưu giữ cẩn thận ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước.

Bài: Đặng Ngọc Nguyên - Ảnh: TL

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 - 10/10/2024)
Xứng danh với lời căn dặn của Bác Hồ

Ngày 10/10/1954, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội tiến về tiếp quản Thủ đô.

Xứng danh với lời căn dặn của Bác Hồ
Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ

Trên nhật báo Quyết Chiến, cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân, xuất bản tại Huế, có in bức thư của Hồ Chủ tịch, đề ngày 4/12/1945, gửi các chiến sĩ cùng đồng bào Nam Bộ và Nam Trung Bộ...

Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ
Bác Hồ - Những câu chuyện và bài học

Đó là tên cuốn sách thứ năm của TS. Chu Đức Tính (nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh) viết về Bác Hồ. Tác giả là một trong số không nhiều những nhà nghiên cứu chuyên sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tâm nguyện “nhằm chứng minh một chân lý đã được khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người cộng sản mẫu mực, một lãnh tụ nói đi đôi với làm” - như tác giả đã tâm sự đầu cuốn sách.

Bác Hồ - Những câu chuyện và bài học
Bác Hồ với thiếu nhi và truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam

Triển lãm chuyên đề “Thừa Thiên Huế với công tác xây dựng văn hóa gia đình”; Hội thi rung chuông vàng “Bác Hồ với thiếu nhi và truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam” diễn ra chiều 27/6 tại xã Thủy Thanh. Hoạt động do Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh phối hợp Phòng Văn hóa & Thể thao, Phòng Giáo dục & Đào tạo TX. Hương Thủy tổ chức.

Bác Hồ với thiếu nhi và truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam
Nơi lưu dấu chân Người

Thuở niên thiếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình đã từng sinh sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước ở Thừa Thiên Huế trong thời gian gần 10 năm. Đó là thời kỳ từ năm 1895 - 1901, khi Người mang tên Nguyễn Sinh Cung (5 - 11 tuổi) và thời kỳ thứ 2 từ năm 1906 - 1909, khi Người mang tên Nguyễn Tất Thành (16 - 19 tuổi).

Nơi lưu dấu chân Người

TIN MỚI

Return to top