ClockChủ Nhật, 02/06/2024 12:01

Gìn giữ bản sắc văn hóa, con người để làm nền tảng phát triển

TTH - Nhắc đến văn hóa Huế là người ta lại nghĩ đến những bản sắc văn hóa đậm đà, riêng biệt. Giá trị ấy đang được con người vùng đất này giữ gìn, phát huy và tiếp tục xây dựng những giá trị văn hóa mới.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóaBảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thốngNhiều lễ hội được phục hồi góp phần phát huy giá trị văn hóaGiữ gìn bản sắc văn hóa là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội

 Dịu dàng nét Huế

Giữ bản sắc văn hóa khởi nguồn từ con người, gia đình

Nói đến giá trị văn hóa Huế, TS. Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế cho rằng, đó là sự kết hợp những giá trị nổi bật như tính lịch sử, tính phong phú và đa dạng, tính hội tụ và lan tỏa, tính tiêu biểu.

Ông Dũng dẫn lại lời của GS. Vũ Ngọc Khánh khi đánh giá về giá trị văn hóa Huế: “Huế là một đô thị, nhưng nó không phải là một đô thị dồi dào về hoạt động kinh tế như Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và ngay như cả Hà Nội nữa. Huế có một vị trí khác, một vị trí đô thị có lẽ cũng độc đáo trên thế giới, một đô thị văn hóa hoàn toàn. Huế rất hấp dẫn bởi tính chất văn hóa của nó”.

Hơn 30 năm qua, với sự quan tâm và đầu tư từ nhiều nguồn cũng như sự nỗ lực tự thân Huế, các di sản văn hóa ở Huế đã được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tích cực. Điển hình là có hơn 150 công trình thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được trùng tu, tu bổ với kinh phí 1.800 tỷ đồng. Cùng với quá trình đó, đã giải tỏa, di chuyển 30 cơ quan, nhà máy, xí nghiệp và hơn 15.000 người dân ra khỏi Kinh thành. Điều này đã làm giảm áp lực dân cư trong Kinh thành, đồng thời tăng cường độ bền cho các công trình cổ, góp phần giữ gìn kiến trúc cảnh quan các khu di tích.

Nói đến văn hóa Huế, không thể không nhắc đến con người của vùng đất. Theo ông Dũng, con người Huế đã kế thừa những giá trị tinh thần của con người Việt Nam, bên cạnh đó do tính lịch sử, văn hóa vùng đất này cũng hình thành nên những đặc tính riêng như truyền thống đoàn kết, lao động sáng tạo, tinh thần hiếu học, hòa nhập tiếp thu tinh hoa các nền văn hóa, tình thương nhân ái, sự bao dung thân thiện...

Còn với PGS.TS. Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, gia giáo, gia phong, gia pháp là nét nổi bật của gia đình Huế, bởi lẽ trong quá khứ vùng đất này là Kinh đô của triều đại nhà Nguyễn lấy Nho giáo làm kỷ cương, lấy gia đình làm khuôn phép, làm bệ đỡ để tiến thân. Do vậy, gia đình Huế là ngôi trường đầu tiên và suốt đời để răn dạy, đào tạo các thành viên trên các phương diện đạo đức, trí lực, văn hóa ứng xử và truyền nghề. Gia đình Huế trọng lễ nghĩa và chữ nghĩa, trọng danh, trọng sự hài hòa, trọng nghĩa tình, thủy chung, tôn kính ông bà, tổ tiên… Với nét tiêu biểu đó, ông Bang nhận định: “Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, gia đình Huế luôn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc nhất là vai trò giáo dục của gia đình. Phá vỡ gia đình là nguy cơ băng hoại xã hội, là nguy cơ tha hóa dẫn đến vong bản, vong quốc”.

Con người là mục tiêu của sự phát triển vùng đất

Trong khi đó, theo góc nhìn riêng của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin), rất khó xác định đặc điểm chung trong tính cách con người Huế, nhưng có thể phác thảo những đặc trưng cơ bản nổi trội trong tính cách con người xứ Huế.

Đặc trưng cơ bản của con người nói chung hay người Huế nói riêng thường bị chi phối bởi hai yếu tố cơ bản là điều kiện địa lý tự nhiên và môi trường xã hội, trải qua hàng trăm năm đã tác động, từng bước định hình trở thành bản sắc văn hóa và tính cách con người của một vùng đất. Điều thú vị là tính cách của người Huế thường có sự dung hợp giữa các yếu tố tưởng chừng như đối lập, đối cực, nhưng lại tồn tại một cách tự nhiên trong lối sống Huế.

Ông Hoa dẫn chứng, người Huế thường xem trọng lễ nghĩa, đạo lý, biết giữ gìn nề nếp, e ngại dư luận, ngay cả trong “lời ăn tiếng nói”, trong sinh hoạt gia đình và giao tiếp trong họ hàng, ngoài xã hội. Tuy nhiên, khi bị kìm hãm thái quá thì đôi lúc lại phản ứng quyết liệt. Người Huế thường kín đáo, nhẹ nhàng, từ tốn, ít khi bộc lộ tâm trạng, sống hiền hòa, bình dị, không bặt thiệp, không bộc trực nhưng đôi lúc lại “cứng đầu”, phản ứng chống đối dễ quyết liệt, cực đoan. Người Huế có xu hướng ưa chuộng các giá trị truyền thống, nên gắn bó hơn với truyền thống đôi lúc đến  bảo thủ. Nhưng trước những giá trị mới có tính nhân văn, người Huế lại không ngần ngại tiếp nhận.

Với những nét riêng, độc đáo ấy, các chuyên gia cho rằng, cần phải xác định con người là trung tâm, là mục tiêu của sự phát triển của vùng đất này. Ông Phan Tiến Dũng nói thêm, vùng đất Huế luôn tự làm giàu bằng sự bồi đắp nhiều yếu tố, văn hóa, con người Huế đã tích lũy nhiều giá trị tốt đẹp và đã có cảm tình trong lòng bạn bè, những giá trị đó đã trở thành những nguồn lực lớn.

“Việc giáo dục cho mỗi con người đặc biệt là thế hệ trẻ những giá trị văn hóa truyền thống là việc làm cần thiết và mang ý nghĩa lớn. Cần chú trọng bồi dưỡng các kỹ năng, sự sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, khả năng quyết đoán và cách làm giàu chính đáng. Bảo tồn giá trị văn hóa Huế không chỉ bảo tồn hình ảnh Huế mà còn làm cho tài nguyên nhân văn Huế luôn được phát huy”, ông Dũng chia sẻ.

Nhật Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

​Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết được coi như một mũi nhọn, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

Khu phố cổ Gia Hội nằm ở phía đông ngoài Kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Ngày nay khu phố này thuộc phường Gia Hội (Q. Phú Xuân) đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa, cũng như bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vậy Gia Hội sẽ phát triển, đi lên như thế nào?

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên
Quảng Điền phát triển chăn nuôi quy mô lớn

Là địa phương có lợi thế về chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, huyện Quảng Điền đặc biệt chú trọng đến công tác phòng, ngừa dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng quy mô lớn, công nghiệp tập trung.

Quảng Điền phát triển chăn nuôi quy mô lớn
Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS

Theo tin từ Japan Times, Nhật Bản vừa phát triển một phương pháp mới để phân hủy PFAS - một nhóm hợp chất hữu cơ chứa fluor nhân tạo thường được gọi là “hóa chất vĩnh cửu”, thường được sử dụng trong rất nhiều loại sản phẩm tiêu dùng và gây ra những lo ngại về môi trường cũng như sức khỏe con người.

Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS

TIN MỚI

Return to top